Mỹ 'nới cửa' cho du học sinh ở lại làm việc, Úc có ĐH thứ 44

Mỹ 'nới cửa' cho du học sinh ở lại làm việc, Úc có ĐH thứ 44- Ảnh 1.

Sinh viên tại ĐH Harvard hàng đầu nước Mỹ

ẢNH: HARVARD UNIVERSITY

Du học sinh ở Mỹ được lợi, vì sao?

Từ ngày 17.1 tới, du học sinh sẽ có nhiều khả năng ứng tuyển visa H-1B hơn trước nhờ quy định mới từ chính quyền tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Cụ thể, trước đây sinh viên quốc tế chỉ có vài tháng để chuyển tiếp từ visa du học F-1 qua visa làm việc H-1B, nếu không sẽ phải rời khỏi Mỹ. Còn sắp tới, thời gian chờ sẽ được kéo dài thêm 6 tháng, theo tin từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ.

Điều này giúp tạo thêm cơ hội cho những sinh viên quốc tế vừa tốt nghiệp hay vừa hoàn thành chương trình thực tập không bắt buộc (OPT) được ở lại xứ sở cờ hoa làm tiếp mà không bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, quy định mới cũng cho phép nhà tuyển dụng xin visa H-1B cho nhân viên vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, thay vì chỉ vào ngày 1.10 như trước đây. Đồng thời quy định mới cũng cho phép các tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận hoặc trực thuộc chính phủ tăng thêm cơ hội xin visa H-1B cho các nhà khoa học từ nước ngoài, tờ Study Travel phân tích.

H-1B là loại visa cho phép cho phép đương đơn được ở lại làm việc tại Mỹ trong khoảng thời gian nhất định, dành cho người nước ngoài có kỹ năng chuyên môn ở một số ngành nghề. Đây là một trong những loại visa cạnh tranh nhất trong hệ thống nhập cư Mỹ, với 85.000 visa được cấp trong số 400.000 đơn xin ở năm 2024. Tesla, Google, Amazon là những doanh nghiệp bảo lãnh visa H-1B hàng đầu, tờ The PIE News thông tin.

Trước đó vào đầu tháng 12.2024, Bộ Ngoại giao Mỹ đã loại bỏ yêu cầu phải về quê nhà cư trú ít nhất hai năm với những ai có visa J-1 từ 37 quốc gia, giúp nhóm này có thể ở lại Mỹ dễ hơn qua các con đường nhập cư khác. Song, quy định này không áp dụng cho tất cả bởi nếu tham gia chương trình do chính phủ tài trợ (như học bổng Fulbright) hoặc chương trình đào tạo y khoa sau ĐH, ứng viên vẫn buộc phải về nước hai năm.

Úc chính thức có 44 trường ĐH

Truyền thông Úc mới đây cũng đưa tin, trường CĐ Thần học Úc (Australian College of Theology-ACT) sẽ được đăng ký trong danh mục "ĐH Úc" của Cơ quan Tiêu chuẩn và chất lượng giáo dục ĐH (TEQSA), chính thức trở thành trường ĐH thứ 44 của quốc gia này. Đây là một "cuộc chiến khó khăn" do quá trình kháng cáo kéo dài và tốn kém với TEQSA, tờ The Koala News nhận định.

Hiện, ACT có 3% người học là sinh viên quốc tế. Trường đào tạo các khóa về thần học, mục vụ và nghiên cứu Cơ Đốc giáo. Vào năm 2022, trường có 2.734 sinh viên trong đó có 69 sinh viên quốc tế. Và theo Chỉ thị 111 do chính phủ Úc mới ban hành, trường dự kiến được tuyển mới thêm 15 sinh viên quốc tế vào năm 2025.

Nếu chưa kể ACT, Úc có 43 trường đại học được chính phủ công nhận, trong đó có 40 trường công lập, 2 trường quốc tế và 1 trường tư.

Mỹ 'nới cửa' cho du học sinh ở lại làm việc, Úc có ĐH thứ 44- Ảnh 2.

Học sinh, sinh viên Việt Nam tìm hiểu cơ hội du học Malaysia trong một sự kiện do chính phủ nước này tổ chức tại TP.HCM vào năm 2024

ẢNH: NGỌC LONG

Liên quan đến cơ hội du học, một quốc gia du học mới nổi là Malaysia hôm 9.1 cho biết sẽ triển khai một hệ thống chung mới để đơn giản hóa việc nhập học với sinh viên quốc tế. Thông tin do ông Datuk Seri Zambry Abdul Kadir, Bộ trưởng Giáo dục ĐH Malaysia, nêu trong bài phát biểu tại ĐH Công nghệ Malaysia và được xem là một trong 10 trọng tâm trong giáo dục ĐH mà Malaysia hướng tới trong năm 2025, theo tờ Malay Mall.

"Hệ thống này sẽ sử dụng các thuật toán tiên tiến và công nghệ blockchain để xác minh ngay lập tức các bằng cấp và chứng chỉ mà sinh viên quốc tế nộp lên", ông Zambry nói, cho biết thêm cũng sẽ hợp tác với quốc gia của ứng viên để đảm bảo quá trình nhập học diễn ra suôn sẻ, an toàn. Đồng thời, ông cũng cho rằng quy trình tuyển sinh vốn còn kéo dài có thể được thực hiện hiệu quả hơn.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao