Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Group:
Có cơ chế bảo vệ những người tiên phong
Giới doanh nhân khi ngồi với nhau rất hy vọng vào sự thay đổi lần này, kỳ vọng vào một kỷ nguyên mới của đất nước vì hiểu được rằng tâm huyết và nguyện vọng thay đổi rất lớn lao của Tổng Bí thư Tô Lâm. Chúng ta hiểu rằng đã đến lúc phải tái cấu trúc, phải thay đổi để phát triển, vươn mình cùng thế giới. Hiện nay chúng ta đã có khát vọng thay đổi, nhưng phương thức để đi, cách thức đi như thế nào còn phụ thuộc vào nhận thức, tầm nhìn, phương pháp hành động. Không chỉ doanh nhân mà cả dân tộc đang chờ vào hành động của Đảng, Chính phủ. Hiện nay phương pháp để bước lên một kỷ nguyên mới đã có, đó là tinh gọn bộ máy, chấn chỉnh cách làm việc.
Nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Muốn bộ máy hoạt động tốt, cần phải có một cơ chế tốt, chính sách tốt. Cần tạo lòng tin hơn nữa cho doanh nhân, nhân dân bằng những thay đổi về chính sách, cơ chế hoạt động của bộ máy mới. Chúng ta bước lên một kỷ nguyên mới thì chính sách cũng phải thay đổi, bộ máy cũng phải thay đổi và cả con người cũng phải thay đổi. Nhà nước đang giữ vai trò kiến tạo, là bà đỡ để tạo ra một nền kinh tế mới, một thế hệ mới. Như vậy cần xác định rõ, định vị rõ doanh nhân sẽ nằm ở đâu trong bộ máy này.
Khi đã định vị được rồi sẽ có những cơ chế, chính sách rõ ràng để doanh nghiệp làm theo. Chính phủ cũng cần đưa ra những mục tiêu, yêu cầu đối với doanh nhân trong kỷ nguyên mới là doanh nhân thế nào, tập trung phát triển vào lĩnh vực gì... Khi có chính sách thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển thì đội ngũ doanh nhân sẽ làm theo, đi theo. Doanh nhân được tạo ra bởi sự kiến tạo của chính sách. Khi thấy có con đường thì họ sẽ chạy theo, chuyển mình theo. Cũng cần có cơ chế bảo vệ cho những doanh nhân "đi trước thời đại", dám nghĩ dám làm, không ngáng đường, triệt tiêu những động lực, sáng tạo để phát triển của giới doanh nhân, doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp phát triển, giới doanh nhân sẽ quay lại cống hiến, phụng sự cho người dân, xã hội.
Không chỉ vậy, chúng tôi cũng đang mong chờ sắp xếp lại bộ máy, tinh gọn nhân sự. Những cán bộ trong đó phải tự điều chỉnh hoặc đào tạo lại cho phù hợp với kỷ nguyên mới, đáp ứng được kỳ vọng, sự phát triển của đất nước. Những người không phù hợp phải ra đứng ngoài, không thể ở lại rồi cản trở sự phát triển của đất nước.
Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại
Tân Quang Minh (Bidrico):
Tạo bước nhảy vọt về kinh tế - xã hội
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường về chính trị, kinh tế và ngoại giao như thời gian qua, lãnh đạo đất nước đã đề ra định hướng đổi mới toàn diện qua thông điệp "Vươn mình trong kỷ nguyên mới". Tôi cho rằng đây cũng là ước mơ của đông đảo người dân và khát vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Việt Nam đang có 2 lợi thế rất lớn mà nhiều nước mơ ước: Thứ nhất là sự ổn định về chính trị bên cạnh quan hệ ngoại giao thân thiện với nhiều nước, đặc biệt là các nước lớn. Thứ 2, Việt Nam có dân số trẻ, lực lượng lao động vừa dồi dào lại có trình độ chuyên môn tốt. Nhiều người được đào tạo bài bản ở nước ngoài, thông thạo ngoại ngữ và văn hóa các nước. Môi trường làm việc tại Việt Nam thân thiện với người lao động và chuyên gia nước ngoài là cơ sở để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.
Ở bên ngoài, thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi căn bản và toàn diện nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế xanh và bền vững, thân thiện với môi trường. Còn Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầu tư và chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn. Đây là những yếu tố rất thuận lợi và then chốt để Việt Nam đầu tư và tiếp thu khoa học, công nghệ mới nhằm bắt nhịp ngay với sự chuyển mình của nhân loại trong tất cả lĩnh vực.
Trong bối cảnh chung đó, các lãnh đạo đất nước đang quyết liệt vạch ra những chiến lược để đưa Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới. Đầu tiên, chúng ta đều biết rằng, con người là yếu tố then chốt và giáo dục là nền tảng. Các chính sách mới của Việt Nam cũng bắt nguồn từ con người và giáo dục khi chúng ta tính đến chuyện miễn phí giáo dục phổ thông hay Bộ Chính trị xác định lập trường lương giáo viên phải được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương. Với quyết sách đầu tư mạnh cho giáo dục như vậy thì dân trí sẽ được nâng cao, nhân tài xuất hiện ngày càng nhiều.
Điều quan trọng thứ 2 mà chúng ta có thể hy vọng và kỳ vọng trong kỷ nguyên mới là việc tinh giản bộ máy quản lý nhà nước nói chung. Thật sự phải nói thẳng là so với các nước, thời gian qua bộ máy của chúng ta quá cồng kềnh, chi phí lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả. Đáng chú ý, thời gian qua còn xảy ra tình trạng trì trệ, rụt rè, ngại làm, ngại ra quyết định của một bộ phận cán bộ công chức nhà nước. Điều này khiến bộ máy vốn kém hiệu quả lại thêm trì trệ ảnh hưởng lan tỏa đến nền kinh tế và xã hội nói chung. Việc tinh gọn bộ máy nếu thực hiện tốt vừa giúp nâng cao hiệu quả làm việc vừa chống lãng phí tiền thuế của nhân dân.
Tôi nghĩ chúng ta cần 1 - 2 năm để chứng kiến một bộ máy công quyền mới hoạt động tích cực và hiệu quả hơn sau khi sắp xếp, tinh gọn lại. Nhờ giảm bộ máy hành chính, chúng ta có nhiều tiền hơn để chi cho đầu tư phát triển, tôi tin rằng nền kinh tế sẽ có những "bước nhảy vọt" trong một vài năm tới với mức tăng GDP bình quân mỗi năm ít nhất 7,5 - 8%, thậm chí là hai con số như một số nước đã từng làm được trong quá khứ. Khi có những bước tăng trưởng nhảy vọt như thế thì Việt Nam mới có thể tiến vào kỷ nguyên mới như kỳ vọng của đa số người dân. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước cũng khởi động những dự án mang tính chiến lược cho sự phát triển về lâu dài như năng lượng, giao thông… Tất cả những yếu tố trên cho tôi thấy một sự hăm hở và đầy kỳ vọng vào một Việt Nam tươi đẹp trong kỷ nguyên mới.
Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC:
Thị trường thay đổi, tư duy cũng phải thay đổi
Bước sang năm 2025, đây cũng là năm kết thúc chiến lược 5 năm cho thấy sự chuyển dịch của nền kinh tế rất mạnh mẽ, một đường đua mới đã mở ra. Đội ngũ doanh nhân trẻ ngày nay có hoài bão lớn, rất muốn cống hiến. Họ được đào tạo bài bản, tiếp cận được nền kinh tế hội nhập, tâm thế tự tin để bước vào kỷ nguyên mới của đất nước.
Chúng ta đều thấy, với sự chuyển sang kinh tế số, các doanh nghiệp nước ngoài nhiều khi không cần hiện diện tại Việt Nam nhưng vẫn có thể bán hàng hóa tại thị trường nội địa. Thương mại điện tử lên ngôi đã làm thay đổi công nghệ, tập quán mua sắm. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cũng phải thay đổi mạnh mẽ. Phải thực hiện việc quản trị tốt, điều hành chuyên nghiệp, kiểm soát trách nhiệm, quản trị minh bạch… thì mới tăng được năng lực cạnh tranh.
Tôi cũng có dịp gặp gỡ doanh nhân, họ cũng cảm nhận được sự cạnh tranh khốc liệt khi nền kinh tế số ngày càng phát triển mạnh mẽ, ở khắp các khía cạnh. Vì thế, ngoài việc phát triển xanh và số, doanh nghiệp phải kiểm soát chi phí thì mới kiểm soát được giá thành, kiểm soát được thị phần. Bản thân nhà nước cũng tinh gọn bộ máy để kiểm soát được chi phí, cho nên các doanh nghiệp cũng cần thay đổi lại, một người phải làm 2 - 3 việc, chứ không phải 2 - 3 người làm một việc. Tư duy này sẽ không tồn tại khi hội nhập sâu rộng đối với một nền kinh tế mở như Việt Nam.
Với định hướng về kỷ nguyên mới là nền kinh tế tri thức, các doanh nghiệp phải có năng lực hiểu biết về AI để phát huy. Không những vậy, cung cách phục vụ chuẩn cho sản phẩm, con người, doanh nhân phải hiểu, thẩm, thấu chứ không phải kiếm lời thuần túy như trước. Chúng ta phải tiến tới doanh nhân vừa kinh doanh, vừa phục vụ bởi một thế giới văn minh, thế giới đi tới Zero-carbon, xanh - sạch không có chỗ cho những sản phẩm èo uột, mang tính chắp vá, ăn xổi. Doanh nhân hiện phải có khái niệm về thương hiệu cá nhân, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và nó sẽ là thương hiệu quốc gia. Nếu không đi đúng trình tự này thì khó có thể tồn tại trong nền kinh tế tri thức.
Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam:
Kỳ vọng một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng
và thuận lợi hơn
Cộng đồng doanh nhân trẻ Việt Nam nhận thức sâu sắc, toàn diện những định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo và phát triển bền vững. Ở đó doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nhân trẻ, cần hướng đến đổi mới sáng tạo, năng động, hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Là lực lượng trẻ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, doanh nhân trẻ Việt Nam kỳ vọng vào một môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, công bằng và thuận lợi hơn. Đó là việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Trước kỷ nguyên mới, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thực sự mong muốn được đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tạo ra cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc phát triển bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường và xã hội, đặt lợi ích, sự an toàn của người dân, người tiêu dùng lên trên hết cũng là một kỳ vọng lớn của giới doanh nhân trẻ Việt Nam chúng tôi.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam sẽ thành công trong việc xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng, hiện đại và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Ông Lê Anh - Giám đốc phát triển bền vững Công ty cổ phần nhựa tái chế Duy Tân:
Kỷ nguyên cho thế hệ trẻ
Khi được tiếp cận những khái niệm "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên xanh"… từ những vị lãnh đạo cao cấp của đất nước, là một người trẻ, được xếp vào thế hệ thứ 2 - thế hệ kế thừa trong cộng đồng doanh nghiệp nói chung, tôi có cảm giác đó là những thông điệp dành cho thế hệ của mình.
Khi suy nghĩ nhiều hơn về những thông điệp trên và liên hệ ngược trở lại với thực tế cuộc sống thì tôi nhận thấy Việt Nam đã và đang bước vào một kỷ nguyên mới. Thế hệ doanh nhân thứ 2 chúng tôi được đào tạo khá bài bản từ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tư duy chiến lược, công nghệ và đặc biệt là khát vọng cống hiến… Kỷ nguyên mới mở ra sẽ giúp chúng tôi rộng cửa hơn trong việc ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường; quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam với bạn bè thế giới, kết nối và kéo họ tới Việt Nam du lịch, đầu tư, hợp tác cùng phát triển.
Hiện nay, thế giới đang trong giai đoạn dịch chuyển từ kinh tế xanh. Việt Nam cũng đang trong giai đoạn dịch chuyển sang hướng xanh hóa và chúng ta đặt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Đây là lợi thế rất lớn của Việt Nam khi chúng ta quyết tâm bước vào "Kỷ nguyên mới". Lãnh đạo Việt Nam đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc đưa dân tộc vươn mình trong kỷ nguyên mới bằng nhiều hành động cụ thể và thiết thực. Tôi tin rằng với quyết tâm đó và đà phát triển như hiện tại thì quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt qua một số nước trong khu vực nhằm tạo đà cho những năm tiếp theo.