Khảo sát tiếng Anh giáo viên TP.HCM: Hệ thống trục trặc, lo kết quả không đúng

 - Ảnh 1.

Hệ thống khảo sát năng lực tiếng Anh giáo viên

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Hệ thống trục trặc trong ngày đầu tiên khảo sát

Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ ngày 23 đến 29.4, khoảng 73.000 cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học, THCS và THPT công lập trên toàn TP lần lượt thực hiện bài khảo sát năng lực tiếng Anh trực tuyến theo dạng trắc nghiệm khách quan, thời lượng 90 phút tại địa chỉ: https://englishsurvey.hcm.edu.vn.

Nội dung bài khảo sát năng lực tiếng Anh được thiết kế và chuẩn hóa bởi Cambridge Assessment English bảo đảm tính khách quan, khoa học và độ tin cậy cao trong việc đánh giá trình độ tiếng Anh của giáo viên. Bài khảo sát bao gồm các kỹ năng nghe, đọc và viết nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung tham chiếu chuẩn châu Âu CEFR (từ A1 đến C2).

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh Niên, lịch khảo sát dành cho bậc THPT diễn ra vào sáng 23.4. Một số giáo viên ở Q.1, Q.Tân Phú cho hay đã không thể vào link để thực hiện bài khảo sát cho dù sử dụng máy tính xách tay, máy tính để bàn… Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, ban giám hiệu các trường gửi thông báo của Sở GD-ĐT cho hay hệ thống tạm ngưng để sửa lỗi. Sau đó, đến 16 giờ ngày 23.4, giáo viên mới có thể đăng nhập vào hệ thống để tiếp tục thực hiện bài khảo sát.

Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì về lỗi hệ thống?

Trước thông tin do lỗi hệ thống, giáo viên không thể đăng nhập làm bài khảo sát, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, do thắt chặt an ninh mạng, lượng đăng nhập nhiều cùng một lúc và nội dung ẩn thông tin đăng nhập của giáo viên nên việc đăng nhập cùng một thời điểm đang bị thắt chặt trên trục dữ liệu ngành. Thời điểm sáng 23.4, ca khảo sát đầu tiên, Sở GD-ĐT đã phối hợp cùng bộ phận công nghệ nỗ lực tháo gỡ. Từ đó đến nay giáo viên có thể tham gia làm bài khảo sát bình thường trên hệ thống.

Riêng với những giáo viên THPT không đủ thời gian thực hiện bài khảo sát ngày 23.4, Sở GD-ĐT cũng đã thông báo có thể tham gia khảo sát vào các ngày khác trong kế hoạch đến ngày 29.4.

 - Ảnh 2.

Cán bộ quản lý và giáo viên các trường công lập từ tiểu học đến THPT đều phải thực hiện bài khảo sát năng lực tiếng Anh

ẢNH MINH HỌA: THANH NIÊN


Giáo viên than bài khảo sát khó, nhờ người làm bài hộ: Quan điểm của Sở GD-ĐT

Bên cạnh đó, sáng nay, 25.4, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, hiệu trưởng và giáo viên một trường THPT công lập nhận xét yêu cầu bài khảo sát khá cao dù việc khảo sát thực hiện với giáo viên ở các bậc học, các môn học chứ không phải dành riêng cho giáo viên tiếng Anh. Vì vậy đã có những giáo viên nhờ sự hỗ trợ của người thân do lo sợ bài khảo sát đạt kết quả thấp.

Chính vì vậy, hiệu trưởng một trường THPT tại Q.1 lo ngại tính trung thực trong quá trình thực hiện bài khảo sát và điều này ảnh hưởng đến tính chính xác, minh bạch của kết quả. Từ đó vị hiệu trưởng này đặt vấn đề liệu việc khảo sát năng lực của giáo viên có đạt giá trị để xây dựng các mục tiêu lớn khác như kế hoạch mà Sở GD-ĐT đề ra hay không?

Trước những lo ngại trên, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết đề khảo sát năng lực tiếng Anh được Hội đồng Khảo thí tiếng Anh của ĐH Cambridge biên soạn theo cấu trúc từ dễ đến khó. Cụ thể là đề khảo sát bao gồm các kỹ năng nghe, đọc và viết nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung tham chiếu chuẩn châu Âu CEFR (từ A1 đến C2). Nếu giáo viên làm được ở mức độ nào thì hệ thống sẽ ghi nhận ở mức đó. Sở GD-ĐT tin tưởng vào sự tôn nghiêm và tính nghiêm túc của thầy cô và quan trọng đây không phải là một kỳ thi, để đánh giá kết quả nên đừng lo lắng kết quả không tốt bị đánh giá điều gì.

Mục đích cốt lõi của việc khảo sát là đánh giá thực trạng, không phải kiểm tra trình độ cá nhân. Kỳ khảo sát này được thực hiện nhằm đánh giá một cách tổng thể bức tranh chung về năng lực tiếng Anh của đội ngũ giáo viên toàn ngành. Kết quả khảo sát là dữ liệu đầu vào quan trọng và cần thiết để TP.HCM có cái nhìn thực tế, khoa học về hiện trạng.

Ông Minh cũng thông tin, Sở GD-ĐT TP.HCM có nhận được một số ý kiến của giáo viên đề nghị được làm lại bài khảo sát. "Tôi xin nhấn mạnh là kết quả bài khảo sát không nhằm cấp chứng chỉ hay đánh giá giáo viên. Kết quả khảo sát chỉ có một mình giáo viên biết, còn Sở chỉ cần biết kết quả tổng thể bao nhiêu giáo viên đạt trình độ A1, A2, B1, B2, C1, C2; ở từng khu vực (các quận, huyện) tỷ lệ ấy như thế nào. Đây sẽ là những chứng cứ khoa học để sở xây dựng đề án từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Vì vậy giáo viên đã làm khảo sát rồi không cần làm lại nữa", ông Minh khẳng định.

Không phải là kỳ thi đánh giá, xếp loại năng lực hay chuyên môn

Ông Minh cũng nói thêm, việc khảo sát năng lực tiếng Anh mới chỉ là một phần việc nhỏ. Sắp tới Sở sẽ tiến hành đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh lớp 9, lớp 11; cơ sở vật chất, sự đầu tư của nhà trường và xã hội cho việc học tiếng Anh; đánh giá lại những chương trình tiếng Anh đã và đang được giảng dạy trong trường phổ thông... Khi đã có đầy đủ những căn cứ cần thiết, ngành giáo dục mới tiến hành xây dựng đề án.

"Một lần nữa Sở GD-ĐT xin nhấn mạnh, đây không phải là kỳ thi đánh giá, xếp loại năng lực hay chuyên môn của từng giáo viên. Kết quả khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh tuyệt đối không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác như đánh giá thi đua, xét lương, kỷ luật hay các mục đích cá nhân khác. Thông tin kết quả của từng cá nhân sẽ được bảo mật. Chỉ có chính bản thân giáo viên và tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo xây dựng đề án (là bộ phận chuyên trách được giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích dữ liệu để phục vụ xây dựng kế hoạch chung) mới được tiếp cận", Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM Hồ Tấn Minh khẳng định.


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao