Cổ vật triều Nguyễn ở xứ sương mù: Đỉnh thờ chế tác từ khối ngọc

Trong văn hóa người Việt, không gian thờ cúng luôn là nơi trang trọng nhất của mỗi gia đình, và đỉnh thờ là một trong những đồ thờ cúng linh thiêng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên. Đỉnh dùng làm nơi đốt trầm để tạo hương thơm, nhằm bày tỏ lòng thành kính, sự thanh khiết, cao quý và hóa giải hung khí, tăng thêm cát khí theo quan niệm tâm linh.

Cổ vật triều Nguyễn ở xứ sương mù: Đỉnh thờ chế tác từ khối ngọc- Ảnh 1.

Một số đỉnh thờ trong Sưu tập Cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng

Ảnh: Bảo tàng Lâm Đồng

Trong Sưu tập Cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng, các hiện vật đỉnh thờ có những điểm tương đồng thú vị.

Tất cả các đỉnh thờ đều là vật thờ mang tính chất biểu trưng và trang trí trên các không gian thờ: Do kích thước nhỏ và không có lỗ thoát khí, nên các đỉnh thờ trong sưu tập này không thể dùng để đốt trầm như các đỉnh thờ thông thường, mà chỉ sử dụng với tính chất biểu trưng và trang trí trên không gian thờ.

Các đỉnh thờ đều được nghệ nhân trong Ngự xưởng triều Nguyễn chế tác tỉ mỉ, công phu. Thời nhà Nguyễn, Ngự xưởng là nơi chế tạo, cung ứng các vật dụng phục vụ nhà vua và hoàng tộc. Các nghệ nhân làm việc tại đây là những người thợ tài hoa được tuyển chọn khắt khe từ các làng nghề truyền thống trong nước. Thời bấy giờ chưa có máy móc hiện đại như ngày nay, các nghệ nhân chế tác đỉnh thờ hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.

Các đỉnh thờ đều được chế tác từ các khối đá ngọc theo mô típ chung, gồm hai phần là phần thân và phần nắp. Trên đỉnh nắp thường chế tác các linh vật như nghê, kỳ lân làm núm cầm. Thân đỉnh được mài bóng, có bụng phình, cổ thắt, miệng đứng và có gờ để đậy nắp.

Cổ vật triều Nguyễn ở xứ sương mù: Đỉnh thờ chế tác từ khối ngọc- Ảnh 2.

Các đỉnh thờ được chế tác từ nhiều loại đá ngọc theo kiểu chân quỳ

Ảnh: Bảo tàng Lâm Đồng

Chân đỉnh thờ thường được chế tác theo kiểu chân quỳ: Trong tâm thức người Việt, không gian thờ cúng vốn là nơi linh thiêng và người xưa quan niệm rằng, đỉnh thờ chế tác kiểu chân quỳ vững chắc sẽ chấn hưng cho không gian thờ cúng. Do đó, đa phần các đỉnh thờ trong Sưu tập Cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng được chế tác theo mô típ này.

Đề tài trang trí trên các đỉnh thờ khá đa dạng: Các đỉnh thờ trong sưu tập này cho thấy, với bàn tay tài hoa của các nghệ nhân trong Ngự xưởng triều Nguyễn, đề tài trang trí trên các đỉnh thờ rất đa dạng. Nó không chỉ khắc họa sinh động hình ảnh các linh vật (rồng, nghê, kỳ lân) hay biểu tượng của sự trường tồn (hổ phù), mà còn thể hiện sinh động hình ảnh tượng trưng cho sức mạnh và uy lực (voi, sư tử).

Bên cạnh những điểm giống nhau, các hiện vật đỉnh thờ trong sưu tập cũng có những điểm riêng rất độc đáo.

Các đỉnh thờ được chế tác từ đá ngọc có nguồn gốc khác nhau, gồm cả trong và ngoài nước. Nhà Nguyễn khai thác ngọc từ một số vùng trong nước, một phần nhập khẩu ngọc thô từ Trung Quốc, Myanmar. Các đỉnh thờ trong sưu tập được chế tác từ nhiều loại đá ngọc khác nhau, như đá ngọc trong suốt, đá ngọc màu nâu cánh gián, đá ngọc màu trắng xanh, trắng đục, trắng xám.

Cổ vật triều Nguyễn ở xứ sương mù: Đỉnh thờ chế tác từ khối ngọc- Ảnh 3.

Đỉnh thờ được chế tác với hình ảnh hai cánh sen vươn dài, xung quanh thân đỉnh chạm các đường gờ nổi hình đốt trúc

Ảnh: Bảo tàng Lâm Đồng

Cổ vật triều Nguyễn ở xứ sương mù: Đỉnh thờ chế tác từ khối ngọc- Ảnh 4.

Đỉnh thờ chế tác theo kiểu đế hình vành khăn

Ảnh: Bảo tàng Lâm Đồng

Nắp đỉnh thờ được các nghệ nhân chế tác với nhiều hình dáng. Có nắp đỉnh được chế tác theo hình chóp nón, hình chóp nón cụt, có nắp đỉnh được chế tác theo hình chiếc chén, hình chuông.

Ngoài việc chế tác các đỉnh thờ với mô típ khắc họa sinh động các linh vật (rồng, nghê, kỳ lân), biểu tượng của sự trường tồn (hổ phù), hay các con vật tượng trưng cho sức mạnh và uy lực (voi, sư tử), nghệ nhân còn chế tác nên đỉnh thờ với hình ảnh hai cánh sen vươn dài và có gắn khuyên tròn. Xung quanh thân đỉnh chạm các đường gờ nổi hình đốt trúc. Đây là điểm nhấn khá đặc biệt, bởi hoa sen là loài hoa mang vẻ đẹp mộc mạc mà thanh tao, tuy sinh ra trong bùn nhưng vượt lên mà tỏa sắc hương; còn cây trúc thì tượng trưng người quân tử. Thêm vào đó, hoa sen và cây trúc là hai trong bốn biểu tượng của đề tài Tứ thời (mai tượng trưng cho mùa xuân; hoa sen và cây trúc tượng trưng cho mùa hạ; cúc tượng trưng cho mùa thu; tùng tượng trưng cho mùa đông). Người phương Đông quan niệm rằng, Tứ thời là biểu hiện của sự đầy đủ, vững chắc, vĩnh cửu, hạnh phúc...

Bên cạnh các đỉnh thờ kiểu chân quỳ tạo thế vững chắc, còn có đỉnh thờ được chế tác với đế hình vành khăn gắn vào một đế gỗ tròn dạng con tiện 3 chân. Điều này góp phần làm nên sự đa dạng trong tạo hình cho các hiện vật đỉnh thờ trong sưu tập. (còn tiếp) 

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao