Tiết Lập xuân 2025: Có liên quan đến Tết Nguyên đán của người Việt?

Hôm nay ngày 3.2 (mùng 6 tết) cũng là tiết Lập xuân năm 2025. Tiết Lập xuân trong năm thường có ngày luôn gần với ngày đầu tháng giêng. Tiết Lập xuân là 1 trong 24 tiết khí của lịch cổ truyền phương Đông, đánh dấu sự bắt đầu của mùa xuân.

Tiết Lập xuân có liên quan Tết Nguyên đán hay không?

Ông Hoàng Triệu Hải, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu địa lý kiến trúc Phương Đông cho biết, Tết Nguyên đán của người Việt được xác định theo hệ thống lịch can chi và tính toán trên cơ sở lịch Thái Ất (hệ thống chiêm tinh cổ).

Tiết Lập xuân 2025: Có liên quan đến Tết Nguyên đán của người Việt?- Ảnh 1.

Hôm nay ngày 3.2.2025 cũng là tiết lập xuân

ẢNH: NHẬT THỊNH

Do đó, có 3 thời kỳ tính năm mới gồm: lịch kiến Tý, kiến Sửu và kiến Dần. Cứ mỗi một kỳ ứng với khoảng 6.480 năm ứng với ba chòm sao Thiên Cực Bắc.

Còn Tết Nguyên đán là thời điểm kết thúc một chu kỳ lịch pháp, bắt đầu một năm mới, không phải là thời điểm bắt đầu vào xuân (Lập xuân) như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Theo ông Hải, vào thời kỳ lịch kiến Tý, người Việt cổ đón năm mới ở đầu tháng 11 âm lịch. Đến thời dùng lịch kiến Sửu, người Việt ăn tết vào đầu tháng 12 âm lịch.

Trong khi đó, 24 tiết khí trong năm được xác định dựa vào dương lịch. Vì vậy, không thể nhận định người Việt xác định Tết Nguyên đán theo tiết Lập xuân.

"Gần đây có nhiều ý kiến cho rằng năm mới là sau ngày tiết Lập xuân nhưng đây là xác định mốc thời gian theo bộ môn bát tự, tức bộ môn nghiên cứu về mệnh lý, bắt nguồn từ thời cổ Trung Quốc. Còn các bộ môn chiêm tinh khác như tử vi vẫn không thay đổi mốc năm mới là khởi đầu của tháng Dần, tức tháng giêng ngày nay", ông Hải chia sẻ.

Người Việt ăn tết từ khi nào?

Ông Hải cho rằng, Tết Nguyên đán của người Việt mang một đặc trưng riêng biệt, không bị ảnh hưởng của bất kỳ nền văn hóa nào khác.

Trước đây, người Việt dùng lịch can chi (phối hợp 10 thiên can và 12 địa chi), một thời gian sau đến âm lịch và sau này nữa mới dùng dương lịch. Trong đó, người Việt cổ đã tạo ra nông lịch tức lịch can chi từ rất sớm, tết và các lễ hội dùng theo lịch này.

Tiết Lập xuân 2025: Có liên quan đến Tết Nguyên đán của người Việt?- Ảnh 2.

Tết Nguyên đán của người Việt có thể xuất hiện từ thời Hùng Vương

ẢNH: NHẬT THỊNH

"Sau này, người ta phối hợp âm lịch với can chi cho dễ nhớ, 12 tháng âm lịch được phối hợp 12 địa chi; kết hợp quy ước âm dương ngũ hành nên tháng 11 âm được định danh là tháng Tý, lần lượt tháng 12 là tháng Sửu, tháng 1 là tháng Dần... cuối cùng tháng 10 là tháng Hợi", ông Hải cho hay.

Theo các nghiên cứu, Tết Nguyên đán của người Việt đã xuất hiện từ thời Hùng Vương. Nguyên liệu để làm bánh chưng bánh dày trong ngày tết của người Việt trước đây là gạo nếp. Các tài liệu này cũng ghi lại, khoảng 3.500 năm trước, lúa trồng có dạng hạt bầu giống lúa nếp dính đã tìm thấy phổ biến ở nhiều di tích khảo cổ học Việt Nam. Còn Tết Dương lịch bắt nguồn từ lịch Gregorian, hệ thống lịch được Giáo hoàng Gregory XIII thiết lập năm 1582. Như vậy, người Việt đã ăn Tết Nguyên đán từ rất lâu trước khi có tiết Lập xuân.

Có tài liệu viết rằng, cách gọi tháng giêng bắt nguồn từ chữ "chính" trong tiếng Hán. Tháng 1 âm lịch được người Trung Quốc rất coi trọng vì là tháng đầu tiên của năm, gọi là "chính nguyệt". Dần dà, được đọc chệch thành "chiêng" và sau cùng là giêng. Tương tự, tháng chạp được giải thích do đọc chệch chữ "lạp" - bữa tiệc cuối năm trong tiếng Hán mà thành.

Tuy nhiên, ông Hoàng Triệu Hải nêu ý kiến: "Người Hán không liên quan đến cách gọi tháng giêng, tháng chạp của người Việt".


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao