Sau tết TP.HCM vẫn se lạnh: Ngày và đêm chênh nhau 12 độ C, liệu có bất thường?

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, người dân TP.HCM ra đường vào ban ngày cảm thấy nắng, một số thời điểm oi ả; nhưng đêm đến lại se lạnh. Thời tiết TP.HCM đang thế nào?

Theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, sáng nay, TP.HCM mây thay đổi, trời nắng, không mưa. Nhiệt độ lúc 8 giờ là 25oC, độ ẩm 65%, gió đông bắc 2 m/giây.

Chênh lệch ngày đêm hơn chục độ C

Ngày hôm qua, thời tiết TP.HCM mây thay đổi, ngày nắng, không mưa. Nhiệt độ giảm nhẹ. Tại Nhà Bè, nhiệt độ cao nhất là 31,8oC, thấp nhất 21,5oC. Trong khi đó, tại Tân Sơn Nhất, nhiệt độ ngày cao nhất là 33oC, thấp nhất 21oC. Như vậy, nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm ở TP.HCM lên tới 12oC.

Sau tết TP.HCM vẫn se lạnh: Ngày và đêm chênh nhau 12 độ C, liệu có bất thường?- Ảnh 1.

Gần 11 giờ ngày 6.2, TP.HCM nắng chói chang

ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Thạc sĩ Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho hay, thông thường, nhiệt độ thấp nhất ở TP.HCM thời điểm này từ 24 - 26oC, cao nhất 31 - 33oC; tức là chênh lệch giữa nhiệt độ ngày đêm chỉ khoảng 8 - 9oC. Vào những ngày có nắng nóng, nhiệt độ thấp nhất từ 25 - 27oC, cao nhất từ 34 - 37oC; tức là chênh lệch ngày đêm khoảng 10oC.

Như vậy, hôm qua chênh lệch nhiệt độ ngày đêm ở Tân Sơn Nhất lên đến 12oC, ở Nhà Bè chênh lệch khoảng 10oC nhiều ngày liên tiếp.

Theo ông Quyết, mấy ngày qua, áp cao lạnh lục địa hoạt động với cường độ ổn định, vẫn tiếp tục khuếch tán xuống phía nam. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục vắt qua Trung bộ hoạt động mạnh.

Với hình thế thời tiết này, thường trời sẽ ít mây do hệ thống trường phân kỳ trên cao chiếm ưu thế. Khi trời ít mây, bức xạ nhiệt từ bề mặt trái đất trở lại khí quyển sẽ mạnh, nói cách khác, nguồn nhiệt mà trái đất nhận được từ mặt trời vào ban ngày sẽ mất dần, nhanh vào sáng sớm, đêm; cộng thêm sóng lạnh từ áp cao lạnh lục địa ở phía bắc khuếch tán xuống và tính chất mặt đệm nên đêm, sáng sớm nhiệt độ giảm thấp, người dân cảm thấy se lạnh.

Sau tết TP.HCM vẫn se lạnh: Ngày và đêm chênh nhau 12 độ C, liệu có bất thường?- Ảnh 2.

TP.HCM, Nam bộ đang chuyển dần sang thời kỳ nắng nóng

ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Ban ngày nắng mạnh, nhất là buổi trưa, đầu giờ chiều, bức xạ mặt trời mà mặt đất nhận được lớn nhất, do ít mây trong tầng khí quyển tầng thấp che chắn. Do vậy, nhiệt độ không khí gần bề mặt đất tăng cao, gần tới ngưỡng nắng nóng (trên 35oC).

Thời kỳ này khu vực Đông Nam bộ, TP.HCM chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm rất lớn, có khi lên tới hàng chục độ C, Nam bộ đang dần chuyển sang thời kỳ xuất hiện nắng nóng.

Nắng nóng ở trung tâm TP.HCM

Cơ quan dự báo khí tượng cho hay, hôm nay, áp cao lạnh lục địa có cường độ suy yếu. Trên cao áp cao cận nhiệt đới vắt qua Trung bộ hoạt động ổn định. Thời tiết Nam bộ mây thay đổi, ngày nắng, không mưa. Tại TP.HCM chênh lệch nhiệt độ ngày đêm tiếp tục ở ngưỡng 12oC, dự báo cao nhất là 34oC lúc 14 giờ và đêm là 22oC.

Ngày và đêm ở TP.HCM chênh nhau 12 độ C, liệu có bất thường?

Dự báo thời tiết TP.HCM, Nam bộ từ 2 - 3 ngày tới, mây thay đổi, ngày nắng, đêm mưa. Sáng sớm có nơi có mù nhẹ, trời se lạnh.

Nhìn chung, nửa đầu tháng 2, thời tiết vẫn còn khá mát, chỉ một vài ngày có nắng nóng cục bộ ở khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên chỉ sau 1 - 2 ngày có nhiệt độ 35 và trên 35oC thì nhiệt độ lại giảm ngay.

Tới nửa cuối tháng 2, nắng nóng hầu hết vẫn chỉ xảy ra cục bộ nhưng thời gian kéo dài hơn; một vài ngày cuối tháng có khả năng xuất nắng nóng diện rộng ở khu vực trung tâm thành phố.

Trong tháng, TP.HCM có thể xuất hiện một số cơn mưa chủ yếu gây ra bởi những nhiễu động gió đông. Một vài ngày cuối tháng, có khả năng có mưa do đối lưu nhiệt nên mưa rào và giông xuất hiện vào lúc chiều tối và có thể kèm theo giông, lốc, sét.


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao