Mong muốn đàm phán thành công
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, chia sẻ: "Ngành sản xuất gỗ của VN có kim ngạch xuất khẩu 15 - 16 tỉ USD thì Mỹ chiếm thị phần khá lớn, trong đó những sản phẩm có khả năng bị ảnh hưởng bởi mức thuế đối ứng 46% có giá trị khoảng 8,2 tỉ USD. Mặc dù các doanh nghiệp (DN) VN cũng đang nỗ lực nhập nguyên liệu gỗ từ Mỹ (đứng thứ 2 thị phần xuất khẩu gỗ của Mỹ) nhưng vẫn còn khá khiêm tốn, kim ngạch nhập gỗ tròn và gỗ xẻ chỉ khoảng 300 - 400 triệu USD". Theo ông Hoài, thị trường Mỹ mỗi năm nhập khẩu 24 tỉ USD đồ gỗ nội thất, trong đó VN đã chiếm 9 tỉ USD nên việc điều tra thuế cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, trong những lần trước, ngành gỗ đều chưa bị ảnh hưởng gì mà chỉ điều chỉnh thỏa thuận hợp tác.

Ngành sản xuất đồ gỗ sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu mức thuế đối ứng 46% từ Mỹ được giữ nguyên
ẢNH: C.T.V
"Trong năm 2024, mặt hàng tủ bếp, bàn trang điểm (chiếm kim ngạch xuất khẩu đến 2,4 tỉ USD) cũng không bị áp thuế và vụ việc này cũng đã được đình chỉ điều tra. Các đoàn thanh tra của Mỹ đã kiểm tra thực địa tại chỗ và đều kết luận ngành gỗ VN không có hành vi lẩn tránh thuế. Vì thế, khi mức thuế 46% được công bố, các DN ngành gỗ rất hoang mang, nhưng chúng tôi đều động viên nhau phải bình tĩnh chờ đợi, tin tưởng lãnh đạo cấp cao sẽ đàm phán thành công và giảm thuế xuất khẩu gỗ vào Mỹ", ông Hoài nói.
Trước những thông tin mức thuế cao có thể khiến các DN có vốn đầu tư nước ngoài, hiện chiếm 49% toàn ngành, chuyển cơ sở sản xuất khỏi VN, ông Ngô Sỹ Hoài khẳng định là rất khó xảy ra vì các nước xung quanh đều có chi phí lao động cao. Vì thế, giải pháp hiện nay là đàm phán để làm sao có lợi cho phía Mỹ và cân đối lại cán cân thương mại. "Chúng ta có thể nhập khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ Mỹ và xẻ, sấy, sau đó xuất khẩu đi sang thị trường khác. Nếu có chính sách linh hoạt thì có thể bỏ hoặc giảm mạnh thuế nhập khẩu gỗ tròn từ Mỹ để tăng tiêu thụ gỗ cho nước này", ông Hoài đề xuất.
Đại diện cho các DN thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), chia sẻ: Lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã có những động thái, quyết sách rất nhanh chóng nên các DN đều tin tưởng tuyệt đối lần này sẽ đàm phán thành công. Nếu không thể giảm ngay lập tức thì chúng ta có thể điều đình để kéo giãn thời hạn áp dụng, đây là thời gian vàng để chúng ta tiếp tục đàm phán để phía Mỹ cân nhắc lại. Chúng ta cần nhấn mạnh rằng thủy sản là sản phẩm thiết yếu đối với người tiêu dùng Mỹ, nhưng không cạnh tranh trực tiếp với các mặt hàng hiện nay của Mỹ. VN cũng đang nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để sản xuất, và Mỹ cũng có thế mạnh rất lớn về những nguyên liệu này như đậu tương, bắp ngô... Nếu chúng ta có thể đàm phán để có mức thuế ưu đãi, khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ để sản xuất thì có thể nói là đôi bên cùng có lợi.
"Chúng tôi mong muốn quá trình đàm phán sẽ thành công, ít nhất là có thể tách riêng ra từng ngành hàng, từng lĩnh vực chịu thuế chứ đừng đánh đồng và gom hết tất cả vào một mức thuế chung 46% như vậy", ông Nam nói.
Ông Phùng Văn Sâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hanfimex, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu VN, nêu ý kiến: "Các DN xuất khẩu hồ tiêu VN hiện nay có lý do để tự tin trong cuộc đàm phán là vì hạt tiêu VN chiếm thị phần lớn trên thế giới, Trung Quốc cũng phải nhập về tiêu thụ. Ngay tại thị trường Mỹ thì Hiệp hội Gia vị Mỹ cũng kiến nghị chính phủ nước này cần xem xét để cân nhắc lại vì mức thuế 46% sẽ gây tác động đến người tiêu dùng ở Mỹ. Các DN đều trông chờ và hy vọng cuộc đàm phán về thuế sẽ mang lại thành công, có thể khôi phục lại mức 0% như hiện nay".
Làm gì trong tình huống xấu nhất?
Mặc dù đang đặt niềm tin vào khả năng đàm phán để giảm thuế hoặc kéo giãn thời gian thực thi, nhưng các DN, hiệp hội đều chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, khi mức thuế vẫn được giữ nguyên.

Doanh nghiệp hy vọng sẽ đàm phán thành công để giữ thị trường Mỹ
ẢNH: Đào Ngọc Thạch
Ông Ngô Sỹ Hoài thông tin ngay khi mức thuế đối ứng được Tổng thống Donald Trump công bố, nhiều khách hàng ở Mỹ đã chậm đàm phán đơn hàng mới và yêu cầu giao nhanh các đơn hàng đã ký. Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, các DN chắc chắn bị ảnh hưởng nặng nề kéo dài. Vì thế, các DN rất cần gói tài chính hỗ trợ từ Chính phủ, trong đó cần thiết là khoanh nợ, giãn nợ cho các DN bị thiệt hại do đơn hàng giảm sút.
Về phía VASEP, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết các DN thủy sản xuất khẩu sang Mỹ đang phân bố trên địa bàn 40 tỉnh, thành cả nước với số lượng trên 400 DN. Lực lượng sản xuất và đầu tư cho các nhà máy sản xuất này rất lớn, nếu như thuế đối ứng không có sự thay đổi thì rõ ràng với mức thuế 46% là rất khó để cạnh tranh, đơn hàng giảm sút và sẽ tác động trở lại vấn đề an sinh xã hội.
"Để tìm kiếm hay mở rộng sang thị trường khác, chúng tôi nhận thấy có tiềm năng khai thác sâu thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, EU. Đặc biệt Hàn Quốc còn dư địa khá lớn, mới đây có thêm thị trường Brazil cũng tuyên bố mở cửa cho tôm và cá của VN. Nhưng tất cả đều cần phải có thêm thời gian, còn trước mắt sẽ cần các gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ", ông Nam nêu vấn đề.
Ông Phùng Văn Sâm cũng chia sẻ: "Ngay từ khi có thông tin về việc đánh thuế, nhiều khách hàng ở Mỹ đã yêu cầu dừng toàn bộ vì lo sợ rủi ro. Vì thế, tôi mong Chính phủ cần có chính sách kéo giãn thời gian vay vốn và cân nhắc chính sách lãi suất ưu đãi, hỗ trợ các gói tín dụng tạm trữ phục vụ cho các đơn hàng bị kéo giãn. Bên cạnh đó, khâu vận chuyển, logistics hiện nay cũng chiếm chi phí rất lớn và thời gian giao hàng chậm, khiến cho thời gian quay vòng vốn của DN tăng từ 1 - 2 tháng lên 6 tháng. Rất mong Chính phủ có các chính sách để hỗ trợ giảm chi phí logistics".
Tại hội nghị, một số DN cũng cho rằng cần có chính sách điều chỉnh để tạo thuận lợi cho hàng Mỹ nhập khẩu vào VN, cân đối lại lợi ích giữa hai bên. Đơn cử như trong ngành sản xuất thủy sản, các loại thức ăn thủy sản hiện nay chiếm đến 45% giá thành sản xuất và đều phải mua từ Đài Loan, Thái Lan. Nếu có chính sách ưu đãi để các nhà máy dịch chuyển sử dụng nguyên liệu thức ăn thủy sản từ Mỹ, kèm theo sử dụng bao bì nữa thì đã chiếm trên 50% chi phí, lợi ích đi đôi như vậy thì phía Mỹ sẽ cân nhắc, xem xét lại mức thuế đối ứng nói trên.
Kim ngạch xuất khẩu hạt điều sang Mỹ đang ngày càng giảm, trước đây chiếm trên 30% nhưng hiện nay chỉ còn 22%, giá bán cũng không cao hơn các thị trường khác. Mặc dù vậy, tác động của việc tăng thuế rất nặng nề và khiến các DN không cạnh tranh nổi. Mong rằng Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ các DN mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường khác trong trường hợp xấu nhất xảy ra.
Đại diện Hiệp hội Điều VN