MONG MÔN THI THỨ BA LÀ NGOẠI NGỮ
Đến thời điểm này, gần 20 tỉnh thành đã công bố môn thi vào lớp 10. Theo ghi nhận, chưa có bất kỳ địa phương nào chọn ngẫu nhiên môn thi thứ ba mà đều chỉ định môn ngoại ngữ, cụ thể hơn là tiếng Anh. Trong khi đó Hà Nội, nơi có số lượng thí sinh dự thi vào lớp 10 lớn nhất cả nước, mức độ cạnh tranh căng thẳng cũng thuộc tốp đầu, vẫn chưa có bất cứ thông báo nào về kế hoạch tuyển sinh năm học tới.
Một học sinh (HS) lớp 9 Trường THCS Thanh Xuân (Q.Thanh Xuân) cho biết: "Đọc thông tin trên báo chí nhiều địa phương công bố môn thi thứ ba là ngoại ngữ mà chúng em rất lo lắng, không hiểu sao Hà Nội vẫn chưa công bố. Dịp tết vừa qua là một cái tết đầy lo lắng với em và gia đình khi chưa biết môn thi vào lớp 10 sẽ ra sao, kế hoạch ôn tập thế nào…".
Trên các nhóm, diễn đàn dành cho phụ huynh, nhiều ý kiến chia sẻ tâm trạng như đang ngồi trên lửa vì chưa biết kế hoạch thi vào lớp 10 ở Hà Nội.
Bà Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.Hoàn Kiếm), cho biết HS, giáo viên (GV) và phụ huynh có con học lớp 9 năm nay đều đang rất lo lắng, sốt ruột mong muốn biết môn thi thứ ba để có sự chuẩn bị chu đáo hơn do năm nay là năm đầu tiên thi vào lớp 10 với nhiều thay đổi.
Cũng theo bà Hương, hầu hết ý kiến đều mong muốn Hà Nội sẽ chọn môn thi thứ ba là ngoại ngữ như các tỉnh thành khác; các em cũng lo lắng nhất nếu thi môn tích hợp khoa học tự nhiên vì đây là môn học rất mới.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Tiến (H.Chương Mỹ), phản ánh qua nắm bắt tâm tư của HS và phụ huynh trong trường, phần lớn đều mong môn thi thứ ba là tiếng Anh hoặc một môn học độc lập. Còn nếu TP chọn môn thứ ba là môn tổ hợp thì càng cần sớm công bố để phụ huynh và HS yên tâm, có sự tập trung hơn vào các môn thi.
Từ năm 2021 đến nay, TP.Hà Nội giữ ổn định phương thức thi tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập với 3 môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Do vậy, mong muốn chung là kỳ thi giữ ổn định bởi chất lượng đầu vào lớp 10 ở Hà Nội lâu nay được đánh giá rất cao.
Vì chưa công bố môn thi thứ ba nên HS và phụ huynh Hà Nội cũng nghe nhiều đồn đoán, gây hoang mang căng thẳng không đáng có. Cụ thể, thời điểm cuối tháng 1 vừa qua, mạng xã hội lan truyền thông tin Sở GD-ĐT Hà Nội vừa họp, chốt môn thi thứ ba trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026 là tổ hợp khoa học tự nhiên. Nhiều phụ huynh lo lắng bởi nếu đúng phương án này thì HS phải học rất nhiều, gây áp lực không cần thiết, trong khi các em lại là lứa HS đầu tiên thi theo chương trình mới, chất lượng dạy học các môn tích hợp cũng rất hạn chế.
Sau đó, để trấn an dư luận, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định thông tin trên là không đúng. Thời điểm này, Sở GD-ĐT chưa công bố môn thi thứ ba. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi bao giờ công bố thì sở chỉ dẫn quy định của Bộ GD-ĐT cho hay thời điểm công bố môn thi thứ ba "không muộn hơn ngày 31.3 hằng năm".
Trong khi đó, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi các sở GD-ĐT đề nghị: "Các sở GD-ĐT khẩn trương tổ chức lựa chọn và sớm công bố môn thi hoặc bài thi thứ ba theo quy định để tạo thuận lợi cho HS trong việc học tập hoàn thành chương trình và ôn tập, chuẩn bị tốt các điều kiện, tạo tâm lý sẵn sàng dự thi đạt kết quả tốt".
XOAY XỞ KHI DỪNG DẠY THÊM TRONG GIAI ĐOẠN ÔN THI
Đáng chú ý, thời điểm nước rút ôn thi lại là lúc quy định mới về dạy thêm có hiệu lực, các nhà trường không được thu tiền dạy buổi hai hoặc các buổi ôn thi vào lớp 10 cho HS. Do vậy, mỗi trường đang có những tính toán phù hợp.
Bà Nguyễn Thu Hương cho biết từ đầu tháng 2, tất cả lớp học buổi hai cũng như ôn tập cho HS lớp 9 đã được nhà trường thông báo tạm dừng. Nhà trường vẫn đảm bảo dạy đúng, dạy đủ chương trình chính khóa theo kế hoạch. Lịch học của HS lớp 9 được xây dựng 1 buổi/ngày để buổi thứ hai HS và phụ huynh chủ động về thời gian tự học, tự ôn tập hoặc tham gia các lớp học ở trung tâm, phục vụ nhu cầu khác nhau cho việc ôn thi vào lớp 10.
Tuy nhiên, bà Hương cũng cho biết dự kiến khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố môn thi thứ ba, nhà trường sẽ có kế hoạch ôn tập miễn phí cho HS cả 3 môn nếu các em có nhu cầu. "Chúng tôi sẽ tính toán để có thể trích một khoản kinh phí từ quỹ chi thường xuyên để chi trả cho GV theo quy định dạy thừa giờ để có thêm một chút thu nhập cho GV", bà Hương chia sẻ.
Bà Phan Thị Thục Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Phương Mai, Q.Đống Đa, cho hay việc ôn tập, củng cố kiến thức cho HS lớp 9 được thực hiện song song với giờ học chính khóa. Tháng nào nhà trường cũng kiểm tra, khảo sát cho HS khối 9. Từ đó các em sẽ định hình năng lực hiện tại và có kế hoạch ôn tập để không bị động khi biết các môn thi.
Nhiều phụ huynh ở Q.Hà Đông cũng cho biết đã nhận được thông báo của nhà trường từ cuối tháng 1 về việc dừng tất cả lớp học buổi hai, học ôn tập trong trường. Điều này đồng nghĩa với việc các em có nhu cầu ôn thi vào lớp 10 sẽ phải tự tìm trung tâm bên ngoài nhà trường. Phụ huynh đón nhận thông tin này với nhiều tâm trạng khác nhau.
Chị H.M, phụ huynh có con học Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ), cho rằng chất lượng GV của trường vốn có uy tín nên lâu nay các con học thêm buổi hai ở trường vừa tiết kiệm chi phí và thời gian đưa đón. Nay nếu phải dừng việc học thêm ở trường thì phụ huynh phải tìm kiếm trung tâm ở bên ngoài là rất bị động và khó chen chân vào các trung tâm có uy tín do các lớp học này đã bắt đầu từ năm trước hoặc ít nhất là từ đầu năm học.
Tuy nhiên, không ít phụ huynh lại thở phào vì lâu nay vừa phải cho con học thêm ở trường để "làm đẹp lòng" thầy cô, vừa phải cho con học thêm ở các lớp GV thực sự giỏi để ôn thi có chất lượng nên HS phải học tới 3 ca, rất vất vả, tốn kém… "Khi các lớp học thêm trong nhà trường không tồn tại nữa thì chúng tôi mong thầy cô sẽ chuyên tâm vào việc dạy chính khóa, không bớt xén kiến thức để dạy thêm, HS cũng có thời gian để học thêm theo nhu cầu thực sự chứ không phải học thêm vì sợ thầy cô", một phụ huynh ở khu đô thị Đại Kim (Q.Hoàng Mai) chia sẻ.
Trước những lo lắng của phụ huynh về việc dừng các lớp học ôn thi trong nhà trường thì liệu kết quả có giảm sút, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), từng nêu rõ với yêu cầu đề kiểm tra, đánh giá thi cử hiện nay đều phải bám theo yêu cầu chung của chương trình.
Ông Thành cho biết thêm: "Khi đã là quy định toàn quốc, các địa phương thực hiện một cách bình đẳng, công bằng và không cần quá lo lắng, đặt nặng vấn đề rồi xếp lớp để HS luyện thi sáng, trưa, chiều, tối. Chúng ta cần khắc phục tình trạng HS hằng ngày tới trường ken đặc lịch học từ sáng đến khuya, không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức…".
Tuyển sinh lớp 6 trường đặc thù ra sao ?
Hà Nội có rất nhiều trường công lập (chất lượng cao) và tư thục lâu nay tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6. Quy chế mới của Bộ GD-ĐT không quy định điều này nên nhiều trường công lập chất lượng cao vẫn chờ hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội thì mới có thể xây dựng kế hoạch tuyển sinh. Dù vậy, các trường THCS tư thục vốn có tỷ lệ chọi cao đã sớm công bố phương án và thời gian tuyển sinh. Thậm chí có trường đã tuyển sinh xong những đợt đầu tiên mà không đợi kế hoạch chung.