Tôi tâm đắc với quan điểm này. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, trong nhà trường chỉ dạy học chính khóa, hoạt động ngoại khóa; hầu như không trường nào tổ chức dạy thêm, học thêm. Người học muốn học thêm thì đến các trung tâm ngoài nhà trường. Lúc học cấp 2 tại Trường Trung học kiểu mẫu (Thừa Thiên-Huế), tôi có đi học thêm tại một trung tâm dạy thêm miễn phí, giáo viên dạy toán là thầy Võ Đại Mau, sau này thầy chuyển công tác vào TP.HCM.
Dạy thêm, học thêm do các trung tâm ngoài nhà trường tổ chức
Trường học cần tập trung dạy theo chương trình các môn học, khi cần thì tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng cho học trò. Các em đến trường - học lễ, học văn. Dạy thêm, học thêm do các trung tâm ngoài nhà trường tổ chức, tuân thủ quy định của pháp luật. Nơi vùng sâu, vùng xa, nhà trường cùng lãnh đạo địa phương xem xét, có cách tổ chức phù hợp đáp ứng nhu cầu học tập, học tập tốt của học sinh.
Có thể một bộ phận giáo viên bị ảnh hưởng, như, thầy cô có uy tín, được nhiều học sinh chọn học thêm, bây giờ vướng "không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công giảng dạy theo kế hoạch giáo dục của nhà trường". Tuy nhiên nếu giáo viên dạy tốt, tiếng lành đồn xa, học sinh các lớp khác, trường khác sẽ xin theo học.
Bám sát chương trình, kiểm tra đừng "hỏi xoáy"
Khi xây dựng kế hoạch giáo dục, ban giám hiệu, giáo viên căn cứ chương trình môn học. Đó còn là cơ sở đánh giá học sinh qua kiểm tra, thi cử. Làm chắc, làm đúng thì làm gì có cảnh "ngày đêm dạy thêm, học thêm". Ví dụ, nội dung sóng điện từ (vật lý lớp 11), yêu cầu cần đạt là, "(1) Nêu được trong chân không, tất cả các sóng điện từ đều truyền với cùng tốc độ; (2) Liệt kê được bậc độ lớn bước sóng của các bức xạ chủ yếu trong thang sóng điện từ".
Bám sát chương trình sẽ dạy và học nhẹ nhàng. Chỉ là, có thầy cô lúc kiểm tra "hỏi xoáy", dùng "chiêu lạ" lúc kiểm tra nên trò thấy "thiếu" phải chạy đôn, chạy đáo học thêm. Thực tế các trường chất lượng cao thì việc dạy thêm, học thêm càng căng thẳng. Với "danh" chất lượng cao, không ít thầy cô đẩy kiến thức đi xa quá, nặng "diễn". Thiết nghĩ, sân chơi học sinh giỏi thì tố chất - đam mê - tự học của học trò là quyết định.
Giáo viên nên chia sẻ bài viết trên một vài nền tảng số để học sinh, phụ huynh (và cả đồng nghiệp) đều được tiếp cận mọi nơi, mọi lúc thay vì tìm chỗ học thêm.
Xử phạt các hành vi vi phạm, khắc phục bất cập của chương trình mới
Ngành giáo dục cần tham mưu Chính phủ ban hành nghị định xử phạt các hành vi vi phạm. Quy định mức phạt, hành vi tương ứng. Cùng với đó, tuyên truyền, động viên, khen thưởng giáo viên, trường học thực hiện đúng quy định dạy thêm, học thêm. Phụ huynh học sinh đồng tâm, hiệp lực chấn chỉnh tiêu cực trong dạy thêm, học thêm; hiệu trưởng có chương trình hành động...
Bộ GD-ĐT hãy tiếp thu ý kiến đóng góp, nhanh chóng hoàn thiện Thông tư 29 để thông tư này vừa là "cây gậy" vừa là "củ cà rốt" khi thẩm thấu đến cơ sở giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh…
Bộ GD-ĐT nhanh chóng khắc phục bất cập của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; hạn chế trong quá trình triển khai, khiếm khuyết khi xã hội hóa sách giáo khoa, tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá...
Vì ngày mai trường học không có dạy thêm, học thêm là mệnh lệnh khi giáo dục cùng đất nước đón vận hội mới.
"Bài toán" kinh phí ôn tập cho học sinh
Mới đây Sở GD-ĐT Lâm Đồng ban hành Kế hoạch 07/KH-SGDĐT, trong đó có nội dung triển khai công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Sở này yêu cầu nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12".
Hoan nghênh Sở GD-ĐT Lâm Đồng. Tuy nhiên, mục kinh phí thực hiện "theo các quy định hiện hành của Nhà nước" có gây khó cho cơ sở không? Hằng năm để có khoản chi này, hầu hết các trường đều vận động từ phụ huynh. Từ 14.2.2025, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực thi hành thì hiệu trưởng làm sao "xã hội hóa" để có kinh phí chi trả cho ôn tập thi tốt nghiệp THPT? Đây là "bài toán" khó cho các trường.