Báo cáo rõ tỷ lệ sử dụng nội dung được hỗ trợ bởi AI
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa ban hành quy định về liêm chính học thuật, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15.1.
Quy định này áp dụng với viên chức, người lao động, người học tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác trong phạm vi tổ chức, hoạt động trong hoặc ngoài trường. Các cá nhân, tổ chức ngoài trường khi tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học trong trường cũng tuân thủ quy định này.
Theo đó, trường quy định các quy tắc liêm chính trong hoạt động đào tạo như: trong học tập, giảng dạy và đánh giá kết quả học tập. Trong hoạt động khoa học và công nghệ, liêm chính học thuật trong đề xuất, tham gia, kết hợp tuyển chọn và thực hiện nhiệm vụ; trong báo cáo và công bố khoa học, chuyển giao kết quả…
Đáng chú ý, trường có quy định liêm chính học thuật khi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và trong các hoạt động khác. Quy định nêu rõ: "Minh bạch về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong bài tập, bài giảng, bài viết, nghiên cứu. Người nghiên cứu, người viết cần báo cáo rõ tỷ lệ sử dụng nội dung được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo trong bài tập, bài giảng, bài viết, nghiên cứu; mô tả rõ ràng trí tuệ nhân tạo đóng vai trò là công cụ hỗ trợ ý tưởng hay tham gia vào quá trình viết chính".
Cũng liên quan đến việc sử dụng AI, trường ĐH này yêu cầu người nghiên cứu, người viết phải xem xét, đảm bảo tính chính xác các dữ liệu do AI cung cấp và chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung do AI viết. Trích dẫn và ghi nguồn những nội dung do AI viết, đảm bảo tuân thủ cách thức trích dẫn theo quy định của nhà trường. Chỉ sử dụng AI là công cụ hỗ trợ ý tưởng và không được thay thế sự sáng tạo của người nghiên cứu, người viết.
Đáng chú ý, quy định của trường yêu cầu: "Không cung cấp các thông tin là bí mật của nhà trường, của quốc gia và các thông tin khác cần bảo mật cho AI".
Người đang công tác tại trường không ghi tên đơn vị khác trên công bố khoa học
Điều 8 quy định này cũng có những nội dung khá đặc biệt về liêm chính trong báo cáo và công bố khoa học.
Theo đó, khi công bố khoa học cần ghi nhận đầy đủ, đúng mức đối với sự đóng góp của tất cả thành viên đối với sản phẩm hình thành từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, không sử dụng kết quả nghiên cứu khi chưa được sự đồng ý của các thành viên.
Phải có ý kiến của các đồng tác giả về việc ghi và không ghi tên của họ trong các ấn phẩm khoa học nếu không có thỏa thuận nào khác, tuân thủ đúng việc tuyên bố quyền tác giả theo quy định khi công bố.
Đáng chú ý, viên chức, người lao động đang công tác tại trường không được ghi tên đơn vị công tác khác trên các công bố khoa học (trừ trường hợp có quy định thỏa thuận khác).
Bản thân người nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu kỹ về tạp chí, nhà xuất bản trước khi gửi bản thảo, chỉ gửi công bố khoa học trên các ấn phẩm đã được liệt kê trong danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng Giáo sư Nhà nước và các tổ chức đơn vị có thẩm quyền.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đưa ra các hình thức xử lý vi phạm liêm chính học thuật cụ thể trong quy định này. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả, trường xem xét xử lý theo quy định pháp luật, ĐH Quốc gia TP.HCM và của trường. Tuy nhiên, trong trường hợp có căn cứ cho rằng không có hành vi vi phạm, tùy vào thời điểm xác nhận, trường xem xét xử lý, đính chính thông tin, áp dụng các biện pháp để khôi phục tình trạng ban đầu, khôi phục danh dự cho người bị ảnh hưởng.