Đến năm 2040, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam tăng khoảng 59,4%

Ngày 25.4, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng phối hợp cùng Hội Ung thư Việt Nam, Bệnh viện K Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và các cơ sở phòng chống ung thư tổ chức hội nghị phòng chống ung thư TP.Đà Nẵng lần thứ 6 năm 2025 (định kỳ 2 năm/lần).

Báo cáo tại hội nghị cho biết, Tổ chức Ghi nhận ung thư quốc tế (Globocan 2022) ghi nhận tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới có xu hướng tăng.

Mỗi năm, tại Việt Nam có gần 180.500 ca mắc mới được phát hiện và hơn 120.000 bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này. Như vậy, với tổng dân số hiện tại (hơn 100 triệu người), ước tính cứ 100.000 người thì có 180 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 120 người tử vong do ung thư.

Tổ chức Y tế thế giới dự kiến, đến năm 2040, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam tăng khoảng 59,4%, số ca tử vong do ung thư tăng khoảng 70,3%.

Đến năm 2040, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam tăng khoảng 59,4% - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng thực hiện ca phẫu thuật u gan

ẢNH: HOÀNG SƠN

Theo đánh giá của giới chuyên môn, mặc dù tỷ suất mắc ung thư mới của Việt Nam không nằm trong nhóm cao nhất thế giới nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức đáng lo ngại, phản ánh thực trạng nhiều bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn, làm giảm hiệu quả điều trị.

Theo số liệu điều tra toàn quốc về gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam, 74,3% gánh nặng bệnh tật là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó ung thư là một trong 10 nguyên nhân bệnh tật hàng đầu. Chi phí điều trị ung thư cũng là gánh nặng kinh tế lớn đối với toàn xã hội. Chi cho thuốc ung thư năm 2023 là 7.521 tỉ đồng, đứng hàng đầu trong tổng chi trả thuốc từ quỹ BHYT.

Những tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa ung thư 

Phát biểu tại hội nghị, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, cho biết hội nghị là dịp để các chuyên gia đầu ngành trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau đóng góp cho chiến lược phòng chống ung thư tại Việt Nam.

Bác sĩ Hùng cũng khẳng định cam kết của bệnh viện trong việc nâng cao năng lực điều trị, phát triển chương trình tầm soát sớm và tăng cường hợp tác chuyên môn nhằm giảm thiểu gánh nặng bệnh tật cho người dân khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước.

Hội nghị lần này tập trung vào việc cập nhật những tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa ung thư với các chủ đề trọng tâm như: Ứng dụng công nghệ mới trong chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư; các phương pháp điều trị tiên tiến phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và liệu pháp miễn dịch; hướng dẫn điều trị cá thể hóa và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư; đẩy mạnh hợp tác, nâng cao hiệu quả phòng chống ung thư trong cộng đồng.

Hội nghị còn quy tụ hơn 100 bài báo cáo khoa học đến từ các chuyên gia, bác sĩ, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong đó, có nhiều bài trình bày đáng chú ý đến từ các bệnh viện ung bướu lớn với dữ liệu lâm sàng thực tế trong điều trị ung thư vú, phổi, đại trực tràng, gan, cổ tử cung, đầu cổ, đường tiết niệu, tuyến giáp...

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao