Sân bay, ga tàu đông nhưng không quá tải
Sáng sớm 2.2 (mùng 5 tết), Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) thông tin về kế hoạch phục vụ hành khách trong ngày được dự báo là cao điểm nhất sau Tết Nguyên đán. Ngày nghỉ tết cuối cùng trùng với ngày cuối tuần nên rất đông gia đình chọn làm thời điểm để trở về TP.HCM.
Theo kế hoạch, sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ hơn 150.500 hành khách và khai thác 979 chuyến bay, trong đó hơn 93.000 lượt khách đến và 57.000 khách đi. Con số 150.500 đã xác lập kỷ lục mới về lượng khách đi lại trong dịp tết 2025 tại sân bay nhộn nhịp nhất cả nước.
Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết: Trái ngược với thời điểm trước tết - khách đi đông sẽ gây áp lực tại khu vực làm thủ tục của các hãng bay, làm thủ tục an ninh soi chiếu và phòng chờ trước cửa ra máy bay, thời điểm này, lượng khách đến dồn đông vào 1 - 2 ngày cuối kỳ nghỉ nên đòi hỏi công tác điều phối các chuyến bay cất/hạ cánh, điều phối xe buýt, taxi và giải tỏa khu vực trả hành lý một cách thuận lợi, nhanh chóng.
Để giải tỏa nhanh hành khách hạ cánh, sân bay Tân Sơn Nhất đã tăng cường nhân sự và nhân viên an ninh sân bay cũng tham gia điều phối, hỗ trợ hành khách từ khu vực nhà ga, bãi đỗ xe. Thời gian này, do nhu cầu đi lại của hành khách bằng các phương tiện như taxi, xe công nghệ tăng cao nên phải chờ khá lâu. Thực tế, các tài xế chạy xe công nghệ đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất cho biết hôm 1.2 (mùng 4 tết), sau 10 giờ sáng, sân bay đón lượng khách rất đông đổ về. Taxi, xe công nghệ chạy quay đầu liên tục vẫn không xuể, hành khách phải đứng chờ rất lâu mới đón được xe. Vì thế, từ nay đến ngày 5.2 (mùng 8 tết) vẫn tiếp tục duy trì bố trí 2 xe buýt trung chuyển miễn phí cho hành khách từ sân bay ra khu vực bãi xe trước cổng sân bay để dễ dàng, thuận lợi đón xe, giống với giai đoạn cao điểm trước tết.
Thêm một điểm đặc biệt là năm nay, các chuyến bay được xếp slot trải đều từ sáng tới đêm, rất đông gia đình lựa chọn các chuyến bay đêm, rạng sáng để tránh đông đúc tại sân bay như mọi năm. Do đó, sân bay trong 2 ngày cao điểm mùng 4 và mùng 5 tết tuy đông hơn thường ngày nhưng công tác phục vụ, an ninh, an toàn hàng không vẫn được đảm bảo.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, chiều từ Hà Nội đi TP.HCM trong khung "giờ vàng" - sáng và trưa - tại sân bay Nội Bài đông nhưng không quá tải, khu vực làm thủ tục qua cổng an ninh và soi chiếu hành lý khá thoáng. Tương tự, điểm hạ cánh là sân bay Tân Sơn Nhất cũng không ùn tắc, người dân lấy hành lý nhanh chóng, dễ dàng. Ngoài ra, theo đại diện Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, nhu cầu du xuân của người Việt ngày càng tăng mạnh, nhiều gia đình đã chọn xuất ngoại từ đầu năm mới thay vì ở quê tại các tỉnh phía bắc đến hết tết như trước, nên áp lực tại Tân Sơn Nhất những ngày sau tết cũng chia đều sang cả ga quốc tế, không dồn cục bộ vào ga quốc nội.
Tương tự, tại ga Sài Gòn, những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ cũng "nóng" dần. Đa số người dân đi tàu sắp xếp trở lại TP.HCM trước 1 - 2 ngày để có thêm thời gian nghỉ ngơi sau hành trình dài. Trong các ngày từ mùng 3 - 5 âm lịch, các chuyến tàu đều về ga vào các khung giờ rải rác, lực lượng xe ôm công nghệ, taxi thường xuyên túc trực để phục vụ hành khách nên cũng không xảy ra ùn ứ hay chen lấn. Hành khách xuống đến ga đúng giờ, đón xe về nhà một cách trật tự, nhanh chóng.
"Sức nóng" đổ dồn vào đường bộ
Trong khi sân bay, ga tàu "hạ nhiệt" hơn nhiều so với những năm trước thì tình hình căng thẳng sau tết lại đổ dồn vào các tuyến đường cao tốc. Trước tết, hàng loạt tuyến cao tốc từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ đã ùn tắc; và sau tết, tình cảnh này tái diễn, thậm chí còn nghiêm trọng hơn vì nhiều gia đình có kế hoạch du xuân sau tết cũng cùng trở về thời điểm này.
12 giờ trưa qua 2.2, trước tình hình rất đông phương tiện từ TP.Phan Thiết rẽ vào nút giao Ba Bàu lên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây để di chuyển vào Đồng Nai và TP.HCM, Đội tuần tra kiểm soát cảnh sát giao thông đường bộ cao tốc số 6 đã phải đóng nút giao Ba Bàu, chuyển hướng phương tiện sang QL1A. Lượng phương tiện dồn từ cao tốc về khiến QL1A ùn tắc nghiêm trọng gần 3 giờ đồng hồ. Xe nhích từng chút, xếp hàng kéo dài hơn 10 km từ H.Hàm Thuận Nam đến H.Hàm Tân (Bình Thuận).
"Than trời" trên trang Facebook cá nhân, anh Thành Lộc (ngụ Q.7, TP.HCM) kể: Gia đình anh từ Nha Trang trở về TP.HCM từ chiều mùng 4 tết, sớm hơn lịch trở lại làm việc một ngày để tránh kẹt xe. Nào ngờ, cả đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo kéo dài tới Vĩnh Hảo - Phan Thiết ùn tắc kinh hoàng. Ì ạch hơn 4 giờ đồng hồ mới qua tuyến cao tốc, đến Phan Thiết đã gần 21 giờ, nhà lại có 2 con nhỏ nên anh Lộc quyết định tìm khách sạn nghỉ lại qua đêm, sáng sớm hôm sau mới tiếp tục hành trình về TP.HCM.
"Sáng đã tính đi sớm rồi mà dậy thì lốp xe bất ngờ bẹp dí, chắc đêm qua cán phải đinh. Gọi mãi mới được đội cứu hộ tới thay lốp, loanh quanh gần 11 giờ mới đi được, trúng ngay khúc kẹt xe đoạn vào Đồng Nai. Nhà tôi thì không phải chạy qua QL1 mà cứ thế nối nhau đi hết cao tốc, xong vào tới cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lại chạy kiểu nhứ nhứ tiếp. Qua hết nút giao An Phú mới coi như thở được. Tính ra đi từ Nha Trang về TP.HCM mất hơn 20 giờ", anh Thành Lộc nói.
Khu vực cửa ngõ phía tây, theo tuyến QL1 cũng bắt đầu đông xe từ trưa mùng 4 (ngày 1.2), khi hàng vạn người từ miền Tây liên tục dồn về TP.HCM. Càng về gần tới TP, xe càng di chuyển chậm, nhất là đoạn qua H.Bình Chánh. Đoạn đường từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bình Điền và QL50 (đoạn từ Đa Phước đến Nguyễn Văn Linh) càng về chiều tối 2.2 càng đông xe. Nhiều gia đình chạy xe máy mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc, quà quê khiến những tuyến đường càng trở nên ngột ngạt.
Dự báo từ trước rằng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, người dân từ các tỉnh, thành miền Trung, miền Bắc sẽ trở lại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… học tập và làm việc nên Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 đã lên kế hoạch từ trước, lập phương án phân luồng giao thông khi các tuyến cao tốc thuộc quản lý của đội xảy ra ùn ứ hoặc sự cố tai nạn gây kẹt xe kéo dài. Theo đó, chủ động có phương án phân luồng từ xa, điều tiết lượng phương tiện lên cao tốc một cách linh hoạt, đóng mở liên tục tại các nút giao, tránh để lượng xe quá đông lên cao tốc, xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ "không lối thoát". Tuy nhiên, do lượng người đổ về TP quá đông nên cũng không thể tránh được căng thẳng đến hẹn lại lên mỗi khi hết tết, người dân hối hả trở về TP cho một năm mới tiếp theo.
Lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp cùng cảnh sát cơ động túc trực 24/24 giờ tại các nút giao đường dẫn cao tốc với QL1, phối hợp lực lượng Công an TP.HCM điều tiết, phân luồng giao thông xuyên suốt tại các cửa ngõ, các tuyến quốc lộ, khu vực bến xe, nhà ga, sân bay… để người dân an toàn trở lại TP.HCM sau tết.