Giáo dục hệ giá trị VN, trong đó có giá trị hòa bình ở trường học, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng môi trường học đường an toàn, góp phần hình thành, phát triển phẩm chất cho học sinh (HS), là cơ sở để tạo nên những công dân tốt, công dân toàn cầu.
CẦN HIỂU RỘNG VỀ GIÁ TRỊ HÒA BÌNH
Việc giáo dục giá trị hòa bình cho HS ở trường phổ thông vẫn còn một số điều chưa toàn diện.
Trước hết là nhận thức về hòa bình chưa đầy đủ. Chẳng hạn, "hòa bình" trong từ điển tiếng Việt được ghi: "Hòa bình là tình trạng yên ổn, không có chiến tranh", hay trong nội dung giáo dục "Bảo vệ hòa bình" của môn giáo dục công dân lớp 9, xác định: "Hòa bình là trạng thái bình yên khi con người và các quốc gia hòa thuận với nhau, cùng nhau hợp tác phát triển, kết giao bạn hữu". Quan niệm hòa bình như trên là sự bình yên của môi trường bên ngoài con người, còn sự bình yên bên trong con người chưa được đề cập.

Những hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất trong trường học là một cách giúp học sinh hiểu thêm giá trị của hòa bình
ẢNH: THÚY HẰNG
Giá trị đầu tiên trong hệ giá trị quốc gia
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, tổ chức ở Hà Nội ngày 24.11.2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Xây dựng con người VN thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình VN, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại".
Theo đó, hệ giá trị VN bao gồm: Hệ giá trị con người VN với 8 giá trị: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo; Hệ giá trị gia đình với 4 giá trị: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; Hệ giá trị văn hóa với 4 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; Hệ giá trị quốc gia với 9 giá trị: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Trong đó, "hòa bình" là giá trị đầu tiên trong hệ giá trị quốc gia.
Kế đến, ngành giáo dục chưa xây dựng được các tiêu chí, chỉ số về giá trị hòa bình nên khó khăn trong định hướng nội dung giảng dạy và hoạt động trải nghiệm.
Thứ ba, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân HS chưa có năng lực giải quyết mâu thuẫn, nên tình trạng bạo lực học đường gia tăng, tạo nên môi trường học đường không an toàn, ảnh hưởng đến dạy và học.
NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ GIÁ TRỊ HÒA BÌNH
Để giáo dục giá trị hòa bình hiệu quả, trước hết cần giúp HS nhận thức đầy đủ, toàn diện, phù hợp với thế giới và VN về hòa bình. Theo từ điển Cambridge (Anh), hòa bình là sự vắng bóng của chiến tranh, sự bình yên trong lòng, bình tĩnh và thư thái của trí óc; không đối đầu, đối kháng, mâu thuẫn giữa con người với con người và con người với tự nhiên.
Đây là cách hiểu toàn diện về "hòa bình", vừa mang ý nghĩa toàn cầu, quốc gia, vừa mang ý nghĩa cá nhân con người. Hòa bình là giá trị sống cơ bản đầu tiên, điều kiện để các giá trị sống khác hình thành và phát triển.
Hòa bình phải phù hợp với quan điểm VN, đó là hòa bình gắn với độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và hòa hợp. Sau Hiệp định Genève (1954) và Hiệp định Paris (1973), hòa bình được thiết lập ở VN nhưng chưa trọn vẹn, do đất nước bị chia cắt. Cho đến chiến thắng mùa xuân năm 1975 mới mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất, hòa hợp dân tộc và hòa hợp lòng người.
GIẢI PHÁP GIÁO DỤC GIÁ TRỊ HÒA BÌNH CHO HỌC SINH
Thạc sĩ Đoàn Thị Thúy Hạnh và thạc sĩ Hồ Thị Hồng Vân (Viện Khoa học giáo dục VN) vào tháng 8.2020 có công trình nghiên cứu "Giáo dục giá trị hòa bình qua hoạt động trải nghiệm ở tiểu học" đã đề xuất giá trị hòa bình có 9 tiêu chí: không chiến tranh; không đối đầu, đối kháng; tôn trọng pháp luật và quy tắc; hòa thuận; không gây mâu thuẫn; bình yên trong lòng; tâm trí thư thái, tĩnh lặng; bình tĩnh; thân thiện môi trường tự nhiên.

Các nhà trường tổ chức những hoạt động trải nghiệm giáo dục giá trị hòa bình phù hợp với từng cấp học, vùng miền
ảnh: Thúy Hằng
Giáo viên môn giáo dục công dân, giáo dục kinh tế và pháp luật, giáo dục quốc phòng dựa trên các tiêu chí đã nêu, đề xuất với nhà trường các hoạt động trải nghiệm giáo dục giá trị hòa bình phù hợp với từng cấp học, phù hợp với vùng miền, địa phương nhằm đảm bảo khả thi.
Các nhà trường tổ chức những hoạt động trải nghiệm giáo dục giá trị hòa bình phù hợp với từng cấp học, vùng miền nhằm đảm bảo khả thi, trong đó giáo viên dạy giáo dục công dân, giáo dục kinh tế và pháp luật, giáo dục quốc phòng làm nòng cốt.
Giáo dục giá trị hòa bình với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bằng nghệ thuật, âm nhạc. Tổ chức hoạt động giáo dục giá trị hòa bình trong cộng đồng có sự tham gia của gia đình, nhà trường và xã hội.
Đối với HS THPT, cần tìm hiểu về chính sách quốc phòng "4 không" của VN: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Thảo luận về chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa của VN.
Nhà trường hướng tới "Trường học hạnh phúc", tạo môi trường học tập an toàn, tôn trọng, để HS có sự yên tĩnh, cảm giác tốt đẹp, sống hòa thuận, thi đua lành mạnh thay vì ganh ghét, đấu đá; giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại, không đối đầu.
Ralph Waldo Emerson, triết gia người Mỹ (1803 - 1882), đã nói: "Hòa bình không thể đạt được qua bạo lực, nó chỉ có thể đạt được qua sự thông hiểu".
Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng nói: "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới". Và hoàn toàn có lý khi thế giới cùng nhìn nhận vai trò của giáo dục là một trong những nền tảng quan trọng xây dựng hòa bình.
Năm 2013, Ngày quốc tế hòa bình (21.9) được Liên Hiệp Quốc tổ chức kỷ niệm với chủ đề "Giáo dục vì hòa bình". Thông qua chủ đề này, Liên Hiệp Quốc một lần nữa nhấn mạnh tới vai trò của giáo dục trong việc đào tạo và giáo dục các công dân của thế giới. Theo đó, trẻ em cần được dạy về cách tôn trọng những người khác, tôn trọng thế giới mà chúng ta đang sống từ đó thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của xã hội theo hướng công bằng hơn, rộng mở hơn và hài hòa hơn.
Người thầy kể chuyện hòa bình
Chỉ còn mấy ngày nữa, đất nước trọn niềm vui 50 năm. Nửa thế kỷ chúng ta được sống trong hòa bình, độc lập, ấm no, hạnh phúc và ngày càng phát triển, văn minh, nghĩa tình. Niềm hạnh phúc không thể đong đếm.
Chúng tôi, những người thầy gắn bó với sự nghiệp "trăm năm trồng người" thường kể cho HS những câu chuyện hòa bình theo cách của mình. Tháng 4 năm nay thêm cơ hội để giáo viên thực hiện điều đó.
Giữa tháng 4, Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh, KP.7, P.Long Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức ngày hội STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) hứng thú và ý nghĩa đối với thầy trò 18 trường tiểu học trong cụm. Hội thi có những thiết kế, sản phẩm mang tính thời sự và thể hiện lòng yêu nước, yêu hòa bình như: Lăng Bác Hồ, cờ Tổ quốc, bản đồ VN hay metro số 1, sân bay Long Thành…
Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, Q.6, TP. HCM cũng đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề - chủ điểm về ngày đất nước thống nhất với nhiều hoạt động kể về câu chuyện hòa bình.
Là một người thầy dạy môn ngữ văn, kỹ năng sống, tôi cũng có nhiều cách chuyển tải những câu chuyện lịch sử hào hùng, giá trị hòa bình vào bài dạy, trong các chuyên đề sinh hoạt dưới cờ. Tôi thường gửi đến HS những câu chuyện đẹp, những thông tin thời sự từ báo chí để giúp các em trưởng thành hơn. Trong tháng 4 lịch sử này, tôi dán vào bảng thông tin của trường những thông tin liên quan về các hoạt động chào mừng 50 năm đất nước thống nhất, những câu chuyện các thế hệ trước đã hy sinh vì nền hòa bình, độc lập, tự do hôm nay… Đó cũng là một việc làm nho nhỏ góp phần giúp các em thêm tự hào dân tộc và hiểu về giá trị hòa bình.
Thái Hoàng