4 triệu tỉ đồng cho tăng trưởng: Tăng hiệu quả đầu tư, khắc chế lạm phát

Với nhu cầu nguồn cung tiền hơn 4 triệu tỉ đồng cần có để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng nguy cơ lạm phát không đáng lo ngại bởi nếu tính trên tổng GDP của VN thì tỷ lệ đầu tư 4 triệu tỉ đồng đạt mức khoảng 30 - 32%. Đây là con số khá cao so với mức 27 - 28% của những năm trở lại đây nhưng VN cũng đã từng thực hiện trong nhiều giai đoạn trước. Đồng thời, nếu so với một số nước như Trung Quốc thì tỷ lệ này vẫn ở mức bình thường. Ở một số giai đoạn cần bứt tốc để đạt mục tiêu tăng trưởng cao, tỷ lệ đầu tư tính trên GDP của Trung Quốc đạt tới trên 40%.

Tăng hiệu quả đầu tư và kiểm soát lạm phát với chính sách tài khóa - Ảnh 1.

Với các dự án đầu tư công, phải giải quyết được các nút thắt tồn tại như thi công chậm kéo dài, đội vốn; từ đó giúp gia tăng hiệu quả vốn đầu tư, tránh gây áp lực lạm phát cao (trong ảnh: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ)

ẢNH: NAM LONG

Mặt khác, nếu mỗi đồng vốn được đầu tư đạt hiệu quả cao thì lạm phát sẽ càng được kiềm chế. Cùng lượng vốn đầu tư như vậy nhưng hiệu quả tốt hơn, năng suất tốt hơn, giảm được khấu hao, giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm… thì vừa giúp tăng trưởng GDP cao hơn, vừa là tiền đề giảm áp lực đối với lạm phát. Hiện nay, hệ số ICOR (hiệu quả vốn đầu tư) tại VN rơi vào khoảng mức 6, cần tổng lực nhiều giải pháp để kéo mức hệ số ICOR xuống thấp hơn nữa.

TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: Quan trọng nhất là cải thiện thể chế để xây dựng môi trường đầu tư tốt, minh bạch, giảm chi phí "không tên" cho doanh nghiệp cũng như rút ngắn được thời gian thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, cần đáp ứng đầy đủ cơ sở hạ tầng cứng và mềm như hệ thống đường sá, GTVT, giảm chi phí logistics, đảm bảo nguồn cung điện ổn định, nâng trình độ của lực lượng lao động, áp dụng triệt để khoa học - công nghệ, chuyển đổi số… để giảm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả đầu tư.

Tăng hiệu quả đầu tư và kiểm soát lạm phát với chính sách tài khóa - Ảnh 2.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng chia sẻ: Quan điểm của ông và Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách là VN cần giữ cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Vì vậy, cần kết hợp nhịp nhàng, khéo léo giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Cần đảm bảo cung - cầu hàng hóa thiết yếu trên thị trường, kiểm soát các yếu tố đầu cơ đối với những mặt hàng như xăng dầu, điện, nước, thực phẩm. Đồng thời, phải tính đến việc tránh lạm phát kỳ vọng gây giá cả hàng hóa tăng cao. Tiếp theo, khi tăng trưởng tín dụng cao phải đảm bảo hệ thống ngân hàng ổn định, an toàn. Cuối năm 2024, một số ngân hàng thương mại đã có cảnh báo nợ xấu tăng cao nên phải chú ý để tránh rủi ro. Đối với các dự án đầu tư công, phải giải quyết được các nút thắt quen thuộc vốn đã tồn tại nhiều năm liền như giải phóng mặt bằng chậm, thi công chậm kéo dài dự án, đội vốn. Từ đó mới giúp gia tăng hiệu quả vốn đầu tư, tránh gây áp lực lạm phát cao.

"Đồng tiền bỏ ra có hiệu quả mới tạo được dư địa cho tăng trưởng, ngược lại sẽ để lại hệ lụy, sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế. Chính phủ có nhiều công việc, chính sách cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Ví dụ như chính sách cho vay ưu đãi lãi suất để mua nhà ở xã hội ban hành trước đây nhưng triển khai thấp. Đây là một chính sách tốt, nếu thực hiện đúng mục tiêu sẽ tạo ra kết quả cao như giải quyết tình trạng bong bóng bất động sản, tạo nhà ở cho người dân. Điều này cũng sẽ góp phần giảm lạm phát trong rổ hàng hóa liên quan đến vấn đề nhà ở", TS Nguyễn Quốc Việt chia sẻ.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao