Trong đó có lưu ý: "Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh (HS) những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng trong thực tiễn. Từ năm học 2024 - 2025, có 3 hình thức tổ chức dạy học STEM trong trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố, bao gồm: Dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; Tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM; Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Giáo viên (GV) thiết kế các bài học STEM để triển khai trong quá trình dạy học các môn học thuộc chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo hướng tiếp cận tích hợp nội môn hoặc tích hợp liên môn".
Trước hướng dẫn này của Sở GD-ĐT TP.HCM, nhiều GV đã nhiệt tình kiến tạo các tiết giảng ấn tượng theo phương pháp giáo dục STEM. Trong đó có môn ngữ văn, bộ môn được xem là... khó có chất STEM nhất.
Vừa qua, thầy Trần Ngọc Tuấn và thầy Lại Phát Tài (GV môn ngữ văn Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) đã có buổi thao giảng theo định hướng giáo dục STEM và để lại nhiều xúc cảm cho thầy cô và HS. Buổi học có sự tích hợp nhiều hoạt động với nội dung là: Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu; Báo cáo sản phẩm STEM (thuộc dạng văn bản thông tin, và về chủ đề di sản văn hóa VN).
Thầy Trần Ngọc Tuấn cho biết: "Mục tiêu của bài học là giúp HS hiểu được đặc trưng của văn bản thông tin, biết vận dụng kiến thức bài học để tạo được một văn bản gắn liền với một sản phẩm STEM có tính ứng dụng trong đời sống hằng ngày. Bên cạnh đó, HS cũng biết kết hợp kiến thức liên môn (tin học, mỹ thuật, vật lý, văn hóa, y học, tâm lý học...) trong việc học ngữ văn. Qua bài học này, HS có thêm tình yêu mến và ý thức giữ gìn vẻ đẹp của di sản văn hóa dân tộc".
Buổi báo cáo chia thành nhiều hoạt động, vừa kết hợp trình diễn các hoạt cảnh vừa báo cáo sản phẩm STEM, như: Báo cáo tìm hiểu về kinh thành Huế, kết hợp trình bày sản phẩm cẩm nang di sản VN, thiệp 3D về di sản VN, mô hình sản phẩm Chùa Một Cột; báo cáo sản phẩm lịch để bàn, lịch treo tường tứ bình, vở tập vẽ cho bé về những nét đẹp văn hóa Việt; Thuyết trình chuyên đề nghiên cứu "Tác động của tin xấu, tin tốt"... Cũng trong buổi báo cáo, thầy cô và HS còn thích thú bởi hoạt cảnh trò chơi "Game Shark Tank Việt Nam". Trong đó kết hợp giới thiệu sản phẩm STEM tranh Đông Hồ qua các vật dụng hằng ngày như nón lá, tập học trò, móc khóa, bao lì xì, túi xách...
Cô Phan Thị Tâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh, nhận xét: "Các GV đã đem đến một buổi học môn văn rất là thú vị, sáng tạo, với rất nhiều sản phẩm ý nghĩa...".