Những lễ hội tết truyền thống, các trò chơi dân gian, cách thực hiện các món ăn truyền thống, ý nghĩa của từng phong tục… thật ra các em có thể đọc được trong các tài liệu, trên internet, thậm chí được nhìn, nghe qua các ứng dụng công nghệ. Nhưng khi thực hiện ngoài đời thật sẽ vỡ ra nhiều lẽ. Với học sinh (HS) mầm non, tiểu học, đó là những trải nghiệm thực tế đáng nhớ. HS từ cấp THCS, THPT không tham gia thụ động mà cùng thầy cô kiến tạo nên các hoạt động. Thông qua những sự kiện này, các em học được cách tổ chức, làm việc nhóm và rất nhiều kỹ năng khác mà không dễ gì một môn học, bài giảng nào trong lớp học có thể thực hiện được.
Tiếp xúc với nhiều học sinh THPT, nhận thấy điều mà các em tự hào đã học được trong 3 năm THPT không phải là kiến thức (vì đó là điều hiển nhiên) mà chính là sự trưởng thành, vốn hiểu biết, kinh nghiệm, kỹ năng… thông qua hoạt động từ các câu lạc bộ, đội nhóm ngoài giờ học. Những năm gần đây chúng ta không còn xa lạ với những chương trình văn nghệ, gala quy mô lớn không thua kém các sự kiện chuyên nghiệp do chính HS thực hiện mọi khâu. Để có một chương trình như thế, bao nhiêu điều các em phải vượt qua, rất nhiều thứ để các em học hỏi và trưởng thành.
Với giáo viên, nếu biết tận dụng thì những hoạt động như thế này ngoài lớp học sẽ là những kiến thức thực tế để dạy HS. Không chỉ các môn xã hội như văn, sử, địa, kinh tế, pháp luật mà kể cả toán, lý, hóa, sinh… đều có thể rút ra những kiến thức, bài học từ các hoạt động thực tiễn. Khi ấy, kiến thức sẽ đến với HS một cách nhẹ nhàng, dễ nhớ và thấm sâu.
Điều này càng phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang thực hiện trong 5 năm qua, khi mục tiêu hướng đến không còn đặt nặng kiến thức mà chú trọng kỹ năng. Từ sự thay đổi trong dạy học đã dẫn đến đổi mới trong kiểm tra, đánh giá khi đề thi không còn tập trung vào những vấn đề hàn lâm, sách vở mà hướng đến thực tiễn. Chính vì vậy, nhiều giáo viên, khi hướng dẫn HS ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 lần đầu thực hiện theo chương trình mới, đã khuyên: Thay vì học tủ, đoán đề hoặc thuộc lòng các kiến thức hàn lâm thì năm nay HS cần phải thay đổi tư duy học để hiểu và vận dụng qua những câu hỏi về thí nghiệm gắn với bối cảnh thực tiễn…
Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành người bạn đồng hành của HS, sinh viên giống như một thời với công cụ tìm kiếm của Google. Giáo viên bây giờ dù muốn hay không phải chấp nhận thực tế là HS sử dụng AI để giải bài tập, làm nghiên cứu…
Dạy cho HS những gì trong bối cảnh hầu hết mọi kiến thức, bài giải trong sách vở đều có thể tra cứu được thông qua AI là điều cực kỳ quan trọng. Những bài học từ cuộc sống, những va chạm, cảm xúc thật trong thực tế, những kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề ở một thế giới VUCA (Volatility - Uncertainty - Complexity - Ambiguity, tức biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ), có lẽ là điều những nhà giáo dục cần nghĩ tới.