Vào lúc 10 giờ 30 ngày 14.1, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học tương lai: kinh tế-ngân hàng-luật". Chương trình diễn ra đồng thời ở các kênh: thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên.
Trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023, kinh doanh và quản lý dẫn đầu 25 lĩnh vực đào tạo về kết quả tuyển sinh. Với trên dưới 24% tổng thí sinh trúng tuyển, lĩnh vực này chiếm xấp xỉ gần ¼ tổng số thí sinh vào đại học. Chỉ riêng số liệu trên đã cho thấy mức độ hấp dẫn của khối ngành kinh doanh và quản lý.
Vì sao lĩnh vực đào tạo này luôn có sức hấp dẫn với thí sinh khi xét tuyển ĐH, cơ hội cho thí sinh học ngành này thời gian tới ra sao? Năm 2025, các ngành này được tuyển sinh theo các phương thức và tổ hợp môn xét tuyển nào, chỉ tiêu ra sao, thí sinh cần lưu ý gì khi xét tuyển các ngành này năm nay?…
Các thông tin này sẽ được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học tương lai: kinh tế-ngân hàng-luật" ngày 14.1.
Đợt 1 (từ 10 giờ 30-11 giờ 30) gồm các chuyên gia:
- PGS-TS Phạm Hà, Trưởng khoa Tài chính-Ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM;
- Tiến sĩ Lê Văn Hà, giảng viên, điều phối viên ngành thạc sĩ Tài chính-Kinh tế Trường ĐH Việt Đức;
- Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Nhu cầu rất lớn về nhân sự
PGS-TS Phạm Hà, Trưởng khoa Tài chính-Ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM, thông tin những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam có nhiều thay đổi lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu rất lớn về nhân sự phục vụ phát triển kinh tế của tổ chức hoặc quốc gia. Thông qua đó, các trường ĐH cũng xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu này.
Số lượng người học đăng ký xét tuyển vào lĩnh vực kinh tế-ngân hàng-luật cũng nhiều, như Trường ĐH Mở TP.HCM có số lượng thí sinh nộp hồ sơ chiếm 1/3 tổng số thí sinh đăng ký vào trường. Trong khi đó, chỉ tiêu đào tạo các ngành chỉ giới hạn, ví dụ tài chính ngân hàng tuyển 300 sinh viên. Do đó, điểm chuẩn các ngành này những năm gần đây dao động từ 20-24 điểm, trung bình khoảng 7 điểm mỗi môn trở lên thí sinh mới có khả năng trúng tuyển vào các ngành này.
Dự đoán xu hướng nhu cầu nhân lực khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật
Còn theo tiến sĩ Lê Văn Hà, giảng viên, điều phối viên ngành thạc sĩ Tài chính-Kinh tế Trường ĐH Việt Đức, đến năm 2045 Việt Nam định hướng trở thành một nước có thu nhập cao. Tham khảo cơ cấu ngành nghề của một nước phát triển trên thế giới cho thấy lĩnh vực kinh doanh quản lý tỷ lệ người có bằng ĐH chiếm 22-25% tổng số cơ cấu nhân lực. Riêng ngành luật 0,43% tổng lực lượng lao động toàn xã hội có bằng cử nhân. Nhìn trên số liệu này, trong những năm qua tỷ lệ tuyển sinh ĐH khối ngành kinh doanh và quản lý chiếm khoảng 24% tổng số thí sinh trúng tuyển, thì đảm bảo tỷ lệ của một nền kinh tế phát triển. Trong thời gian tới, tỷ lệ này cần phải duy trì và tăng lên để có thể đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Việt Nam có 17.727 luật sư, tham chiếu số này với các nước phát triển, có thể thấy lĩnh vực luật chúng ta còn rất thiếu. Thời gian tới, nhóm ngành này còn cần hơn nữa.
Nhiều ngành học mới khối ngành kinh tế
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày một tăng trong tình hình mới, theo thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, hiện nhiều ngành mới đang được mở ra đào tạo trong các trường ĐH như công nghệ tài chính, kinh tế số… Việc mở ngành mới này phù hợp với sự phát triển khách quan của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu cần thiết của thị trường lao động. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng mở nhiều ngành mới, ví dụ như quản lý thể dục thể thao – ngành học có sự lồng ghép yếu tố kinh tế kinh doanh trong lĩnh vực thể dục thể thao.
Theo thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến đào tạo 61 ngành, trong đó các ngành kinh tế-luật-quản lý có tới 23 ngành. Cùng với việc mở ngành mới, trường liên tục cập nhật chương trình đào tạo của các ngành học truyền thống để trang bị cho người học kiến thức cập nhật nhất theo yêu cầu của thị trường lao động. Năm 2025, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ và điểm kỳ thi đánh giá năng lực. Các ngành kinh tế và luật của trường có 6 tổ hợp môn, trong đó toán-văn là 2 môn nền tảng xuyên suốt trong số các ngành. Thí sinh chú ý lựa chọn môn học dự thi để xét tuyển cho phù hợp.
‘Không phải ngành nào ra trường cũng có việc làm’
PGS-TS Phạm Hà cho rằng xu thế của các trường ĐH hiện nay là duy trì các ngành cũ và mở thêm các ngành mới. Theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, các ngành được thực hiện phải đáp ứng các điều kiện cần thiết khi mở ngành và duy trì đào tạo. Do đó, không chỉ chương trình mới mà chương trình cũ tối thiểu 2 năm phải được cập nhật để đảm bảo yêu cầu phát triển mới. Trong đó, nhiều ngành đào tạo mới hiện chưa có ở Việt Nam, khi triển khai, các trường ĐH sẽ áp dụng khung chương trình được thế giới công nhận để có khả năng làm việc trong môi trường năng động như hiện nay. Năm 2025, Trường ĐH Mở TP.HCM có 3 phương thức tuyển sinh: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, dựa trên điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và kỳ thi V-SAT, điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT…
Tiến sĩ Lê Văn Hà thông tin Trường ĐH Việt Đức có 2 chương trình đào tạo liên quan đến khối ngành này: quản trị kinh doanh và tài chính kế toán. Sắp tới trường mở thêm ngành mới là kinh tế học. Phương thức tuyển sinh của trường dựa trên kỳ thi TestAs, xét học bạ, điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng… Cách tiếp cận của trường khi xây dựng chương trình đào tạo khá đặc biệt, 2 năm đầu sinh viên học các học phần bắt buộc và 2 năm sau sinh viên được lựa chọn tự do học phần để phù hợp với định hướng nghề nghiệp tương lai. Ví dụ, sinh viên quản trị kinh doanh từ năm thứ 3 được chọn 8 trong số 30 môn tự chọn.
Để học tốt và ra trường có việc làm phù hợp khối ngành kinh tế
Nhiềuý kiến cho rằng các ngành liên quan đến kinh tế luôn có sức hút với thí sinh. Vậy để học tốt, làm tốt công việc trong lĩnh vực này người học cần có những điều kiện gì?
Giải đáp băn khoăn này, PGS-TS Phạm Hà, cho hay mong muốn của trường ĐH vẫn là người học theo học một ngành phù hợp. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược học tập tốt để đạt được kiến thức và kỹ năng tốt nhất sau khi hoàn thành việc học. Khi có được đam mê, yêu thích sẽ giúp chúng ta đạt được kết quả tốt hơn. Muốn vậy, việc chọn ngành phù hợp là yếu tố quan trọng đầu tiên.
Còn tiến sĩ Lê Văn Hà cho rằng với chương trình đào tạo các trường ĐH xây dựng hiện nay, việc đi học ĐH được xem như xây dựng “tòa tháp kiến thức”, kiến thức môn học trước là nền của môn học sau. "Do đó, ngay khi bắt đầu việc học, sinh viên cần phải làm việc một cách nghiêm túc. Để học tốt, các em không thể chọn một ngành học dựa trên phong trào, nếu chọn một ngành học vì ai cũng chọn thì sẽ là sai lầm. Tóm lại, để học tốt cần 2 điều kiện: chọn ngành mình yêu thích, chọn rồi phải thực sự có kế hoạch học tập tốt để bắt nhịp và chiến thắng", thầy Lê Văn Hà nhấn mạnh.
Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn cho hay nhóm ngành này có rất nhiều chuyên ngành với vị trí việc làm khác nhau, phù hợp với nhiều nét tính cách khác nhau. Thực tế khi đi hướng nghiệp tuyển sinh, có một xu hướng rằng khi không biết chọn ngành nào thì chọn ngành kinh tế. Nhưng có thể thấy rằng, việc lựa chọn ngành học của thí sinh đang phản ánh thực tế rằng nhu cầu xã hội với lĩnh vực này đang rất cao. Nhóm ngành đang cực kỳ tiềm năng và xu thế. Khi lựa chọn ngành học, thí sinh cần xem xét đến sở thích, năng lực và các yếu tố ngoại cảnh.
Đợt 2 (từ 14 giờ-15 giờ 10) gồm các chuyên gia:
- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân;
- Tiến sĩ Ngô Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM;
- Thạc sĩ Phạm Quang Trường, Phó khoa Kinh doanh và luật Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn;
- Tiến sĩ Bùi Văn Thời, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Đợt 3 (từ 15 giờ 20-16 giờ 20) gồm các chuyên gia:
- PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM;
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó phòng Tuyển sinh, Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing;
- Thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó giám đốc Gloucestershire VietNam.