Cơ hội cho cá nhân, doanh nghiệp mở rộng đầu tư
Theo dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi, Bộ KH-ĐT đề xuất mở rộng đối tượng được thành lập và quản lý doanh nghiệp. Cụ thể, cho phép viên chức là các nhà khoa học được tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ khoa học được nghiên cứu; tăng khả năng thúc đẩy thương mại hóa, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ.

Nhà khoa học được tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ từ kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Dự thảo cũng bổ sung quy định về tăng cường giám sát, kiểm tra, chế tài xử lý cụ thể đối với các doanh nghiệp "ma". Theo đó, bổ sung thành phần hồ sơ bao gồm giấy tờ chứng minh năng lực tài chính của cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng vốn, thành viên góp vốn, cổ đông bảo đảm khả năng chi trả và góp đủ số vốn chuyển nhượng, đăng ký. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng vốn ảo, đăng ký khống vốn điều lệ, thành lập doanh nghiệp ma hoặc tình trạng "núp bóng" tham gia góp vốn, mua cổ phần chi phối doanh nghiệp nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật…
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận xét: Đề xuất cho thêm các đối tượng được tham gia hoạt động kinh doanh tạo dư địa tốt cho việc tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động trên cả nước, là cơ hội cho các cá nhân, doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh. Song để có sự bứt phá về số lượng thì chưa hẳn, bởi sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp cần có các yếu tố khác nữa.
"Mục tiêu chúng ta đặt ra từ 5 năm trước là phải đạt 1 triệu doanh nghiệp, nay vẫn còn dưới con số đó. Việc sửa đổi nhiều quy định trong luật Doanh nghiệp hiện tại nhằm tạo thêm cơ hội cho cá nhân có niềm tin để quyết định đầu tư kinh doanh, coi trọng yếu tố tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Sự cởi mở này mới là một trong 3 yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển và lớn mạnh của doanh nghiệp.
Theo tôi, có 3 yếu tố thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của người dân nói chung. Đó là khuyến khích tự do kinh doanh theo hiến pháp và pháp luật, mọi người dân và doanh nghiệp được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Thứ hai, tạo sự ổn định, sự an toàn của môi trường kinh doanh. Những chính sách, quy định phải có độ thẩm thấu nhất định, không thể thay đổi liên tục. Thứ ba, tính hệ thống của pháp luật và sự minh bạch. Hệ thống pháp luật phải bảo đảm sự trơn tru, không chồng chéo, không mâu thuẫn khác biệt gây khó khăn cho người dân và cả cán bộ khi áp dụng thực thi. Tất cả phải thống nhất rõ ràng, minh bạch", TS Nguyễn Minh Thảo phân tích.
TS Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh: Nếu không đạt đủ 3 yếu tố trên, kể cả khi mở rộng đối tượng được tham gia hoạt động kinh doanh, môi trường kinh doanh lại bó hẹp trong cơ chế cũ, thì mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp của VN cũng khó đạt được trong những năm đầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. "Thực tế, từ khi có luật Doanh nghiệp 1999, chúng ta đã tạo được bước ngoặt trong lịch sử kinh doanh, mở cửa tự do cho tư nhân tham gia vào kinh doanh. Nay với độ mở của nền kinh tế rất lớn, muốn tạo sự bứt phá, phải tháo hẳn các rào cản về điều kiện kinh doanh, để doanh nghiệp bung ra lớn mạnh về số lượng lẫn quy mô. Thế nên, môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng, quyết định để người dân có sẵn sàng tham gia hoạt động đầu tư kinh doanh ngay hay không. Nếu chưa khắc phục cả 3 yếu tố trên, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vẫn chỉ là mục tiêu", TS Nguyễn Minh Thảo nói.
Đẩy mạnh cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Cách đây gần 10 năm, Nghị quyết 35/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã đặt ra mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Song đến cuối năm 2020, tổng số doanh nghiệp VN trên hệ thống đăng ký kinh doanh đạt khoảng 890.000 doanh nghiệp. Theo ước tính của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), tính đến hết tháng 10.2024, cả nước mới có khoảng 921.372 doanh nghiệp đang hoạt động (tăng 2,8% so với cùng thời điểm năm 2023). Như vậy, với quy định bổ sung, đề xuất mở rộng đối tượng thành lập doanh nghiệp, cơ hội số doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trên cả nước có thể tăng, VN có thể sớm đạt con số 1 triệu doanh nghiệp.
PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu doanh nhân, cho rằng chỉ có sự cải cách đồng bộ từ Chính phủ, các ngành, các cấp đến địa phương thì việc sửa đổi luật Doanh nghiệp mới hiệu quả được. Có một thực tế khá mâu thuẫn là nhiều địa phương muốn có chỉ số năng lực cạnh tranh nâng cao, song các dự án của nhà đầu tư lại không được tháo gỡ, bị ngâm từ năm này sang năm khác. Người đứng đầu không dám quyết, đi hỏi cơ chế lòng vòng. Nay trước áp lực tăng trưởng, chỉ tiêu Chính phủ giao, sửa đổi luật Doanh nghiệp… cần phải đẩy mạnh cải cách khâu thực thi. PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân nhấn mạnh: "Cải cách thể chế, cắt giảm các điều kiện kinh doanh được "mọc" lên trong mấy năm qua, rồi trao quyền và trách nhiệm cho bộ phận thực thi tốt, đồng bộ thì con số 1 triệu doanh nghiệp là trong tầm tay".
TS Nguyễn Minh Thảo đề xuất, ngoài sửa đổi luật Doanh nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, quá trình cải cách hoạt động kinh doanh cần được thực hiện từng bước một, trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và làm đồng loạt tại các ngành, kết nối một cách tổng thể, không có kiểu vướng đâu sửa đó như lâu nay.
"Chẳng hạn, trong thời gian tới, ngay lập tức phải giảm bớt các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Kế đó, các thủ tục về hành chính phải được số hóa, giúp môi trường kinh doanh đơn giản, cắt giảm thủ tục tại mỗi ngành nghề, địa phương. Một khi môi trường kinh doanh thông thoáng, không có rào cản, tinh thần doanh nhân nổi lên, thì họ sẽ tham gia sớm", TS Thảo nói và dẫn chứng: Riêng trong tháng 1.2025, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao gấp 5 lần số thành lập mới. Lý do có thể do thấy tín hiệu thị trường chưa tốt, sức mua còn yếu hay nhiều rào cản khiến nhà đầu tư không mặn mà. Song những con số như thế này đều đáng quan tâm. Thế nên, một mặt cần tìm kiếm các giải pháp tăng sức mua thị trường từ trong và ngoài nước, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, mặt khác phải có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Hiện nay, dường như đang có sự chờ đợi chính sách thay đổi theo hướng nào để quyết định đầu tư kinh doanh. Có rất nhiều người tuy đã có ý tưởng, nhưng còn chần chừ chờ cơ chế thông thoáng, chưa muốn tham gia hoạt động kinh doanh ngay. Vì thế, ngoài sửa đổi luật, cần có sự cải cách đồng bộ để tạo sự bứt phá.
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)