Truyền thông quốc tế quan tâm đến chiến lược giáo dục mới của Việt Nam

Truyền thông quốc tế quan tâm đến chiến lược giáo dục mới của Việt Nam- Ảnh 1.

Sinh viên quốc tế tham gia các chương trình trao đổi, liên kết tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM)

ẢNH: NGUYỄN NGỌC

Chính phủ hôm 10.1 đã ra nghị quyết ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57 năm 2024 của Bộ Chính trị, nối tiếp loạt động thái mà Việt Nam đề ra trong những tuần qua nhằm phát triển khoa học công nghệ và giáo dục ĐH. Động thái đó mới đây cũng được một số kênh truyền thông quốc tế quan tâm đưa tin với những bình luận tích cực, lạc quan.

The PIE News, trang thông tin hàng đầu thế giới về lĩnh vực giáo dục quốc tế đặt trụ sở tại Anh, mới đây đăng bài về chiến lược giáo dục quốc tế mới của Việt Nam với tựa đề: "Giáo dục Việt Nam đặt mục tiêu tăng sinh viên quốc tế". Bài viết đề cập tới Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị kèm Quyết định số 1705, Quyết định số 1600 của Thủ tướng để chứng minh nước ta đang có loạt động thái nhằm hiện thực hóa tham vọng trên.

Theo đó, bản tin chỉ ra trong ngắn hạn, Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sinh viên quốc tế lên 1,5% (hiện chỉ 0,5%); nâng số lượng ĐH Việt Nam vào tốp 500 thế giới (chưa có trường nào) và tốp 200 châu Á (hiện có 4 trường); tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) lên 2% GDP; tăng số lượng ĐH nước ngoài trong tốp 500 thế giới mở phân hiệu ở Việt Nam...

Trong khi đó, mục tiêu dài hạn là đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong hệ thống giáo dục.

"Việt Nam nỗ lực thu hút sinh viên quốc tế và mở rộng cơ hội hợp tác giáo dục quốc tế đúng vào thời điểm đất nước ngày càng khẳng định vị thế là một thị trường tuyển sinh trọng điểm trong khu vực", tờ The PIE News bình luận, dẫn báo cáo từ Acumen để cho thấy Việt Nam là quốc gia tại Đông Nam Á có nguồn sinh viên du học lớn nhất (37%), tiếp đó là Malaysia (16%), Indonesia (16%) và Thái Lan (9%).

Trang Asia Education Review có trụ sở tại Ấn Độ mới đây cũng đăng tải bài viết: "Chiến lược nâng tầm vị thế quốc tế và thu hút sinh viên quốc tế của giáo dục Việt Nam", nhấn mạnh tham vọng trở thành cường quốc giáo dục trong khu vực, trên thế giới vào 2030 bằng cách gắn kết đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế trong các chiến lược giáo dục mà Việt Nam đang tiến hành.

"Việt Nam đang có những bước đi táo bạo nhằm nâng cao sức hấp dẫn như một trung tâm giáo dục quốc tế", tờ này đúc kết.

Truyền thông quốc tế quan tâm đến chiến lược giáo dục mới của Việt Nam- Ảnh 2.

Giáo sư, sinh viên quốc tế từ 7 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á đến Báo Thanh Niên tìm hiểu cách kiểm chứng thông tin trong khuôn khổ một chương trình giáo dục tại Việt Nam

ẢNH: NHẬT THỊNH

Hội đồng Anh, tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và cơ hội giáo dục của Anh có trụ sở tại Hà Nội và TP.HCM, hôm 6.1 cũng đưa tin về động thái mới của Việt Nam với tựa đề: "Việt Nam công bố chiến lược mới cho giáo dục và khoa học", trong đó cũng đề cập đến các chiến lược ở cấp quốc gia đến năm 2030 cùng tầm nhìn đến năm 2045 mà Việt Nam ban hành trong thời gian qua.

"Nghị quyết cùng các Quyết định mới ban hành cho thấy Chính phủ đang tạo điều kiện thuận lợi cho ĐH Việt Nam hợp tác với những đối tác nước ngoài uy tín trong hoạt động liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên, nghiên cứu, công nhận văn bằng, cũng như tạo điều kiện cho ĐH nước ngoài thành lập phân hiệu ở Việt Nam", Hội đồng Anh nhận xét, cho biết thêm đơn vị này sẵn sàng làm cầu nối giữa các bên liên quan tại Anh và Việt Nam.

Tinh thần các chính sách mới

Ngày 19.12.2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong GD-ĐT đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án nhằm đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong GD-ĐT nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đối ngoại nhân dân và các hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác.

Ngày 22.12.2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết đã xác định, đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ bắt buộc trong giai đoạn hiện nay để phát triển đất nước, đưa Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

Đến ngày 31.12.2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1705/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược tiếp tục quán triệt các quan điểm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị trung ương 8 khóa XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao