Tản mạn về tục thờ cúng Thần Tài

Tuy nhiên, cần nói thêm rằng tự thủơ sơ khai, mong ước về sự no đủ, về tiền tài, về may mắn, hạnh phúc… trong cuộc sống luôn là khát vọng thường trực của nhân loại.

Nhiều "tích" về Thần Tài

Theo đó, qua văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, chúng ta còn thấy được các hình thức thờ cúng Thần Tài của một số cộng đồng, dân tộc khác cũng không kém phần đặc sắc, như tục thờ Ngũ Bộ Thần Tài của người Tây Tạng hay tục thờ Bố Đại La Hán (Angada), nữ thần Lakshmi của người Ấn Độ... Với người Trung Quốc, Thần Tài, đều được gọi là chung Tài Thần, được tôn xưng với nhiều danh hiệu khác nhau. 

Tản mạn về tục thờ cúng Thần Tài- Ảnh 1.

Tản mạn tục thờ Thần Tài

ẢNH: HÀ VY

Quan niệm về nguồn gốc Thần Tài của họ thì hết sức phong phú, có thể điểm qua một số thuyết sau: 

 Thứ nhất Thần Tài là Tài Bạch Tinh Quân, tức Thái Bạch Kim Tinh, còn được tôn xưng là Tăng Phúc Tài Thần (Vía ngày 22 tháng 7). Dân gian tin rằng, nguyên ủy, ngài ứng với sao Kim, tức sao Thái Bạch, một trong những hung tinh (sao xấu), thuộc hành Kim, thường xuất hiện ở phía đông vào buổi sáng nên được gọi là "Khởi Minh", lại xuất hiện ở phía tây vào buổi chiều nên được gọi là "Trường Canh". 

Qua diễn tiến của văn hóa tín ngưỡng, ngài được dân gian xếp vào hàng Văn Thần Tài, gán thêm "chức phận" chủ quản về tiền tài và vận may trong thiên hạ, rất linh ứng trong việc cầu tiền tài và vận may, luôn sẵn sàng phù giúp cho những người lương thiện. Trong thờ tự, dân gian thường tạo tượng ngài với motip mang vóc dáng của một vị đạo sĩ hoặc mặc quan phục, ngoài khoác áo choàng đỏ, đầu đội mũ ô sa, lưng thắt đai ngọc, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, râu đen dài, một tay cầm bức lụa viết dòng chữ "Cung hỷ phát tài " hoặc "Chiêu tài tiến bảo", một tay cầm thỏi vàng. Về sau, thần tượng ngài còn được dân gian phối thờ, kết hợp với hình tượng Tam đa/tinh và Hỉ thần để hợp thành bộ ngũ vị Thần Tài, chuyên ban phát: Phúc - Lộc - Thọ - Tài - Hỉ cho khắp chốn nhân gian…

 Thứ 2, Thần Tài gồm 5 vị, ứng với ngũ phương/ngũ lộ, gồm: Bắc, Tây, Đông, Nam và Trung phương. Qua diễn tiến của văn hóa tín ngưỡng, hình tượng các ngài từng bước được nhân hóa, với hành trạng của con người cụ thể, có đóng góp nổi trội cho lịch sử, đặc biệt là về thương mại. Theo thuyết này, phương bắc ứng với Triệu Công Minh, tức Triệu Huyền Đàn, Hắc Hổ Huyền Đàn, là vị Thần Tài được Đạo giáo tôn thờ, chủ quản tất cả các kho báu, vàng bạc, tài nguyên chốn nhân gian, cho nên được gọi là "Chính Nhất Huyền Đàm Nguyên soái". Quan Vũ, tự là Vân Trường, là một vị tướng cuối thời Đông Hán, nổi tiếng về lòng dũng cảm và trung nghĩa, được tôn vinh là "Võ Thần Tài", chủ quản tài nguyên phía tây. Tỉ Can, là con trai của Thương vương Văn Định (thời Thương), nổi tiếng công tâm, vô tư, liêm chính mà được tôn làm Thần Tài, chủ quản tài nguyên phía đông. Sài Vinh là vị vua thứ hai của nhà Hậu Chu (thời Ngũ Đại), có nhiều cống hiến cho thương mại và nông nghiệp nên được tôn làm Thần Tài chủ quản phía nam. 

Vương Hợi là vị vua thứ bảy của nước Thương (thời Hạ), có công phát minh ra xe bò và khuyến khích sử dụng xe bò vận chuyển hàng hóa, mở rộng buôn bán nên được suy tôn làm "Tổ nghề thương nghiệp của người Hoa", chủ quản nguồn tài tài nguyên tại Trung phương. Đương nhiên, tùy thuộc từng địa phương và quan niệm tín ngưỡng mà danh vị cụ thể của các thần trong bộ Thần Tài này còn có sự dịch chuyển, thay thế hoặc phối thêm những vị Thần Tài khác để tạo thành các bộ biến thể, như trường hợp xuất hiện của Thần Tài Phạm Lãi (thời Xuân Thu), Thần Tài Tử Cống (học trò của Khổng Tử, nổi tiếng về buôn bán), Lưu Hải Thiền (Đạo sĩ phái Toàn Chân, thời Ngũ Đại), được tôn là Thần Tài vì truyền thuyết cho rằng ông có thể giẫm lên một con cóc vàng (thiềm thừ) mà khiến nó nhả ra tiền)... 

Thứ 3, Thần Tài gồm 9 vị, ứng với ngũ phương/lộ gồm: Trung phương, phía đông, phía nam, phía tây, phía bắc, phía tây nam, phía đông bắc, phía đông nam, phía tây bắc. Cũng qua diễn tiến phát triển của tín ngưỡng, hình tượng các ngài được nhân hóa, với hành trạng của con người cụ thể, có đóng góp nổi trội cho thương mại hoặc lịch sử. Tương ứng với thứ tự của 9 phương, lần lượt là: Vương Hợi, Tỉ Can, Sài Vương Gia (Sài Vinh), Quan Công (Quan Vũ), Triệu Công Minh, Đoan Mộc Tứ, Lý Ngụy Tổ, Phạm Lãi và Lưu Hải Thiềm. 

 Ngoài ra, theo dòng chảy của tín ngưỡng thờ Thần Tài, các pháp sư, thầy phù thủy còn sáng tạo ra nhiều loại bùa Thần Tài, vật phẩm phong thủy mang ý nghĩa chiêu tài tiến bảo và nhiều dạng thức khác nữa... 

Thần Tài với người Việt 

 Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài có lẽ được định hình và tồn tại độc lập tương đối muộn nhưng rất độc đáo về tín niệm, đa dạng về hình thức. Với cơ tầng xã hội nông nghiệp truyền thống - tư liệu sản xuất nền tảng là đất đai (Mẹ Đất/Tần Đất) và tín ngưỡng phồn thực, trong tâm thức chung, người Việt tín niệm, thần linh thuộc thế giới vô hình, là tinh anh của đất, trời, sông, núi, mãi mãi trường tồn, quản việc ban phát mưa thuận, gió hòa để muôn vật sinh sôi, mùa màng bội thu, dân sinh ấm no, hạnh phúc. 

Theo đó, trong tâm thức tôn giáo và tín ngưỡng chung, từ hình tượng thần linh, cho đến đồ thờ, vật phẩm tế tự và đồ dâng cúng, cơ bản mang tính chất "biểu pháp" và "biểu trưng". Và, tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài cũng không ngoại lệ. Cụ thể, trong các gia đình, Thần Tài thuộc hệ gia thần, có khi được phối thờ cùng ban thờ gia tiên, thường dạng vô hình, không tượng pháp, không bài vị hoặc được thờ riêng tại một khám nhỏ (có bát hương) đặt trong góc khuất, tương ứng hoặc đồng nhất với vị trí của Thần Đất. Trong phạm vi cộng đồng làng xã, Thành hoàng làng và các thần được thờ như đấng bề trên tối thượng, đa quyền năng và kiêm quản luôn chức năng chủ quản, ban phát về tiền tài, của cải, đem lại vận may của Thần Tài. Còn trên phương diện quốc gia, Thần Tài chưa từng được các triều đại quân chủ ở nước ta phong sắc, phong thần, đưa vào điển chương thờ tự (Tự điển). 

Qua bước chuyển đổi tôn giáo mạnh mẽ vào khoảng cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, tín niệm về Thần Tài của người Việt đã dung hội với tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài của người Hoa để có bước định hình rõ nét hơn và lan tỏa ra phạm vi cả nước. Hòa cùng nhịp phát triển của kinh tế - xã hội, trong khoảng vài chục năm trở lại đây, dạng ban thờ Thần Tài được lập riêng, với đầy đủ tượng pháp, đa dạng về phong cách đã xuất hiện tương đối phổ biến trong các hộ, cửa hàng, cửa hiệu buôn bán, kinh doanh, công ti, xí nghiệp, nhà máy… 

 Trong tín ngưỡng thờ thần, ngày vía thần được hiểu là ngày thần giáng sinh hoặc ngày thần hóa hoặc ngày thần đắc đạo. Theo đó, các lễ nghi, hội lệ lớn gắn với tục thờ thần của các cộng đồng, cơ bản đều được tổ chức vào ngày vía thần. Người Trung Quốc thường cúng vía Thần Tài vào ngày 5 tháng giêng, còn ở nước ta, vía thần lại là ngày mùng 10 tháng giêng, trùng với ngày vía Đất (quan niệm truyền thống: Mồng 9 cúng trời, mồng 10 cúng đất). Có lẽ, đây là hệ quả tất yếu của quá trình lịch sử chuyển đổi về thân phận, phương thức sản xuất, nghề nghiệp và tư duy kinh tế của một bộ phận cư dân vốn thuộc căn cốt nông nghiệp chuyển sang hoạt động thương nghiệp, dịch vụ, kinh doanh thương mại trong cơ cấu kinh tế xã hội nước ta ít nhất cũng đã trải qua hàng thế kỷ qua. 

Song hành với nó là quá trình chuyển đổi tâm thức tín ngưỡng thờ thần bảo hộ - từ Thần Đất chuyển sang thờ Thần Tài của nhóm cộng đồng này. Bằng chứng cụ thể, là trong tâm thức tín ngưỡng dân gian về Thần Đất hoặc tại các am, miếu, ban thờ Thần Đất, vai trò của đất, tức Thần Đất đối với nguồn tài nguyên, tiền tài vẫn được khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Thổ năng sinh bạch ngọc/Địa khả xuất hoàng kim" (Đất sinh ra ngọc trắng/Đất ban tặng vàng ròng). Hay, trên nhiều bài vị được đặt trong ban thờ Thần Tài hiện nay vẫn sơn son mạ vàng ghi rõ thông điệp (chữ Hán): Ban thờ này thờ Thần Tài của chủ đất trước và Thần Tài của chủ đất sau; chư vị Long thần Ngũ phương và các vị Long thần Ngũ thổ; các vị tiên cô, tiên hữu. Kính mong và hàm ơn các vị ban cho báu vật, tiền tài, may mắn, bình an…, cho được ở nơi địa linh, nhân kiệt. 

Rõ ràng, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội và giao lưu tiếp biến, dung hội văn hóa, kế thừa nền tảng truyền thống của văn hóa tín ngưỡng thờ Đất, văn hóa tín ngưỡng thờ Thần Tài ở nước ta đã và đang từng bước được định hình và độc lập, góp phần làm phong phú thêm bức tranh muôn màu, muôn vẻ về đời sống tín ngưỡng của cộng đồng, xã hội. Trong qúa trình này, tất yếu sẽ phát sinh những nút thắt, điểm nghẽn cần sớm được cơ quan, đơn vị chức năng gỡ bỏ, khơi thông. Chẳng hạn như hiện tượng tâm lý "khát vàng", "săn vàng" bất chấp rủi ro trong ngày vía Thần Tài mong lấy khước cầu may ở một bộ phận dân chúng gần đây, vô tình đã tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp lợi dụng kích cầu, thổi giá kinh danh vàng trục lợi, gây bất ổn thị trường như truyền thông, báo chí đã đưa tin… 

 Bằng vào chính tín, tự cởi "nút thắt tư duy", xin mượn đôi vần ngụ ngôn (phương Tây) của La Phông-ten để cùng nghiềm ngẫm tỏ tường: 

  "Phú nông gần đất xa trời 

 Họp riêng con lại ngỏ lời thiết tha 

 Rằng"Ruộng đất ông cha để lại 

 Các con đừng khờ dại bán đi 

 Kho vàng chôn dưới đất kia 

 Cha không biết chỗ. Kiên trì gắng công 

 Tìm khắc thấy, cuối cùng sẽ thắng 

 Xốc ruộng lên tháng Tám sau mùa 

 Tay cày tay quốc, tay bừa, 

 Xới qua xới lại chẳng chừa chỗ không" 

 Bố chết các con cùng gắng gổ 

 Lật tung đồng đây đó khắp nơi. 

 Kỹ càng công việc xong xuôi, 

 Cuối năm lúa tốt bời bời bội thu. 

 Vàng mới bạc giấu mô chẳng thấy 

 Rõ ràng ông bố ấy khôn ngoan: 

 Trước khi từ giã trần gian, 

 Lấy câu lao động là vàng dạy con".

(Tú Mỡ dịch)

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao