Rau xanh, thực phẩm ê hề sau tết

Giá như ngày thường nhưng vẫn… ế

Sau mấy ngày thảnh thơi du xuân, sáng mùng 5 tết, chị Trần Thương Huyền ở Khu tập thể Giảng Võ mới đi chợ Thành Công (Q. Ba Đình). Điều khiến chị Huyền bất ngờ là các sạp rau không thiếu loại nào, giá không hề biến động, thậm chí còn rẻ hơn trước tết.

"Nhà vẫn còn nhiều thịt cá, bánh chưng, tôi đi chợ mua rau về giải ngán mà không nghĩ rau lại rẻ đến thế. Tôi nhớ các năm trước, sau tết mua rau về ăn lẩu mà tiền rau còn đắt hơn tiền thịt. Năm nay thì rẻ quá, 50.000 đồng rau xanh cả nhà ăn nhòe", chị Huyền chia sẻ.

Rau xanh, thực phẩm ê hề sau tết- Ảnh 1.

Sau tết, rau xanh, thịt đầy chợ, giá rẻ nhưng vẫn ế ẩm

ẢNH: T.HẰNG

Ghi nhận tại một số chợ dân sinh tại Hà Nội, trong ngày cuối cùng của đợt nghỉ tết, mặc dù các sạp hàng bán rau xanh, thực phẩm tươi sống đã mở lại tại một số chợ, song người dân đi chợ vẫn chưa nhiều. Giá rau xanh tại các chợ gần như không biến động nhiều so với trước tết. Cụ thể: cải cúc 8.000 đồng/mớ, rau muống 10.000 đồng/mớ, bắp cải 10.000 đồng/cái, rau cần 20.000 đồng/mớ…

Đáng chú ý, một số loại rau củ trước tết tăng giá, giờ khá rẻ. Đơn cử như: su hào từ 8.000 đồng/củ giảm còn 5.000 đồng/củ, xà lách từ 20.000 - 25.000 đồng/kg giảm còn 15.000 đồng/kg, dưa chuột 13.000 - 15.000 đồng/kg giảm còn 10.000 đồng, cà rốt 15.000 đồng/kg giảm còn 10.000 đồng… Các loại rau gia vị như: hành, mùi tàu, mùi ta, húng, tía tô… đều rẻ, giá từ 3.000 - 5.000 đồng/mớ.

Tại chợ 8.3 (Q.Hai Bà Trưng), hơn 10 giờ sáng, các sạp rau xanh ê hề, mặc dù các tiểu thương chào mời liên tục, nhưng người bán vẫn đông hơn người mua. Chị Hoàng Thị Thi, tiểu thương bán rau tại chợ 8.3, than thở: "Thông thường sau tết thực phẩm, rau xanh đều tăng giá. Nhưng năm nay, tôi mở hàng từ ngày mùng 4 tết mà bán khá chậm. Chưa năm nào ế ẩm như năm nay, có lẽ người dân còn mải chơi tết, đồ ăn tích trữ còn nhiều nên chưa đi chợ".

Lý giải về việc rau xanh giá rẻ, chị Thi cho hay, các năm trước do ảnh hưởng của mưa rét kéo dài, rau xanh chậm phát triển nên sau tết giá rau thường tăng cao. Còn năm nay, trời nồm ẩm, nắng ấm nên rau xanh lớn nhanh, nguồn cung dồi dào. "Chúng tôi nhập hàng giá rẻ thì bán giá như ngày thường. Với tình hình thời tiết như hiện nay, những ngày tới, khi các hoạt động trở lại bình thường giá rau còn rẻ nữa", chị Thi nhận định.

Không chỉ có tiểu thương bán rau than ế, tiểu thương bán thịt, thủy hải sản cũng chung tình trạng. Do nguồn cung dồi dào, không có việc tăng giá mạnh hay đột biến như những năm trước. Thịt gà giá 130.000 đồng/kg, thịt lợn ba chỉ giá 150.000 đồng/kg, thịt bò giá 280.000 - 300.000 đồng/kg, tôm sú loại to giá 400.000 - 450.000 đồng/kg, ngao 25.000 - 30.000 đồng/kg…

Chị Nguyễn Thị Anh, tiểu thương bán thịt ở chợ Khương Thượng (Q.Đống Đa), cho hay: "Ngoại trừ sườn "cháy hàng", tăng giá nhẹ từ 150.000 đồng/kg lên 180.000 đồng/kg, do nhu cầu người dân mua về ăn lẩu tăng cao, còn lại các loại thịt đều bán với giá như ngày thường. Tôi bán thịt đã 10 năm, nhưng chưa năm nào ế như năm nay. Các mối quen giao cho nhà hàng, quán ăn vẫn chưa mở, đến trưa mà quầy vẫn còn nhiều thịt".

Các siêu thị đều đã mở cửa hoạt động bình thường. Do các siêu thị đã phải làm việc từ sớm với các nhà cung cấp nên giá cả bình ổn, hàng hóa phong phú, đảm bảo sức mua sắm của khách hàng.

Rau xanh, thực phẩm ê hề sau tết- Ảnh 2.

Sau tết, rau xanh, thịt đầy chợ, giá rẻ nhưng vẫn ế ẩm

ẢNH: T.HẰNG

Thị trường bình ổn nằm trong tầm kiểm soát

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), thông thường giá cả một số mặt hàng thiết yếu thường nhích tăng trong các ngày tết và sau đó dần trở lại bình thường sau tết.

Tại Hà Nội, những ngày đầu tháng 2, giá các mặt hàng thiết yếu cơ bản không có biến động lớn do nguồn cung dồi dào. Nhu cầu tiêu dùng đầu năm không cao, người dân đi chợ mua sắm chưa đông, chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi, hàng ăn và dịch vụ ăn uống…

Tại các thành phố lớn, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tiếp tục là những địa điểm được người tiêu dùng lựa chọn do tạo sự yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn.

"Thị trường tết năm nay không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, cơ bản bình ổn, nằm trong kiểm soát, nhất là trong bối cảnh người dân có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm. Thị trường không có hiện tượng khan hàng, sốt giá, một phần do người dân đang thay đổi thói quen sang mua sắm tiết kiệm, chi tiêu hợp lý trong dịp tết", Cục Quản lý giá nhận định.

Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, thị trường tết năm nay ổn định, nguồn hàng dồi dào, giá cả bình ổn, không còn tình trạng thiếu hàng, sốt giá như các năm trước đây. Nguyên nhân là do công tác chuẩn bị hàng hóa đều được Chính phủ chỉ đạo từ sớm.

Cục Quản lý giá thông tin, sau tết và cả năm 2025, ngành này sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, điều hành giá; chú trọng bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Đặc biệt, tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, giúp tăng nguồn cung, từ đó giảm áp lực tăng giá.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao