Khát vọng thống nhất đất nước
Công viên Thống Nhất là một trong những công viên lớn nhất ở Hà Nội với diện tích hơn 50 ha, tiếp giáp 4 mặt phố Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu.
Công viên có nhiều lối vào, cổng chính nằm bên đường Trần Nhân Tông, chia thành nhiều khu đất, ở giữa hồ Bảy Mẫu có đảo Hòa Bình và đảo Thống Nhất.

Cổng vào công viên Thống Nhất trên đường Đại Cồ Việt
ẢNH: MINH NHÂN
"Được khánh thành năm 1961, công viên Thống Nhất với tên gọi mang tính biểu tượng, là món quà của nhân dân Hà Nội gửi gắm ước mơ thống nhất đất nước", nhà sử học Dương Trung Quốc lý giải.
Theo ông Dương Trung Quốc, ngày xưa, công viên Thống Nhất vốn chỉ là hồ lớn bị bỏ hoang lâu ngày, đến những năm 1954 - 1955 thì biến thành chợ trời (hay chợ giời), nơi người dân bày bán đủ thứ hàng hóa.
Đến năm 1958, Ủy ban hành chính thành phố quyết định xây dựng nơi này thành công viên làm nơi giải trí cho nhân dân thủ đô.


Công viên rộng gần 50 ha, có nhiều cây xanh, là nơi người dân Hà Nội tập thể dục, dạo chơi, chụp ảnh lưu niệm
ẢNH: MINH NHÂN
"Hồi ấy, toàn thể sinh viên, học sinh, nhân dân thành phố như chúng tôi đều hưởng ứng phong trào "Ngày chủ nhật lao động xã hội chủ nghĩa". Công viên được xây dựng dựa trên sự lao động tự nguyện của mọi tầng lớp nhân dân Hà Nội với mong muốn đất nước sớm có ngày thống nhất", ông Dương Trung Quốc cho hay.
Những người tham gia xây dựng công trình đều khắc sâu trong lòng lời Bác Hồ: "Miền Nam ruột thịt luôn trong trái tim tôi", "Mỗi người hãy làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt", "Tết trồng cây là trồng cây cho cả miền Nam".
Năm 1960, công viên Thống Nhất cơ bản hoàn thành. Trên cổng vào công viên ở trục đường Lê Duẩn có tấm biển khắc "thành tích xây dựng vườn hoa Thống Nhất". Theo đó, công viên được khởi công xây dựng ngày 28.11.1958, hoàn thành đắp đất san nền ngày 30.5.1961. Nhân dân thủ đô đã góp 869.694 công đào và đắp được 456.815 thước khối.

Cây đa lưu niệm được Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng ngày 11.1.1960 tại công viên Thống Nhất
ẢNH: MINH NHÂN
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, sau khi công viên Thống Nhất được khánh thành, ngày 11.1.1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới đây trồng cây đa lưu niệm. Cây đa Bác trồng cách đây hơn 60 năm, từ một nhánh nay sum suê tỏa bóng mát cả một khoảng không gian rộng.
Ngày 19.4.1980, nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Lênin, UBND TP.Hà Nội quyết định đổi tên công viên Thống Nhất thành công viên Lênin. Năm 2003, Hà Nội đổi tên công viên Chi Lăng (trên đường Trần Phú) là công viên Lênin, trả lại tên cho công viên Thống Nhất.

Tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn được xây dựng trang trọng tại đảo Thống Nhất trong công viên Thống Nhất
ẢNH: MINH NHÂN
Năm 2010, tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn được xây dựng trang trọng tại đảo Thống Nhất trong khuôn viên công viên Thống Nhất, nhân đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
"Những năm gần đây, công viên Thống Nhất được hạ rào tạo không gian mở, cải tạo làm đẹp cảnh quan với 2 vườn hoa hồng nhiều màu sắc. Đối với tôi, đây là công viên đẹp nhất giữa lòng Hà Nội", ông Dương Trung Quốc nói.
Hạ rào công viên Thống Nhất
Cuối tháng 12.2022, 400 m hàng rào đầu tiên bao quanh công viên Thống Nhất phía đường Trần Nhân Tông được tháo dỡ, chuyển công viên sang mô hình mở, không thu phí người vào.

Từ cuối năm 2022, công viên Thống Nhất tháo dỡ hàng rào, tạo không gian mở
ẢNH: MINH NHÂN
Hàng rào sắt ngăn cách địa giới công viên đã được thay thế bằng "hàng rào mềm" gồm thảm hoa hồng, cây xanh vừa tạo cảnh quan vừa ngăn các phương tiện ra vào công viên trái phép.
Đến tháng 3 năm nay, hơn 650 m hàng rào phía đường Lê Duẩn tiếp tục được tháo dỡ kết hợp cải tạo chỉnh trang hè phố.
Ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty công viên Thống Nhất, cho biết đơn vị nhận nhiều phản hồi tích cực từ người dân sau khi tháo dỡ hàng rào bao quanh công viên. Người dân thủ đô bày tỏ ủng hộ, cảm nhận không gian công viên thoáng đãng, tạo điều kiện tiếp cận môi trường công cộng.
Theo ông Tú, công viên Thống Nhất là công trình mang nhiều dấu ấn lịch sử, do đó sẽ có lộ trình, kế hoạch khi mở rào toàn bộ công viên trong tương lai.
"Hiệu quả rõ nét nhất sau khi chuyển thành công viên "mở" là lượng khách vào công viên đã tăng cao. Chất lượng khách cũng nâng cao khi trước đây chủ yếu người dân vào tập thể dục thì nay đã có các đoàn đến tham quan, chụp ảnh kỷ niệm, trong đó có nhiều người nước ngoài", ông Tú thông tin.