Cơ hội tái cấu trúc cả xuất và nhập khẩu

Không bỏ trứng vào một giỏ cả xuất và nhập khẩu

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chưa nói đến việc Mỹ công bố áp thuế ở mức cao đối với hàng hóa VN thì riêng quá trình tự động hóa và các tiêu chuẩn mới cao hơn cũng có khả năng khiến nhiều công nhân mất việc làm. Vì vậy cần phải thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Trước hết, bài học "không để tất cả trứng vào một giỏ" về xuất khẩu (XK) trong trường hợp với Mỹ đã quá rõ. Trong nhập khẩu cũng tương tự, thậm chí còn hơn, vì nó đẩy ta vào vị thế lệ thuộc.

Cơ hội tái cấu trúc cả xuất và nhập khẩu- Ảnh 1.

VN cần tái cấu trúc cả hoạt động xuất khẩu lẫn nhập khẩu để tránh phụ thuộc vào một thị trường

ẢNH: Gia Hân

"Hiện là cơ hội để chúng ta xem lại về cả hai vấn đề, XK và nhập khẩu, cùng cơ cấu kinh tế, các động lực cho phát triển... với nhận thức sâu sắc về nội lực để thực sự đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, thực sự vươn mình nhằm nâng cao khả năng tự lực, tự cường, vững vàng thích ứng với sự chuyển động trên toàn cầu trong kỷ nguyên mới", bà Lan nhấn mạnh.

Chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích: VN đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với khoảng 60 nền kinh tế khác nhưng XK sang nhiều thị trường đó không tăng nhiều mà vẫn chỉ tập trung vào Mỹ. Trong khi tại thị trường này, VN cũng chỉ hưởng quy chế về thuế tối huệ quốc như nhiều nước khác. Thậm chí, có những sản phẩm tiêu thụ trong nước tốt hơn, có lợi nhuận cao hơn nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn có tâm lý chạy đua XK sang Mỹ cho "oách", thậm chí chấp nhận lỗ để có được hợp đồng. Tư duy này phải thay đổi.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa bán vào nước này nếu có khoảng 20% tỷ lệ hàm lượng sản phẩm của Mỹ trong từng sản phẩm. Ví dụ, hàng dệt may VN khi XK sang Mỹ có thể mua sợi từ Mỹ thay vì chỉ tập trung nhiều từ Trung Quốc. Dù mắc hơn một chút do khoảng cách địa lý nhưng cũng phải mua để tránh bị nghi ngờ XK hộ nước khác. Những lĩnh vực, ngành nghề thực sự có tác động lớn đến người dân, với nền kinh tế thì phải chấp nhận điều đó. Về lâu dài điều này cũng giúp VN tránh bị lệ thuộc vào nguồn cung từ một thị trường. Như vậy không chỉ XK mà hoạt động nhập khẩu cũng cần phải đa dạng hóa thị trường.

"Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nói rằng VN đứng thứ 2 thế giới về XK điện thoại di động thông minh, đứng thứ 5 thế giới về XK linh kiện máy tính… nhưng chúng ta đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài nên cần phải thay đổi nhiều hơn, chuyển sang nền kinh tế nỗ lực tự cường", chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), nói: VN đã có chiến lược xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường từ lâu. Ví dụ ngay trong đại dịch Covid-19 khi nhu cầu của thế giới giảm sút nghiêm trọng, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng thì Quốc hội đã có một nghị quyết riêng về việc tránh sự phụ thuộc của các yếu tố bên ngoài. Chúng ta cũng đã có nhiều nỗ lực để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong hàng hóa của mình cũng như khuyến khích kích cầu tiêu dùng trong nước, phục vụ thị trường nội địa. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa thì VN vẫn lấy tăng trưởng dựa trên XK làm chủ lực. Vì vậy, song hành việc thúc đẩy XK thì tiếp tục phụ thuộc vào việc nhập khẩu đầu vào vì chưa thể nâng hạng được hoạt động sản xuất.

"Trong bối cảnh mới hiện nay, sức ép để VN giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên vật liệu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để thúc đẩy XK cũng như sản xuất phục vụ nhu cầu nội địa là hướng tất yếu để phát triển kinh tế bền vững. Điều này cũng phù hợp với chủ trương thúc đẩy và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân mà Đảng và Nhà nước đề ra", TS Việt nhấn mạnh.

Chính sách hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm

Để tái cấu trúc nền kinh tế, hướng đến hoạt động tự chủ tự cường và tránh lệ thuộc quá mức vào các thị trường bên ngoài, có nhiều giải pháp.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, trước hết phải thay đổi các chính sách hỗ trợ DN XK và phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng nguồn cung trong nước. Các chính sách phải phân loại có trọng tâm, trọng điểm và theo từng nhóm đối tượng. Ví dụ, các DN lớn để phát triển những ngành công nghiệp chiến lược theo kiểu nhà nước đặt hàng cần có chính sách đặc thù. Đối với DN quy mô vừa, để thúc đẩy phát triển lớn hơn, mang lại giá trị gia tăng của VN nhiều hơn thì hỗ trợ theo hướng từng ngành hàng cụ thể. Riêng đối với DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh thì hỗ trợ đổi mới công nghệ như cần chính sách miễn, giảm thuế đến hỗ trợ vốn, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực.

Song song đó, Chính phủ cần hỗ trợ kết nối cung cầu cho DN. Chúng ta đã từng có chính sách tín dụng hỗ trợ cho hoạt động XK thì giờ cũng cần có các chính sách tương tự hỗ trợ DN phát triển sản phẩm sáng tạo, tỷ trọng đầu tư đổi mới lớn hơn so với sản phẩm thông thường. Chính sách hỗ trợ sẽ giúp DN đưa sản phẩm đứng vững trên thị trường trong thời gian đầu cũng như kết nối từ sản xuất với tiêu thụ trên thị trường.

"Ở góc độ DN, phải chủ động nắm bắt những thay đổi về thị trường, nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước để mạnh dạn chuyển đổi sản xuất ra những sản phẩm chuyên biệt, mang tính đặc thù hơn. Từ đó DN cũng nỗ lực và sẵn sàng đổi mới, chuyển đổi thói quen trì trệ, chấp nhận bỏ thêm chi phí, rủi ro để chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cách thức quản lý bảo thủ…", ông Việt nêu quan điểm.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì nhấn mạnh, VN phải thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ nhanh hơn. Điều này đã nói từ lâu nhưng không đạt mục tiêu, lúc này thật sự phải đẩy mạnh. Chính phủ cần phải bàn lại với các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là các DN của Mỹ trong từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể về khả năng tăng tỷ lệ nội địa tại VN hoặc gia tăng tỷ trọng đầu vào từ Mỹ.

"Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài tại VN đều dùng các DN phụ trợ do họ mang từ bên ngoài vào VN và được hưởng ưu đãi, còn ngành công nghiệp phụ trợ của VN không thể có cơ hội phát triển. Đây mới là nguồn gốc để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng giá trị của VN trong hàng hóa XK. Thái Lan bị Mỹ áp thuế đối ứng thấp hơn VN một phần vì tỷ lệ nội địa hóa cao hơn khi ngành công nghiệp phụ trợ của họ phát triển mạnh hơn. Chính phủ cần có chính sách ưu đãi cao cho DN để làm nhanh, làm hiệu quả về công nghiệp phụ trợ. Điều này không chỉ thích ứng với bối cảnh mới mà về lâu dài sẽ đưa kinh tế VN phát triển mạnh hơn, chủ động hơn và hưởng lợi nhiều hơn", bà Lan kiến nghị. 

Nâng cao giá trị nội tại của sản phẩm

VN cần chuyển từ chiến lược XK giá rẻ sang mô hình XK dựa trên giá trị gia tăng cao. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thiết kế, phát triển thương hiệu và tích hợp công nghệ sẽ giúp hàng hóa VN giữ được vị thế dù phải chịu mức thuế cao. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững trên thế giới đang mở ra cơ hội cho các DN có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, truy xuất nguồn gốc và lao động. Đây cũng là thời điểm VN cần đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và từng bước làm chủ chuỗi giá trị. Việc chúng ta quá phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu vừa làm gia tăng chi phí, vừa khiến DN dễ tổn thương trước biến động bên ngoài.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright)

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao