Sau một thời gian tiếp thu các ý kiến đóng góp rộng rãi của người dân, đại biểu Quốc hội, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về xóa bỏ tư duy "quản không được thì cấm" trong xây dựng pháp luật, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT) kế thừa và cải tiến các quy định quản lý DTHT trước đây.
Bộ GD-ĐT không cấm giáo viên (GV) dạy thêm, nhưng phải dạy thêm ở trong trường, ngoài trường đúng quy định, đúng đối tượng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực và để công bằng hơn. Chẳng hạn, trước đây có nhiều GV dạy thêm thu nhập vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng nhưng không hề đóng một đồng thuế nào là không công bằng với các ngành nghề khác.
Để việc quản lý DTHT hiệu quả, đúng quy định, trước hết cần thay đổi nhận thức nhiều phía, từ nhà trường, các trung tâm dạy thêm, GV, phụ huynh và toàn xã hội. Song song với đó, nhà nước sớm ban hành các chính sách đối với nhà giáo, trong đó có luật Nhà giáo nhằm ngày càng nâng cao vị thế, uy tín, thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, để họ yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
KHẲNG ĐỊNH QUAN ĐIỂM KHÔNG DẠY THÊM VỚI HỌC SINH TIỂU HỌC
Tại khoản 2, Điều 4, Thông tư số 17/2012/TT ngày 16.5.2012 quy định về DTHT (Thông tư 17), quy định: "Không dạy thêm đối với học sinh (HS) tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống". Với quy định này, nhà trường, các trung tâm dạy thêm và GV, phụ huynh không được tổ chức hay tham gia dạy thêm các môn học đối với HS tiểu học.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua việc DTHT đối với HS tiểu học đã trở nên phổ biến. Tình trạng này đã gây ra nhiều hệ lụy: HS sau khi học buổi thứ 2 ở trường phải tiếp tục đến nhà thầy cô để học (mỗi tuần 2-3 buổi), ảnh hưởng đến sức khỏe; thầy cô do dạy thêm vào buổi tối (có khi đến 6 buổi/tuần) nên không còn nhiều thời gian chuẩn bị cho chuyên môn, bài vở; phụ huynh mất thời gian đưa đón HS và tốn thêm khoản chi phí...
Với Thông tư 29 ban hành cuối tháng 12.2024, một lần nữa khẳng định: "Không tổ chức dạy thêm đối với HS tiểu học". Để quan điểm không dạy thêm đối với HS tiểu học trở thành hiện thực, thống nhất và xuyên suốt, thì nhà trường, các trung tâm dạy thêm, GV, phụ huynh và toàn xã hội phải đồng lòng, đồng sức không để DTHT các môn học diễn ra đối với HS tiểu học. Nhà trường đảm bảo chất lượng chung để phụ huynh yên tâm.
Việc không được dạy thêm đối với HS tiểu học sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của một bộ phận GV, nhất là đối với GV mới ra trường lương còn thấp. Vì vậy, đối với GV tiểu học, ngoài chính sách chung đối với nhà giáo, cần tăng thêm phụ cấp đứng lớp để GV có thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình.
KHÔNG DẠY THÊM CÓ THU TIỀN VỚI HS CHÍNH KHÓA: NGUY CƠ LÁCH QUY CHẾ
Quy định GV không được dạy thêm ngoài trường học đối với HS mà GV đó đang dạy trên lớp cũng đã được quy định tại Thông tư 17, nhưng chưa được chặt chẽ, dẫn đến bị GV lợi dụng, khi quy định GV có thể dạy HS đang dạy trên lớp nếu được sự đồng ý của hiệu trưởng. Đây là chỗ hở để GV lách quy chế, khi họ được phòng GD-ĐT hoặc sở GD-ĐT cấp giấy phép dạy thêm trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng. Điều này đồng nghĩa hiệu trưởng đồng ý cho GV dạy thêm với HS mà GV đang dạy trên lớp. Đây chính là nguyên nhân trong thời gian vừa qua gia tăng việc GV THCS và THPT tổ chức dạy thêm ở nhà hay thuê địa điểm. Cùng với đó, việc xét tuyển THPT hay xét tuyển ĐH bằng điểm học bạ cũng làm gia tăng tình trạng DTHT, HS vừa học nâng cao kiến thức, vừa để kiếm điểm cao.
Tại Thông tư 29, vấn đề này đã được sửa đổi theo hướng "GV đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của HS đối với HS mà GV đó đang được nhà trường phân công dạy học". Với quy định này, nhiều người cho rằng mang tính nhân văn, làm trong sáng thêm hình ảnh người thầy. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng đây là điều phi thực tế, vì trong một lớp dạy thêm ở nhà hiện nay có tới 80-90% là HS đang học trên lớp, nếu không thu tiền thì không đủ chi phí cho lớp học; còn dạy thêm tại các trung tâm, thu nhập GV sẽ giảm và không phải người nào cũng được hợp đồng giảng dạy.
Thực tế ở các vùng nông thôn, các thị trấn trung tâm huyện không có điều kiện để mở các trung tâm dạy thêm, trong khi HS có nhu cầu học thêm. Vì vậy, thay vì GV trực tiếp mở lớp dạy thêm ở nhà như trước đây, họ có thể cho người thân đứng tên mở trung tâm dạy thêm có giấy phép kinh doanh, rồi hợp đồng với nhiều GV khác cùng dạy thêm, có thu học phí với tất cả HS, theo kiểu "bình mới, rượu cũ".
Bên cạnh đó, Thông tư số 29 không có quy định đối với việc dạy thêm trực tuyến, mà hiện nay nhiều HS đang học trực tuyến với một công ty luyện thi hoặc với GV dạy trực tuyến qua mạng. Cần phải có quy định rõ hơn về dạy thêm bằng hình thức trực tuyến.
HỌC SINH XẾP LOẠI ĐẠT, KHÁ VÀ TỐT HỌC THÊM Ở ĐÂU ?
Việc quy định dạy thêm trong trường học chỉ thực hiện đối với 3 nhóm đối tượng, đó là: những HS xếp loại học tập chưa đạt ở học kỳ liền kề; HS tham gia bồi dưỡng HS giỏi; và HS cuối cấp ôn thi lớp 10, thi tốt nghiệp. Dạy thêm trong những trường hợp này không thu tiền HS và là trách nhiệm của nhà trường, được đưa vào kế hoạch giáo dục đầu năm. Vấn đề này thực tế nhiều trường đã thực hiện. Trong đó, với 2 đối tượng đầu hoàn toàn không thu học phí, còn nhóm đối tượng thứ ba, các trường không thu học phí nhưng phụ huynh cuối cấp hỗ trợ thông qua quỹ phụ huynh đầu năm. Việc ôn thi này chỉ nhằm đảm bảo ở mức cơ bản để đỗ tốt nghiệp, còn HS muốn học nâng cao để thi vào các trường THPT, các trường ĐH tốp đầu phải học thêm ở bên ngoài.
Ngoài ra, những HS khác (xếp loại đạt, khá và tốt) học thêm ở đâu để cải thiện thành tích học tập? Nhóm đối tượng này sẽ có nhiều hướng, một là tự học, tự nghiên cứu tìm tòi, hai là học các lớp online và ba là học trực tiếp tại các trung tâm luyện thi. Điều này góp phần tăng cường năng lực tự học của HS và hạn chế tiêu cực về DTHT như trước đây.