Thi tốt nghiệp THPT: Đừng để thí sinh chọn môn vì 'dễ thi, dễ đỗ'

NHIỀU LÝ DO HỌC SINH CHỌN MÔN THI KHOA HỌC XÃ HỘI TĂNG

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo xác định mục tiêu đối với giáo dục phổ thông là: "Bảo đảm cho học sinh (HS) có trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng".

Cấp THPT là cấp định hướng nghề nghiệp, HS được chọn môn học và thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, HS chọn môn học và thi không đúng với định hướng nghề nghiệp của mình, tạo ra xu hướng có thể ngược với nhu cầu của nguồn nhân lực. Trong 8 năm qua (2017 - 2024), HS chọn tổ hợp khoa học xã hội ngày càng tăng. Năm 2024, tỷ lệ HS chọn tổ hợp khoa học xã hội cao nhất với 63%, chỉ 37% chọn khoa học tự nhiên. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực về khoa học, công nghệ, kỹ thuật ngày càng tăng.

Thi tốt nghiệp THPT: Đừng để thí sinh chọn môn vì 'dễ thi, dễ đỗ'- Ảnh 1.

Thí sinh làm thủ tục dự thi tổ hợp môn khoa học xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Những năm gần đây số thí sinh chọn tổ hợp này ngày càng tăng

ẢNH: NHẬT THỊNH

Trước hết, đó là vì các môn thuộc khoa học xã hội dễ học, dễ thi đạt điểm cao. Tổng trung bình điểm thi hằng năm của 3 môn sử, địa, giáo dục công dân luôn cao hơn tổng trung bình điểm thi của 3 môn lý, hóa, sinh.

Kế đến, theo một số hiệu trưởng THPT ở các huyện miền núi, do chất lượng đầu vào thấp nên nhà trường phải hướng HS chọn khoa học xã hội để học và ôn thi ngay từ lớp 10. Chỉ một số rất ít HS giỏi tự nhiên mới chọn tổ hợp khoa học tự nhiên.

Bình quân tỷ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước cao (xấp xỉ 99%) tạo ra áp lực cho các trường vùng khó khăn. Có trường đạt tỷ lệ này 80 - 90%, nhưng vẫn được đánh giá thấp so với mặt bằng, nên buộc nhà trường phải tổ chức dạy và học hướng mục tiêu tăng tỷ lệ tốt nghiệp.

Theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ở cấp THPT, các môn học bắt buộc nghiêng lại về xã hội và nhân văn. Cụ thể, có 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và giáo dục địa phương. Trong đó, chỉ có toán thuộc tự nhiên, còn các môn và hoạt động giáo dục thuộc về xã hội và nhân văn.

Với thiết kế chương trình giáo dục nghiêng về xã hội và nhân văn, HS chọn các môn khoa học xã hội để học và thi là dễ hiểu. Thực tế 3 năm qua, theo Hiệp hội Các trường ĐH và CĐ, hiện nay có một số tỉnh, số HS chọn nhóm môn lý, hóa, sinh chỉ chiếm 11 - 15%.

Số ngành liên quan đến khoa học xã hội những năm gần đây tăng, gồm các nhóm ngành như: truyền thông báo chí, luật, sư phạm, văn hóa, du lịch, công an, quân đội, tâm lý học... Thậm chí một số trường kỹ thuật cũng chọn các tổ hợp có các môn sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật. Đây cũng là lý do số HS chọn học và thi các môn khoa học xã hội tăng.

Tuy nhiên, một số địa phương có kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu nhân lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế tăng… có thể tác động đến việc số HS chọn các môn khoa học tự nhiên để học và thi cao. TP.HCM là một minh chứng. Năm 2024, tỷ lệ HS TP.HCM chọn tổ hợp khoa học tự nhiên là gần 61%, cao nhất cả nước.

CÂN ĐỐI MÔN THI PHÙ HỢP NHU CẦU NHÂN LỰC

Thực tế nhu cầu lao động của xã hội rất đa dạng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong kỷ nguyên vươn mình đòi hỏi ngày càng nhiều nhân lực các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, dịch vụ, bên cạnh các ngành xã hội và nhân văn.

Tuy nhiên, cấu trúc phân hóa HS theo 2 nhóm khoa học tự nhiên - kỹ thuật và khoa học xã hội - nhân văn là quá rộng, cần phải phân chia nhiều nhóm hơn. Ví dụ, nhóm các môn toán - lý - hóa - sinh - tin học - công nghệ nên chia thành nhiều nhóm nhỏ như: toán - lý - hóa, lý - hóa - sinh, toán - tin học - lý, toán - lý - công nghệ…

Thi tốt nghiệp THPT: Đừng để thí sinh chọn môn vì 'dễ thi, dễ đỗ'- Ảnh 2.

Học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với nhiều đổi mới

ảnh; đào ngọc thạch

Để khắc phục những hạn chế nói trên, cần tái cấu trúc chương trình giáo dục phổ thông cho phù hợp hơn với mục tiêu hướng nghiệp.

Ở cấp THPT nên phân chia HS theo 3 luồng chính: luồng thứ nhất phổ thông sẽ học và thi tốt nghiệp THPT; luồng thứ hai theo hướng nghề nghiệp cụ thể, như y tế, kỹ thuật, nghệ thuật, quản trị kinh doanh, khoa học xã hội, ngoại ngữ, trồng trọt… được thực hiện tại các trường trung học nghề hoặc kỹ thuật (HS học các trường trung học nghề và trung học kỹ thuật vừa học văn hóa THPT vừa học nghề, tốt nghiệp sẽ cấp bằng "trung học nghề" tương đương THPT, có thể học lên CĐ và ĐH); luồng thứ ba theo hướng lao động trực tiếp, nhưng cần được đào tạo sơ cấp nghề. Mô hình trung học nghề/trung học kỹ thuật đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia và có sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp, giúp HS vừa học lý thuyết, vừa tích lũy kinh nghiệm thực tế.

Cần đào tạo đội ngũ GV tư vấn hướng nghiệp chuyên nghiệp. Các trường ĐH sư phạm ngoài đào tạo đội ngũ GV hướng nghiệp chuyên nghiệp còn cần giảng dạy môn trải nghiệm hướng nghiệp cho tất cả sinh viên sư phạm, kể cả sư phạm tiểu học. Đội ngũ GV tư vấn hướng nghiệp có thể từ trường công lập, tư thục hay các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác và có sự tham gia của doanh nghiệp. Sớm cho HS THCS trải nghiệm hướng nghiệp tại doanh nghiệp và ở các trường ĐH, CĐ, giúp các em có điều kiện tiếp cận nghề nghiệp để học và làm việc sớm.

Việc chuyển giao giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD-ĐT là một thuận lợi, cơ hội để sắp xếp, phân luồng HS các cấp học một cách khoa học, hợp lý và phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao