Gạo Việt có lợi thế vào thị trường Mỹ

Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News, phân tích: Thuế đối ứng sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các nước nhưng với mặt hàng gạo Việt Nam lại là thời cơ tốt. Hiện Mỹ là một trong những thị trường nhập khẩu gạo lớn trên thế giới và Thái Lan là nguồn cung cấp gạo lớn nhất cho thị trường Mỹ trong những năm qua. Riêng trong năm 2024, Thái Lan xuất khẩu vào Mỹ khoảng 850.000 tấn. Trong số này có đến trên 700.000 tấn là gạo đặc sản Hom Mali; Ấn Độ cũng có số lượng tương đối khá với sản phẩm gạo Basmati. Còn Việt Nam số lượng khá khiêm tốn, chỉ vài chục ngàn tấn gạo, chủ yếu là ST25.

Thuế đối ứng là thời cơ tốt cho gạo Việt vào thị trường Mỹ, vì sao?- Ảnh 1.

Thuế đối ứng mở ra thời cơ mới cho gạo Việt Nam tại thị trường Mỹ

ẢNH: CÔNG HÂN

Trong số 3 nguồn cung này Việt Nam bị áp thuế cao nhất 46%, Thái Lan là 36% và Ấn Độ thấp nhất 26%. Nhưng Tổng thống Trump cũng đang mở ra cơ hội đàm phán thuế với các nước và Việt Nam là một trong những nước tích cực nhất.

Tuy nhiên, với mức thuế mà Tổng thống Trump công bố và dựa trên giá gạo hiện tại của các nước thì gạo Việt vẫn có lợi thế hơn.

Cụ thể, giá gạo Hom Mali xuất khẩu bình quân của Thái Lan từ 1.100 - 1.200 USD/tấn. Nếu cộng thêm 36% thuế, giá bán sẽ khoảng 1.500 USD/tấn. Trong khi đó, gạo ST25 của Việt Nam có giá bán hiện tại khoảng 770 - 790 USD/tấn nếu cộng 46% thuế thì chỉ mới quanh mức 1.000 USD/tấn. "Xét về giá với mức thuế tạm tính nêu trên thì gạo Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh rất lớn với gạo Thái Lan tại thị trường Mỹ. Chưa kể Việt Nam đã có những hành động rất kịp thời và tiếp xúc cấp cao với chính phủ Mỹ, điều này cho chúng ta những kỳ vọng lạc quan về sự điều chỉnh thuế theo hướng giảm. Như vậy, sức cạnh tranh của gạo Việt Nam có thể sẽ tăng lên đáng kể so với cách tạm tính như trên", bà Hương kỳ vọng.

Theo bà Hương, đây là thời cơ cho gạo Việt đa dạng hóa thị trường đặc biệt là tại một thị trường có số lượng lớn và giá trị cao như Mỹ, nơi mà trước giờ hạt gạo Việt vẫn "lép vế" so với Thái Lan và Ấn Độ. Tuy nhiên, bà Hương cũng khuyến cáo, để vào được thị trường Mỹ, điều quan trọng thì không chỉ cạnh tranh về giá mà phải tập trung nâng cấp chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất… Ngay từ bây giờ, chúng ta cần tính đến phương án tăng xuất khẩu gạo vào Mỹ bằng cách chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn và bền vững hơn.

Thông tin từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), tuần qua, giá gạo Thái Lan đồng loạt giảm về mức thấp nhất trong 3 năm qua. Trong đó, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm hiện chỉ còn 396 USD/tấn vì thuế đối ứng toàn cầu của Mỹ. Ngoài Thái Lan, giá gạo các nước Ấn Độ và Pakistan cũng giảm mạnh. Hiện tại, gạo 5% tấm của Việt Nam giá 399 USD/tấn, cao nhất châu Á.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao