Chờ tháo gỡ băn khoăn môn tích hợp

Như Thanh Niên đã thông tin, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa có trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề dạy học môn tích hợp ở cấp THCS.

Chờ tháo gỡ băn khoăn môn tích hợp- Ảnh 1.

Việc dạy học môn tích hợp ở cấp THCS vẫn tiếp tục gây băn khoăn, lo lắng

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Cụ thể, cử tri đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét điều chỉnh việc dạy môn tích hợp ở bậc THCS để đảm bảo tính hiệu quả và đồng bộ với chương trình giáo dục cấp THPT.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT dẫn Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã xác định rõ về nội dung đổi mới, trong đó, ở cấp tiểu học và cấp THCS thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp.

Trước đó, trong buổi gặp gỡ giáo viên (GV) hồi tháng 8.2023, ông Nguyễn Kim Sơn từng thừa nhận: "Việc dạy các môn tích hợp, liên môn là một trong những khó khăn nhất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới". Thời điểm này, ông Nguyễn Kim Sơn đã đề cập khả năng bộ sẽ sớm đưa ra điều chỉnh.

Phải hoàn thiện mới áp dụng đại trà

Đặt vấn đề, bạn đọc (BĐ) Long Giáp hỏi: "Nếu vững tin xu thế tích hợp ưu việt hơn các môn học riêng lẻ, tại sao khi áp dụng đại trà lại có nhiều ý kiến bàn lùi như vậy?". Chia sẻ quan điểm từ câu hỏi này, BĐ Hữu Tín nêu: "Vì khâu chuẩn bị chưa tới nơi tới chốn. Nội dung sách thì chỉ đơn giản là gộp các môn vô chung mà phần tích hợp chưa rõ ràng. Đội ngũ GV thì chưa được đào tạo đủ về dạy tích hợp".

BĐ Minh phân tích: "Trong thực tế, đội ngũ GV vừa dạy vừa tra cứu vừa rút kinh nghiệm thì không tránh khỏi việc cộng đồng băn khoăn, lo lắng". Từ đó, BĐ này đề nghị: "Phải nghiên cứu cho đủ, cho đúng, hoàn thiện, rồi mới đưa ra áp dụng chứ đừng đưa ra đại trà rồi rút kinh nghiệm. Đội ngũ GV cho lớp tích hợp phải hội đủ yếu tố nào, theo tiêu chuẩn ra sao, nếu chưa đủ thì đào tạo chuyên nghiệp. Khi đủ thì ta làm, chưa đủ thì ta không làm…".

BĐ Bình An chia sẻ câu chuyện từ chính gia đình mình: "Quá trình theo dõi con tôi học thực tế thấy bé gần như không nắm được gì khi học tích hợp. Con tôi thuộc dạng học khá tốt mà còn lơ ngơ. Tôi cũng mướt mồ hôi mới hỗ trợ được chuyện học tích hợp của con". Cùng băn khoăn này, BĐ Thủy nêu: "Nội dung tích hợp chỉ mới thay đổi từ 2 hoặc 3 môn thành một cuốn sách dày hơn với 2 hoặc 3 phần riêng biệt. GV vẫn dạy từng môn hoặc cố dạy cả 2 hoặc 3 phân môn trong một cuốn sách, không hơn không kém".

Điều chỉnh không có nghĩa là thất bại

Mặc dù văn bản trả lời mới nhất của Bộ GD-ĐT không đề cập trực tiếp về việc có điều chỉnh môn tích hợp hay không, nhưng đa số BĐ đều mong Bộ GD-ĐT sớm có những điều chỉnh thích hợp.

BĐ Nguyễn Hoàng nêu: "Tôi là GV dạy tích hợp nhưng tôi chỉ thấy tích hợp 2, 3 sách thành một và tích hợp luôn ông thầy. Có phải chăng chúng ta đã chủ quan và vội vàng khi chưa chuẩn bị đầy đủ nguồn lực cho một cuộc cải cách như mong đợi?". Phản hồi ý kiến này, BĐ Minh Luận nêu: "Tích hợp là đúng, chỉ vì chưa đủ GV chính quy môn tích hợp. Đổi mới bao giờ cũng tốt hơn cái cũ vốn nặng nề, xa rời thực tiễn. Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần lộ trình để có đủ GV dạy tích hợp".

BĐ Trường Lưu cho rằng: "Nhiều ý kiến đã quá khe khắt khi đề cập những "điểm rối" trong khâu tích hợp các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Không thể bảo như thế là khâu thay sách giáo khoa đã thất bại. Tuy nhiên, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế là cần thiết. Điều chỉnh không có nghĩa là thất bại".

* Nên tách các môn Lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý như trước đây. Môn Hoạt động trải nghiệm nên một tiết/tuần; Giáo dục địa phương nên lồng ghép vào Lịch sử, Địa lý.

Sơn Trịnh

* Ở cấp THCS thì học môn tích hợp, lên cấp THPT lại học theo tổ hợp môn nên sợ sau này các em sẽ bị hổng kiến thức ở một số lĩnh vực.

Kim Trinh


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao