Tại sự kiện "Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính" do Thời báo Ngân hàng tổ chức sáng 16.4, bà Lê Thị Thuý Sen, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng, nhấn mạnh việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế (IFC) là một trong những quyết sách lớn nhằm thúc đẩy cải cách thể chế, giải phóng nguồn lực, nâng tầm cạnh tranh và hội nhập tài chính quốc tế cho Việt Nam.

Ông Richard D.McClellan, chuyên gia kinh tế, cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư, cho rằng IFC đóng vai trò chiến lược then chốt đối với một quốc gia
ẢNH: TBNH
Ông Richard D.McClellan, chuyên gia kinh tế, cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư khuyến nghị, Việt Nam cần hành động nhanh nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội quý giá.
"Việc chậm trễ sẽ khiến Việt Nam bị các đối thủ trong khu vực như Jakarta, Bangkok, Kuala Lumpur vượt mặt. Các tiêu chuẩn toàn cầu ngày càng khắt khe, trong khi thời gian cho cải cách không còn nhiều," ông Richard D.McClellan cảnh báo.
Tuy nhiên, thách thức là không nhỏ. Ông Nguyễn Đức Long, Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), thẳng thắn nhìn nhận Việt Nam đang đứng trước bài toán khó về pháp lý và năng lực quản lý. IFC muốn vận hành hiệu quả phải có môi trường pháp lý linh hoạt, trong khi Việt Nam vẫn có nhiều quy định chặt chẽ để giữ ổn định vĩ mô.
"Chúng ta cần một khung pháp lý vừa đủ rộng để các định chế tài chính có thể hoạt động theo chuẩn quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống," ông Long nói. Ông cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, sửa đổi các quy định an toàn vốn, hướng đến chuẩn Basel II nâng cao để tạo nền tảng pháp lý cho IFC.
Đáng chú ý, hai địa phương đang được kỳ vọng trở thành nơi đặt IFC là TP.HCM và Đà Nẵng. Mỗi nơi sẽ theo đuổi mô hình khác nhau: TP.HCM với mô hình gắn kết thương mại - công nghệ - thị trường vốn; Đà Nẵng theo hướng xanh, tích hợp số và thương mại tự do.
Nhìn từ thực tiễn, các ngân hàng Việt Nam cũng đang chuẩn bị tâm thế tham gia "sân chơi lớn" là tiếp cận vốn rẻ, nâng chuẩn hoạt động, mở rộng thị trường, nhưng cũng đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ các định chế tài chính toàn cầu.
Tổng kết sự kiện, bà Sen cho rằng: "Không có mô hình IFC hoàn hảo cho mọi quốc gia. Việt Nam cần lựa chọn con đường riêng, nhưng phải dựa trên nguyên tắc: phát triển IFC là tất yếu, nhưng phải giữ vững ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống tài chính và bảo vệ người dùng dịch vụ".