Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học tương lai: kinh tế-ngân hàng-luật" sẽ tiếp tục vào lúc 14 giờ hôm nay (14.1). Chương trình được truyền hình trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Chương trình sẽ cung cấp những thông tin bổ ích về nhu cầu nhân lực, xu hướng phát triển, chương trình đào tạo, học phí, học bổng... của những ngành học liên quan kinh tế, ngân hàng và luật tại các trường ĐH.
Thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2023 cho thấy, khối ngành kinh doanh quản lý là một trong 4 lĩnh vực tuyển sinh thu hút thí sinh nhất. Lĩnh vực này còn dẫn đầu tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển trong nhiều năm trước đó.
Tham gia chương trình tư vấn có các khách mời:
- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân;
- Tiến sĩ Ngô Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM;
- Tiến sĩ BùiVăn Thời, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Đại diện các trường ĐH sẽ chia sẻ về tầm quan trọng của các ngành kinh tế, ngân hàng, luật... trong bối cảnh hiện nay. Xu hướng nhu cầu nhân lực các ngành này khoảng 4-5 năm tới ra sao? Hiện nay, nhiều trường ĐH mở các ngành học mới kết hợp lĩnh vực công nghệ với kinh tế, cơ hội người học với các ngành này được nhìn nhận ra sao?
Năm 2025, các trường tuyển sinh theo các phương thức và tổ hợp môn xét tuyển nào, chỉ tiêu tăng hay giảm? Thí sinh cần lưu ý gì khi xét tuyển các ngành này năm nay?
Bên cạnh đó, các chuyên gia chia sẻ những tố chất cần thiết để học và phát triển tốt nghề nghiệp ở các ngành liên quan đến kinh tế, ngân hàng và luật.
Tính liên thông, liên ngành rất cao
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân, cho hay khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Ngành kinh tế nhằm giải quyết bài toán vĩ mô về kinh tế, sản xuất tiêu dùng của quốc gia. Kinh doanh và quản lý có nhiều ngành như ngân hàng, quản lý kinh doanh, kế toán giải quyết bài toán của một doanh nghiệp cụ thể... Những ngành này còn liên quan đến ứng xử của doanh nghiệp trong nền kinh tế, ứng xử của người tiêu dùng đối với các quyết định của doanh nghiệp nên liên quan đến lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi.
"Nếu muốn làm việc trong doanh nghiệp, thí sinh chọn ngành ngân hàng, quản trị kinh doanh, tài chính... Còn làm việc trong các cơ quan nhà nước thì có thể học ngành kinh tế. Hiện nay có ngành mới là kinh tế số từ năm 2022, ứng dụng các vấn đề khoa học về dữ liệu, công nghệ để phân tích đánh giá tư vấn ra chính sách, hoặc tiếp thị số, kinh doanh số...'', tiến sĩ Võ Thanh Hải nhấn mạnh.
Dự đoán xu hướng nhu cầu nhân lực khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật
Ngoài ra, theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, khối kỹ thuật tính liên thông liên ngành hạn hẹp nhưng khối ngành kinh tế, luật có tính liên thông liên ngành rất cao. Chính vì vậy số lượng thí sinh đăng ký vào khối ngành này rất đông.
Còn tiến sĩ Ngô Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, cho hay năm 2025 chuẩn bị nhân lực cho 4-5 năm sau khi kinh tế quay lại bùng nổ. Mọi quốc gia liên kết với nhau, ảnh hưởng tác động lẫn nhau. Gần đây xu thế AI, Big Data khiến sự liên kết giữa các ngành nghề trở thành xu thế toàn cầu, từ đó các kỹ năng mới xuất hiện như kỹ năng số, kỹ năng giao tiếp, hợp tác... nên người học phải thay đổi, điều chỉnh.
Tương tự, tiến sĩ Bùi Văn Thời, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng khối ngành kinh tế có tính liên ngành lớn đặc biệt ứng dụng công nghệ trong kinh doanh và quản lý. Các em cần tập trung nâng cao kỹ năng số, làm được những công việc cụ thể như ứng dụng AI trong kinh doanh, biết khai thác thông tin và phân tích dữ liệu, kỹ năng giao tiếp hợp tác số, năng lực bảo mật an toàn thông tin, sáng tạo nội dung số, xử lý tính huống trong môi trường số...
Các chương trình đào tạo đang cập nhật xu hướng hiện nay để đáp ứng yêu cầu thực tiễn giúp sinh viên có cơ hội nghề nghiệp gấp đôi vì vừa có kiến thức về kinh tế, ngân hàng, tài chính vừa có kỹ năng về công nghệ.
Những điểm mới đáng lưu ý về tuyển sinh khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật
Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho hay năm 2025, thí sinh chú ý có nhiều tổ hợp môn mới ở các trường ĐH vì chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có môn pháp luật và kinh tế. Khá nhiều trường bổ sung môn này vào tổ hợp xét tuyển. Các trường cũng mở rộng số lượng môn trong tổ hợp, thay vì 3 môn thì có thể lên 4 môn. Năm 2024 có khoảng 20 phương thức, năm nay cơ bản vẫn giữ ổn định như xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, điểm tốt nghiệp THPT...
Cũng theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, năm 2025 ĐH Duy Tân xét gần 9.000 chỉ tiêu với 54 ngành, gần 100 chuyên ngành với các phương thức điểm thi THPT, học bạ, đánh giá năng lực và kỳ thi V-SAT. Có thể trường sẽ bổ sung một số tổ hợp mới cho khối ngành kinh doanh quản lý như toán, lý, kinh tế pháp luật.
‘Không phải ngành nào ra trường cũng có việc làm’
Với Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, tiến sĩ Ngô Minh Hải cho hay năm 2025 trường giữ ổn định các phương thức. Hiện trường có 37 ngành, trong đó luật thương mại quốc tế, kinh tế số là ngành mới. Ngoài ra, trường dự kiến mở ngành AI và dữ liệu lớn.
Tiến sĩ Bùi Văn Thời thông tin khối ngành kinh tế của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có 9 ngành, năm nay có thêm ngành mới là kinh tế số. Phương thức xét tuyển gồm: điểm thi THPT, học bạ, điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng. Năm nay trường bổ sung tổ hợp mới như C01 (toán, văn, lý), C04 (toán, văn, địa lý) và C14 (toán, văn, giáo dục kinh tế và pháp luật).
Các yếu tố tăng cơ hội việc làm
Bạn đọc đặt câu hỏi: ''Em dự định xét tuyển ngành thương mại điện tử, liệu sau 4 năm khi em tốt nghiệp ngành này còn “hot” như hiện nay không? Nếu học tại ĐH Duy Tân thì bằng tốt nghiệp của em sau khi trường trở thành đại học có gì khác so với trước đây?''.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải giải đáp: Ngành thương mại điện tử là sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khi thế giới bị đại dịch Covid-19 tổng doanh thu qua sàn thương mại điện tử tăng 77%. Ngày nay mua bán online đã trở thành thói quen. Năm 2024 tổng doanh số trên sàn thương mại điện tử là gần 730 tỉ USD. Đây là ngành học có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Bằng tốt nghiệp sẽ do Giám đốc ĐH Duy Tân ký trong khi trước đây là hiệu trưởng ký.
Một thí sinh đặt câu hỏi: ''Em muốn được làm công việc mà sau này có cơ hội giao thương quốc tế nhiều nên dự kiến chọn ngành kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên quan sát điểm chuẩn ngành này ở các trường năm trước khá cao, em nên có chiến thuật lựa chọn phương thức và trường ra sao để tăng khả năng trúng tuyển? Ngành này thì chắc phải rất giỏi ngoại ngữ mới phù hợp phải không ạ?''.
Tiến sĩ Ngô Minh Hải cho hay xu thế các trường đào tạo song ngành, liên ngành. Về ngành kinh doanh quốc tế, gồm kinh doanh và quốc tế nên các em học những điều cơ bản về kinh doanh vận hành. Trong lộ trình học tập,sinh viên được học thông qua thực hành, cố vấn từ thầy cô, trải nghiệm trong doanh nghiệp và trong môi trường quốc tế… là những ưu thế của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM khi đào tạo ngành kinh doanh quốc tế.
''Em đọc thông tin thấy Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có nhiều ngành khác nhau về quản trị kinh doanh, như: quản trị kinh doanh (quản trị doanh nghiệp và công nghệ), quản trị kinh doanh (kinh doanh sáng tạo), quản trị kinh doanh thực phẩm… Các ngành này khác nhau ra sao, em nên chọn ngành nào để có cơ hội'', một thí sinh đặt câu hỏi.
Tiến sĩ Bùi Văn Thời giải đáp chuyên ngành quản trị doanh nghiệp và công nghệ chú trọng đào tạo kiến thức kinh doanh, quản lý và biết ứng dụng công nghệ để xây dựng chiến lược về kinh doanh, chuyển đổi số, ứng dụng AI trong kinh doanh, quản lý doanh nghiệp. Chuyên ngành kinh doanh sáng tạo đào tạo kiến thức kinh doanh và chú trọng sự sáng tạo đặc biệt công nghiệp sáng tạo như xây dựng phát triển phim ảnh, trò chơi điện tử, truyền thông sáng tạo, công nghệ thời trang...
Bạn đọc có thể xem lại phần 1 của chương trình TẠI ĐÂY