Vì sao thưởng tết mỗi trường đại học khác nhau?

Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM, hiện nay các cơ sở giáo dục tính toán thu nhập tăng thêm, trong đó có thưởng tết cho giáo viên, giảng viên, người lao động dựa vào các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước như luật Cán bộ, công chức; luật Thi đua khen thưởng; các thông tư, nghị định về chế độ lương, thưởng; cơ chế tự chủ tài chính...

"Mỗi trường đều xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ riêng căn cứ vào các quy định này nhằm đảm bảo thu chi phù hợp với điều kiện của từng trường", PGS-TS Hoàn cho hay.

Tiết kiệm được nhiều, thưởng tết cao

Cụ thể, Thông tư 56 năm 2022 hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có quy định về tạm chi thu nhập tăng thêm, chi phúc lợi và chi khen thưởng căn cứ dự toán thu, chi của năm và kết quả hoạt động tài chính quý trước của đơn vị.

Vì sao thưởng tết mỗi trường đại học khác nhau?- Ảnh 1.

Thưởng tết cho giáo viên, giảng viên được chi theo quy quy định đồng thời cao hay thấp phụ thuộc vào kinh phí tiết kiệm của từng trường

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Nếu đơn vị có khả năng tiết kiệm được kinh phí thì thủ trưởng đơn vị có quyền quyết định tạm chi trước thu nhập tăng thêm cho người lao động theo quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị; mức tạm chi hàng quý của đơn vị tối đa không quá 20% quỹ tiền lương một đơn vị. Hoặc cũng có thể tạm chi trước đối với các hoạt động phúc lợi, chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân.

Kết thúc năm ngân sách, trước ngày 31.1 năm sau, đơn vị tự xác định số kinh phí tiết kiệm được. Trường hợp đơn vị đã tạm chi vượt quá số kinh phí tiết kiệm được theo quy định thì phải giảm trừ vào quỹ dự phòng ổn định thu nhập của đơn vị (nếu có) hoặc giảm trừ vào số tiết kiệm của năm sau hoặc trừ vào quỹ tiền lương năm sau của đơn vị (nếu đơn vị không có số tiết kiệm của năm sau).

Trường hợp đơn vị đã tạm chi thấp hơn số kinh phí tiết kiệm được trong năm, đơn vị được tiếp tục chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động, chi khen thưởng, chi phúc lợi hoặc để trích lập quỹ dự phòng ổn định thu nhập cho người lao động theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Sau khi quyết toán năm của đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường hợp số kinh phí thực tiết kiệm cao hơn số đơn vị tự xác định, đơn vị được tiếp tục chi trả thu nhập tăng thêm hoặc chi các hoạt động phúc lợi, chi khen thưởng theo chế độ quy định.

Trường hợp số kinh phí tiết kiệm thấp hơn số đơn vị tự xác định, căn cứ vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền và đề nghị của đơn vị, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thu hồi bằng cách trừ vào kinh phí tiết kiệm năm tiếp theo của đơn vị.

Chi theo thành tích đóng góp

Bên cạnh đó, Nghị định 60 năm 2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, có quy định kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được của đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, được sử dụng vào việc bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động.

Đơn vị chi thu nhập bình quân tăng thêm cho viên chức, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người.

Đối với chi khen thưởng và phúc lợi, chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị theo kết quả công tác và thành tích đóng góp; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của viên chức, người lao động; trợ cấp khó khăn đột xuất cho viên chức, người lao động, kể cả đối với những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức...

Khi xét thấy khả năng tiết kiệm kinh phí không ổn định, đơn vị có thể trích lập quỹ dự phòng để ổn định thu nhập cho viên chức, người lao động. Số kinh phí tiết kiệm được, cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.

Tiền thưởng tương đương 10% tổng quỹ tiền lương

Đặc biệt, từ tháng 7.2024, Nghị định 73 năm 2024 quy định về mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hiệu lực, là cơ sở mới nhất để các trường hiện áp dụng việc chi thưởng tết.

Theo nghị định này thì giáo viên, giảng viên là viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc một trong các đối tượng được hưởng chế độ tiền thưởng tương đương 10% tổng quỹ tiền lương, không bao gồm phụ cấp theo chức vụ, chức danh của đối tượng thuộc danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

Tiền thưởng, trong đó có thưởng tết của nhà giáo, căn cứ vào kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm. Bên cạnh đó, mức tiền thưởng cụ thể được áp dụng đối với từng trường hợp, không nhất thiết phải gắn với mức lương theo hệ số lương của từng người.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao