Câu trả lời được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học tương lai: kinh tế - ngân hàng - luật" ngày 14.1. Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
CẦN NHIỀU NHÂN LỰC ĐỂ ĐÁP ỨNG CHO NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN
Chia sẻ trong chương trình, tiến sĩ Lê Văn Hà, giảng viên, điều phối viên ngành thạc sĩ tài chính - kinh tế Trường ĐH Việt Đức, cho biết đến năm 2045 VN định hướng trở thành một nước có thu nhập cao. Tham khảo cơ cấu ngành nghề của một nước phát triển trên thế giới, lĩnh vực kinh doanh quản lý cần tỷ lệ người có bằng ĐH chiếm 22 - 25% tổng số cơ cấu nhân lực; ngành luật chiếm 0,43% tổng lực lượng lao động toàn xã hội có bằng cử nhân.
Từ số liệu này, tiến sĩ Lê Văn Hà nhận định: "Trong những năm qua, tỷ lệ tuyển sinh ĐH khối ngành kinh doanh và quản lý của VN chiếm khoảng 24% tổng số thí sinh trúng tuyển, là tỷ lệ đảm bảo của một nền kinh tế phát triển. Trong thời gian tới, tỷ lệ này cần phải duy trì và tăng lên để có thể đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế". Trong khi đó, liên quan đến lĩnh vực pháp luật, tiến sĩ Lê Văn Hà cho biết VN hiện có trên 17.700 luật sư. Tham chiếu số này với các nước phát triển, có thể thấy lĩnh vực luật còn rất thiếu.
PGS-TS Phạm Hà, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết những năm gần đây, nền kinh tế VN có nhiều sự thay đổi lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến VN. Các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu rất lớn về nhân lực. Thông qua đó, các trường ĐH cũng xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu này. Trường ĐH Mở TP.HCM có số lượng thí sinh nộp hồ sơ các ngành này chiếm 1/3 tổng số thí sinh đăng ký vào trường.
Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chỉ ra nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực kinh tế bằng số liệu. Thạc sĩ Nhơn thông tin năm 2004, cả nước có 90.000 doanh nghiệp hoạt động nhưng 2024 có hơn 930.000 doanh nghiệp. Sự phát triển này kéo theo nhiều thay đổi trong đào tạo, đặc biệt là sự ra đời của nhiều ngành học mới bậc ĐH như công nghệ tài chính, kinh tế số…
NHỮNG LƯU Ý KHI CHỌN HỌC KINH TẾ
Về tố chất để theo học các ngành này, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân, cho biết: "Kiến thức toán là cần thiết để học các ngành kinh tế nhưng không đòi hỏi rất xuất sắc vì phần lớn ở dạng toán ứng dụng. Người học kinh tế cần kỹ năng giao tiếp. Ngoài ra, có 2 loại kiến thức bắt buộc với người học các ngành này gồm: ngoại ngữ và tin học".
Thạc sĩ Phạm Quang Trường, Phó khoa Kinh doanh và luật Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cũng cho rằng sinh viên không nhất thiết phải quá giỏi môn toán khi học các ngành liên quan kinh tế vì đây chỉ là một phần để tư duy. Có những môn học khác cần thiết như: ngoại ngữ, tin học... Bên cạnh đó, những bạn học luật thì cần trang bị kiến thức về lịch sử, văn, xã hội học.
Tiến sĩ Bùi Văn Thời, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng người học cần thêm 2 tố chất khác để thành công trong học tập và làm việc khối ngành này là khả năng ứng dụng công nghệ và tư duy phân tích, thu thập xử lý thông tin nhanh.
Định hướng thêm với thí sinh trong lựa chọn khối ngành này, thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, cho rằng nhóm ngành đang có nhiều tiềm năng và xu thế nhưng người học cần xem xét đến sở thích, năng lực bản thân. Liên quan vấn đề này, tiến sĩ Lê Văn Hà cho hay: "Để học tốt cần 2 điều kiện: chọn ngành mình yêu thích, phải thực sự có kế hoạch học tập một cách nghiêm túc".
NHIỀU TRƯỜNG XÉT MÔN GIÁO DỤC KINH TẾ VÀ PHÁP LUẬT
Năm 2025, phương thức tuyển sinh các trường không có nhiều thay đổi so với trước đó. Một trong những điểm mới đáng chú ý là các tổ hợp xét tuyển mới.
‘Phi thương bất phú’, làm sao để chọn ngành kinh tế phù hợp?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải lưu ý: "Năm nay các trường ĐH sẽ có nhiều tổ hợp môn mới trong xét tuyển ĐH. Trong đó, nhiều trường bổ sung môn giáo dục kinh tế và pháp luật trong tổ hợp xét tuyển các ngành kinh tế". Ví dụ tại ĐH Duy Tân, tiến sĩ Thanh Hải cho biết trường xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi V-SAT, xét học bạ. Tuy nhiên, trường dự kiến điều chỉnh tổ hợp môn xét tuyển, ví dụ các ngành kinh tế thay vì xét tổ hợp toán-lý-hóa như các năm trước, nay có thể là toán-lý-giáo dục kinh tế và pháp luật.
Tương tự, thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn cũng thông tin, năm 2025 Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến đào tạo 61 ngành, trong đó 23 ngành về kinh tế - luật - quản lý. Trường dự kiến xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ và điểm kỳ thi đánh giá năng lực. Riêng khối ngành kinh tế, quản trị và pháp luật, trường sử dụng 6 tổ hợp môn xét tuyển. Trong đó, toán-văn là 2 môn làm nền tảng. Ngoài ra, thí sinh có thể chọn một trong số các môn như: tiếng Anh, lý, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật…
Theo tiến sĩ Lê Văn Hà, năm 2025 Trường ĐH Mở TP.HCM có 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và kỳ thi V-SAT; điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT… Trường ĐH Việt Đức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi TestAs, xét học bạ, điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng. Riêng lĩnh vực kinh tế, ngoài 2 ngành quản trị kinh doanh và tài chính kế toán, trường dự kiến tuyển sinh thêm ngành kinh tế học.
Tiến sĩ Ngô Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cũng cho biết trong số 37 ngành đào tạo của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM năm nay, một ngành mới là luật thương mại quốc tế. Ngoài ra trường cũng có xu hướng mở thêm các ngành mới về AI.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hiện có 10 ngành đào tạo liên quan đến khối ngành kinh tế, trong đó ngành mới là kinh tế số. Theo tiến sĩ Bùi Văn Thời, năm nay trường bổ sung các tổ hợp xét tuyển mới gồm: toán-văn-lịch sử, toán-văn-địa lý, toán-văn-giáo dục kinh tế và pháp luật.
PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết năm nay trường tiếp tục sử dụng phương thức tuyển sinh tổng hợp căn cứ vào điểm học tập, chứng chỉ ngoại ngữ và các thành tích khác; xét điểm kỳ thi V-SAT và kỳ thi tốt nghiệp THPT. Riêng kỳ thi V-SAT, trường dự kiến tổ chức 5 đợt thi, từ tháng 3 đến tháng 6.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó phòng Tuyển sinh, truyền thông và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết trường sử dụng 6 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, xét học bạ, xét điểm kỳ thi V-SAT, điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong từng phương thức có những điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế. Về tổ hợp xét tuyển, trường sử dụng điểm 3 môn, trong đó toán là môn bắt buộc. Ngoài ra, thí sinh có thể sử dụng 2 môn còn lại trong số các môn dự thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh có thể tự chọn 2 môn có điểm số cao để có cơ hội trúng tuyển cao.
Thạc sĩ Phạm Quang Trường, Phó khoa Kinh doanh và luật Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết trường xét tuyển theo 3 phương thức: xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM và kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó giám đốc Gloucestershire Vietnam, cho biết chương trình đào tạo liên kết giữa ĐH Gloucestershire (Anh quốc) và Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM hiện đang đào tạo 7 ngành, trong đó có nhiều ngành lĩnh vực kinh tế như: quản trị kinh doanh và marketing, kinh doanh quốc tế, kế toán tài chính…
Năm 2025, chương trình này tuyển sinh theo 3 phương thức: xét kết học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM.
Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tư vấn tại đây: PHẦN 1, PHẦN 2, PHẦN 3.