Ở Q.Bình Tân, TP.HCM nơi được xem là "thủ phủ" nhà trọ vì có rất đông người lao động từ khắp tỉnh thành đến thuê sinh sống và làm việc. Những ngày này, chuyện thưởng tết với nhiều người ở đây không chỉ là vấn đề tài chính mà còn mang theo những kỳ vọng, mong ước về một cái tết ấm no, đủ đầy.
Hài lòng với 20 triệu tiền thưởng tết
Khăn gói rời quê ở Nghệ An vào TP.HCM làm công nhân là lựa chọn của chị Nguyễn Thị Trường (39 tuổi). Hơn 15 năm làm việc tại Công ty TNHH PouYuen, chị là một trong những người có thâm niên làm việc lâu năm. Dù vậy, chi phí đắt đỏ nên việc cả gia đình về quê ăn tết là ước mơ xa vời.
"Cả nhà về quê vào dịp tết phải hết tầm 30 triệu đồng. Đó chỉ mới chi tiêu gói ghém còn nếu tiêu thả ga còn tốn nhiều hơn nữa. 3 – 4 năm gia đình tôi mới về ăn tết một lần, ở xa khó khăn lắm", chị Trường nói.
Cũng theo chị Trường, năm nay đơn hàng của công ty ổn định hơn các năm trước nên có thưởng tết phù hợp. Vì thời gian làm việc của chị tại công ty hơn 12 năm nên sẽ được thưởng 2,2 tháng lương hợp đồng lao động. Chị nhẩm tính tiền thưởng được khoảng 20 triệu đồng.
"Dù vậy, số tiền đó cũng không đủ xoay xở cả gia đình về quê ăn tết nên năm nay sẽ ở lại phòng trọ. Tôi có hai đứa con (đứa lớn học lớp 9, đứa thứ hai học lớp 4) nên tiền học tốn một khoản khá lớn. Nghĩ đến cảnh mọi người xách vali về quê ăn tết, tôi ứa nước mắt vì tủi thân. Tuy nhiên, tôi đã xác định đi làm xa nhà để kiếm tiền cho con cái ăn học. Tôi muốn tương lai của các con không giống ba mẹ vì làm công nhân rất cực khổ", chị Trường bày tỏ.
Chị Trường dự định sẽ dùng tiền thưởng để tiết kiệm, dành dụm đồng thời gửi một ít về quê để cha mẹ có thêm tiền tiêu tết. Ở lại thành phố, chị chấp nhận đón tết trong phòng trọ không khác gì ngày thường thậm chí còn buồn, vắng tiếng hàng xóm hơn vì nhiều người ở miền Tây sẽ về quê ăn tết.
Dành dụm tiền thưởng tết
Chị Trần Thị Thúy (36 tuổi, quê ở Nghệ An) vào TP.HCM làm việc từ năm 2004. Thời gian đầu, vợ chồng chị đều làm công nhân nhưng từ khi sinh con, người vợ nghỉ việc, ở nhà làm tự do để có thời gian chăm sóc, nuôi dạy con . Hiện, chị Thúy nhận túi vải về may tại nhà còn chồng vẫn đi làm công nhân. Một thời gian anh nghỉ việc để chuyển sang làm tài xế công nghệ nhưng quá vất vả đành trở lại công việc cũ. Vì vậy, chồng chị không có thâm niên làm việc lâu năm như nhiều người, chấp nhận nhận tiền thưởng ít hơn. Năm nay, anh được thêm một tháng lương theo hợp đồng, khoảng 7 – 8 triệu đồng.
"Tôi làm tự do, không có tiền thưởng tết, bà chủ lì xì thêm khoảng vài triệu đồng. Vợ chồng với hai đứa con ăn tết đơn giản, giống ngày thường. 11 năm rồi cả gia đình chưa về quê ăn tết vì chi phí đắt đỏ. Vé máy bay dịp tết quá đắt, cả nhà 4 người không gánh nổi. Tôi và các con bị say xe nên không thể đi xe khách về quê, chấp nhận không về dịp tết", chị Thúy nói.
Với số tiền thưởng tết của chồng và thu nhập cuối năm, vợ chồng chị gói ghém chi tiêu. Chị không đòi hỏi tiền thưởng tết của chồng cao, công ty thưởng bao nhiêu đều chấp nhận và cảm thấy may mắn vì có thêm khoản tiền đó.
"Đợt vừa rồi vợ chồng về quê làm đám giỗ, nghỉ mấy ngày nhưng may anh không bị trừ tiền lương. Mẹ chồng tôi vừa mất cách đây không lâu nên dịp tết này sẽ gửi ít tiền về quê biếu bố chồng và gọi điện nói chuyện thường xuyên để ông đỡ buồn", chị Thúy nói.
Anh Dương Huy Hùng (31 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) hiện đang làm công nhân giày da tại Q.Bình Tân, TP.HCM. Anh cho biết, công ty đã thông báo về tiền lương tháng thứ 13, những người làm đủ một năm trở lên sẽ được nhận thêm một tháng lương cơ bản.
"Tiền lương mỗi tháng của tôi khoảng 12 triệu đồng. Tôi không đòi hỏi hay ý kiến về khoản tiền này vì đó là quyết định của công ty. Tôi mới lập gia đình không lâu, vợ tôi là người cùng quê. Chúng tôi sẽ dùng tiền thưởng để làm chi phí đi lại, vợ tôi bị say xe nên sẽ mua vé máy bay còn tôi đi xe khách cho tiết kiệm, mua sắm thêm đồ tết", anh Hùng nói.