Làm gì để có thêm 1 triệu doanh nghiệp?

Dư địa để thành lập doanh nghiệp ở đâu?

Hiện tại, số doanh nghiệp (DN) của VN vào khoảng gần 1 triệu. Tại Chỉ thị số 10 về thúc đẩy phát triển DN nhỏ và vừa (DNNVV) ký ngày 25.3.2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ phát triển DNNVV để đến năm 2030, có thêm 1 triệu DN. Tức là, nếu cộng thêm số hiện tại, đến năm 2030, VN có ít nhất 2 triệu DN. Yêu cầu đặt ra là phải có chính sách tối ưu để nền kinh tế đạt được mục tiêu đó. 

Theo Thủ tướng, kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp khoảng 51% GDP và hơn 30% tổng thu ngân sách, theo số liệu năm 2023. Tuy nhiên, phần lớn khu vực này vẫn là DNNVV, chiếm tới 98%. Họ gặp nhiều rào cản trong việc mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Từ đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan ưu tiên nguồn lực hỗ trợ phát triển DNNVV, tập trung vào đổi mới sáng tạo, nâng năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các mô hình kinh doanh mới và tăng ứng dụng công nghệ. "Bộ ngành, địa phương phải lấy người dân, DN làm trung tâm để chủ động hỗ trợ, tháo gỡ", Thủ tướng yêu cầu.

Làm gì để có thêm 1 triệu doanh nghiệp?- Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, mục tiêu tăng thêm 1 triệu DN là có thể thực hiện được trong 5 năm tới

ẢNH: Ng.Nga

Về con số tăng thêm 1 triệu DN, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), tự tin hoàn toàn có thể thực hiện được bởi hiện tại chúng ta đang có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, chưa tính nhiều cá nhân đang có hoạt động kinh doanh nhưng chưa đăng ký với cơ quan quản lý thuế.

Cụ thể, cả nước hiện có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, đóng góp hơn 24% GDP, là xương sống trong nhiều ngành sản xuất quan trọng, từ công nghiệp, nông nghiệp đến thương mại dịch vụ. Tuy vậy, có tới 98% DNNVV, trong số đó chỉ khoảng 2,1 triệu hộ đăng ký kinh doanh có nộp thuế đầy đủ, 3,1 triệu hộ kinh doanh còn lại đang nộp thuế khoán. "Chỉ cần khu vực hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập DN, có cơ chế tạo cho họ mong muốn kinh doanh, khát vọng phát triển, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ quy định… thì không quá khó để có thêm 1 triệu DN", ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Thảo (Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư) đưa ra 3 vấn đề giúp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của người dân. Đó là khuyến khích tự do kinh doanh theo hiến pháp và pháp luật, mọi người được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm; xây dựng môi trường kinh doanh ổn định, an toàn và bền vững; hệ thống pháp luật rõ ràng, nhất quán và minh bạch. "Trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh các chính sách phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển, coi sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân là điều quan trọng, các chính sách sẽ theo đó để có kết quả tốt nhất. Nếu tất cả được triển khai quyết liệt, đồng bộ vừa hỗ trợ khu vực này, vừa tinh gọn bộ máy…, mục tiêu tăng thêm 1 triệu DN là hoàn toàn được", bà Thảo lạc quan.

Miễn thuế mấy năm đầu và hỗ trợ chi phí tuân thủ

Trước mắt, một trong những nhiệm vụ quan trọng Chính phủ đề ra là hoàn thiện chính sách, cải cách thủ tục hành chính và tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Yêu cầu các bộ ngành, địa phương trong năm nay giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục, chi phí tuân thủ và điều kiện kinh doanh không cần thiết. Cùng với đó, quản lý nhà nước phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với tăng kiểm tra, giám sát; Bộ Tài chính được giao có giải pháp tăng giải ngân cho vay từ Quỹ phát triển DNNVV, nhằm tạo kênh huy động vốn với chi phí hợp lý cho DN.

Theo các chuyên gia, với một mô hình kinh doanh được chuẩn hóa hơn về quản trị, vận hành thì việc thụ hưởng các dịch vụ hỗ trợ của nhà nước sẽ tốt hơn. Hiện tại, khu vực hộ kinh doanh chưa được thụ hưởng sự hỗ trợ như DN. Thế nên, việc chuyển đổi thành DN đối với các hộ kinh doanh là điều mà các chuyên gia khuyến nghị nên thực hiện. Bởi từ đây, họ có cơ hội lớn mạnh hơn, có ý thức cạnh tranh và phát triển mở rộng hơn. 

Ông Đậu Anh Tuấn đề xuất: "Chúng ta có thể mạnh dạn miễn thuế 3 năm cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN nhằm giúp DN nuôi dưỡng nguồn thu. Với DN đầu tư nước ngoài vào VN, chúng ta đã cho giảm thuế mấy năm đầu hoạt động, chờ đến khi có lãi mới thu thuế. Tại sao với khu vực DN tư nhân, nhất là DN siêu nhỏ, lại không đưa các chính sách hỗ trợ đó ngay từ đầu để khuyến khích họ? Thứ 2, làm thế nào để giúp DN mới thành lập hiểu để vượt ngoài "vùng xám" về tính tuân thủ dựa trên các thủ tục hành chính, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chính sách bảo hiểm xã hội… Trở thành DN, bắt buộc phải tuân thủ các nguyên tắc tối thiểu đó, từ đó mới gắn với động lực phát triển kinh tế. Thứ 3, hỗ trợ DN những thủ tục liên quan tài chính với chi phí tuân thủ thấp nhất có thể. Đồng thời, xây dựng thủ tục hành chính đơn giản, cơ chế thu thuế phí thân thiện, tin cậy và có thể dự đoán được. Nói chung là một cơ chế thuế tin cậy và thân thiện là rất quan trọng cho hộ kinh doanh bước đầu làm DN".

GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (ĐH Kinh tế TP.HCM), cũng đề xuất nên giảm thuế trong mấy năm đầu cá nhân khởi nghiệp. Đồng thời, có chính sách rõ ràng hơn hỗ trợ khu vực DNNVV đầu tư hạ tầng số, đưa hoạt động kinh doanh được số hóa một cách chuyên nghiệp hơn. 

Ông nói: "Các chính sách về hóa đơn của DNNVV bị ách tắc, khó khăn do họ không có hạ tầng phần mềm kế toán đủ chuyên nghiệp để quản lý. Muốn hộ kinh doanh chuyển sang DN với hệ thống kế toán báo cáo đủ đầy, chính nhà nước phải hỗ trợ tối đa, từ cung cấp phần mềm, đào tạo nhân lực, thậm chí cung cấp máy tính để kết nối. Về tài chính cũng vậy, xuất phát điểm của các hộ kinh doanh gia đình này là mô hình gia đình, quy mô nhỏ, nếu làm ăn tốt mới lớn mạnh được. Tuy vậy, cách quản lý của họ xưa nay là đơn giản, tài sản cá nhân và hộ kinh doanh không được tách bạch rõ ràng. Thế nên, khi được hỗ trợ để chuyển đổi thành DN, một thời gian sau khi thị trường tốt hơn, họ muốn mở rộng đầu tư kinh doanh hơn, đa số lại gặp vướng vay vốn. Muốn các cá nhân lập DN yên tâm hoạt động và lớn mạnh, nên chăng có cơ chế mở rộng nào đó trong vay vốn, ngoài quy định phải thế chấp tài sản như xưa nay". 

Trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh các chính sách phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển, coi sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân là điều quan trọng, các chính sách sẽ theo đó để có kết quả tốt nhất. Nếu tất cả được triển khai quyết liệt, đồng bộ vừa hỗ trợ khu vực này, vừa tinh gọn bộ máy…, mục tiêu tăng thêm 1 triệu DN là hoàn toàn được.

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư

Ngoài khu vực hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, phải có cơ chế khuyến khích DN lớn mạnh về quy mô, tầm vóc. Đây là bài toán không dễ nhưng phải giải quyết để lực lượng DN có sự kế thừa. Lực lượng DNNVV có lợi thế là đa dạng, hoạt động trên nhiều ngành nghề, thế nên, cần có chính sách để tạo cơ hội cho họ tham gia chuỗi sản xuất, có thể cạnh tranh tốt với những DNNVV từ nước ngoài vào VN.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI)


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao