Tham gia đề án, sinh viên cần có trình độ tiếng Anh IELTS từ 6.0
ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH) vừa chính thức ban hành và triển khai Chương trình đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành tài chính-ngân hàng. Đây là đề án thành phần thứ 5, đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành tài chính-ngân hàng, thuộc Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) giai đoạn 2020-2035 và xây dựng ĐH chia sẻ của UBND TP.HCM.
Đối tượng được tuyển chọn tham gia chương trình là sinh viên ĐH chính quy tập trung đã trúng tuyển vào UEH năm 2024 (khóa 50) thuộc các lớp: tài chính, tài chính quốc tế, đầu tư tài chính. Các sinh viên tự nguyện đăng ký tham gia thí điểm đào tạo, có trình độ tiếng Anh IELTS 6.0 trở lên hoặc chứng chỉ khác tương đương. Sinh viên cam kết hoàn thành khóa học, thực hiện các nghĩa vụ về thời gian làm việc, thực tập với vị trí phù hợp lĩnh vực chuyên môn, trong trường hợp nhận học bổng tương ứng từ nhà tài trợ.
Số lượng tuyển chọn từ 30-40 sinh viên, xét theo kết quả tuyển sinh đầu vào khóa 50, từ cao tới thấp trong trường hợp có nhiều sinh viên đăng ký. Thời gian đào tạo kéo dài 3,5 năm, gồm 124 tín chỉ với học phí toàn khóa 202 - 210 triệu đồng. Chương trình học bằng tiếng Anh (trừ các môn triết học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh). Số môn học do giảng viên nước ngoài phụ trách tối đa 10 môn.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên sẽ được UEH cấp bằng cử nhân tài chính-ngân hàng (chương trình đào tạo nhân lực trình độ quốc tế). Đồng thời, người học có cơ hội nhận bằng thứ hai do ĐH nước ngoài cấp trên cơ sở công nhận chương trình đào tạo quốc tế của UEH nếu đáp ứng các yêu cầu và chuẩn đầu ra tương ứng.
Là một trong 9 đề án được TP.HCM đặt hàng
Trước đó, năm 2021, UBND TP.HCM ban hành quyết định phê duyệt Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế cho 8 ngành giai đoạn 2020-2035 và xây dựng ĐH chia sẻ. Trong đó, đề án thành phần 5 đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành tài chính-ngân hàng được UBND TP.HCM triển khai cho ĐH Kinh tế TP.HCM.
Mục tiêu của đề án thành phần này là thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo và đề xuất tổ chức thực hiện đào tạo nhân lực trình độ quốc tế đối với ngành tài chính-ngân hàng giai đoạn 2021-2035. Qua đó, góp phần phát triển lực lượng lao động chất lượng cao, tạo ra lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong quá trình hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu; góp phần đổi mới toàn diện giáo dục, đáp ứng xu thế toàn cầu hóa lực lượng lao động.
Ngoài đề án thành phần số 5 trên, nhiều trường ĐH khác cũng tham gia thực hiện các đề án thành phần thuộc Đề án tổng thể của TP.HCM. Cụ thể gồm: Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đề án thành phần 1 đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành công nghệ thông tin-truyền thông; Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đề án thành phần 2 đào tạo nhân lực quốc tế ngành cơ khí-tự động hóa; Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đề án thành phần 3 đào tạo nhân lực quốc tế ngành trí tuệ nhân tạo; ĐH Kinh tế TP.HCM đề án thành phần 4 đào tạo nhân lực quốc tế ngành quản trị doanh nghiệp; Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đề án thành phần 6 đào tạo nhân lực quốc tế ngành y tế; Trường ĐH Sài Gòn đề án thành phần 7 đào tạo nhân lực quốc tế ngành du lịch; Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đề án thành phần 8 đào tạo nhân lực quốc tế ngành quản lý đô thị; Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) đề án thành phần 9 về ĐH chia sẻ.
Các đề án thành phần đã được TP.HCM đặt hàng các cơ sở giáo dục ĐH nghiên cứu xây dựng theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Đến nay, 6 đề án thành phần được nghiệm thu, 2 đề án đang nghiên cứu sẽ nghiệm thu trong năm 2025 và 1 đề án đang thẩm định giao nhiệm vụ. Để triển khai thực hiện đề án đã nghiệm thu, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch tổ chức thí điểm đào tạo với đề án thành phần số 1, 3, 5 và 8. Trong số đó, đề án thành phần số 5 vừa được ĐH Kinh tế TP.HCM triển khai thực hiện.