ACB chia cổ tức 25%

Trước diễn biến căng thẳng về chính sách thuế quan giữa Mỹ và các nước đang diễn ra, các cổ đông ACB đặt câu hỏi có ảnh hưởng gì đến ngân hàng, khách hàng của ngân hàng, cũng như kế hoạch đề ra… Ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB cho biết, khi chính sách thuế quan của Mỹ công bố, ACB cũng có rà soát lại danh mục khách hàng. Danh mục ACB khá đặc thù trên thị trường, tín dụng cá nhân lên 65%, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ (SME) khoảng 29%, còn lại là DN lớn. DN lớn và FDI chỉ mới phát triển gần đây, tính tập trung chưa cao. 

Hiện dư nợ của mảng DN lớn tại ACB không đáng kể, thấp hơn 1%, chỉ tập trung ở 1 - 2 DN có vấn đề nội tại. Do đó, danh mục khách hàng này chưa có khó khăn. Hiện nay, tín dụng dự kiến tăng trưởng 16%, nhưng nếu có thách thức vĩ mô, ACB cũng không có điều chỉnh tăng trưởng tín dụng. Hiện, khách hàng cá nhân và SME đang dẫn đầu trong tín dụng của ACB. Dù là mảng tiềm năng nhưng ACB chỉ có thị phần khoảng 1% là DN lớn và FDI. Do đó, còn dư địa lớn để ACB tập trung phát triển.

ACB chia cổ tức 25%- Ảnh 1.

ACB tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025

ẢNH: T.X

Ông Từ Tiến Phát còn cho biết 3 tháng đầu năm có nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen nhau. Vừa rồi, các yếu tố không tích cực xảy ra như chính sách thuế quan của Mỹ, ACB đã có những chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh. Hết quý 1, tín dụng tăng 3%, huy động tăng trên 2%, nợ xấu trên toàn hệ thống đã kiểm soát khá tốt. Riêng nợ xấu ACB là 1,34%, đã giảm mạnh so với đầu năm và kỳ vọng năm nay kiểm soát được nợ xấu, giúp gia tăng hoạt động của ACB. Dự kiến quý 1, thực hiện khoảng 20% so với kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Theo kế hoạch năm 2025, ACB dự kiến lợi nhuận trước thuế của tập đoàn 23.000 tỉ đồng, tăng 9,5%; tổng tài sản tăng 14%, lên 984.967 tỉ đồng; cho vay khách hàng đạt 673.596 tỉ đồng (tăng16%); tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 728.409 tỉ đồng (tăng14%)… Ngân hàng dự kiến dùng 11.166 tỉ đồng để chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 25%, trong đó 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Sau khi chia, lợi nhuận còn lại là 12.467 tỉ đồng. Cụ thể cho phương án tăng vốn điều lệ từ chia cổ tức bằng cổ phiếu, ACB dự kiến phát hành thêm gần 670 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 15%), mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Vốn điều lệ ACB sau khi phát hành sẽ tăng từ 44.667 tỉ đồng lên gần 51.367 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3/2025.

Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy nhìn nhận: "ACB vừa kết thúc chiến lược 5 năm đã có bước chuyển mình tích cực với lợi nhuận tăng gấp 3 lần và đảm bảo chính sách cổ tức cao, hài hòa lợi ích cổ đông. Nhìn vào trung và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường tài chính dự báo nhiều khó khăn từ cạnh tranh khách hàng giữa các ngân hàng, yêu cầu cao hơn về tuân thủ hoạt động. Trong bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, ACB sẽ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ mới nâng cao hiệu quả và kiểm soát rủi ro ngân hàng đồng thời chú trọng đến an toàn bảo mật cho khách hàng". 

Cũng theo chủ tịch ACB, việc đầu tư tập trung đẩy mạnh ở 3 khía cạnh bao gồm thế mạnh bán lẻ, mở rộng khai thác phân khúc khách hàng doanh nghiệp và phát triển năng lực mới để thay đổi mô hình kinh doanh, phương thức hoạt động để phát triển bền vững cho ngân hàng.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao