Lập nghiệp ở quê dễ mua xe, có nhà?

Chọn lập nghiệp ở quê dễ mua nhà

Anh Nguyễn Hoài Sơn (37 tuổi), làm việc ở Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), cho biết từng có nhiều năm sinh sống ở TP.HCM. "6 năm ở thành phố, thường rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Tiền làm ra may mắn lắm mới đủ chi tiêu. Thế nên tôi quyết định về quê xin việc, lập nghiệp", anh Sơn kể.

Lập nghiệp ở quê dễ mua xe, có nhà?- Ảnh 1.

Không ít người trẻ ở quê, nhờ chí thú làm ăn, biết cách tiết kiệm... đã xây được nhà bề thế khang trang, mua ô tô, có cuộc sống thoải mái, ổn định

ẢNH: THANH NAM

Chí thú làm việc, lại được sự hỗ trợ của gia đình, năm 2024 anh Sơn xây nhà. Mục tiêu năm 2025 của anh là mua được ô tô. "Mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau. Tuy nhiên theo tôi, về quê dễ sống hơn. Ai cũng có ước mơ có nhà, có xe. Nếu về quê làm việc thì dễ chạm đến ước mơ ấy", anh Sơn nói.

Tương tự, một số người trẻ cho biết nhờ về quê sống nên có của dư của để, không phải gặp nhiều khó khăn như khi mưu sinh ở xa.

"Tâm lý của nhiều người ở quê là muốn Nam tiến để lập nghiệp. Chẳng hạn ở quê tôi (xã Bình Mỹ, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi), có không ít người trẻ vào các tỉnh, thành như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… để làm ăn. Nhưng có vẻ như không nhiều người trong số đó thành công và cũng đã có trường hợp rời phố sau nhiều năm bám trụ, về quê sinh sống", anh Nguyễn Ngọc Ngãi (35 tuổi), chia sẻ.

Bản thân anh Ngãi cũng từng làm việc cho một công ty điện tử tại Q.Bình Tân, TP.HCM. "Chi phí ở thành phố khá cao, thậm chí đắt đỏ. Lại phải thuê trọ, đi lại tốn kém… Lương mỗi tháng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Làm hoài không thấy dư nên tôi về quê xin vào làm ở Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), với mức lương thấp hơn khi làm ở TP.HCM. Thế nhưng tôi dành dụm được mỗi tháng vài triệu đồng. Cuối năm vừa rồi tôi mua được ô tô", anh Ngãi cho hay.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà (34 tuổi, ngụ xã Hành Phước, H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) từng có thời gian làm quản lý một thương hiệu thời trang nữ ở TP.HCM, mức thu nhập mỗi tháng đến 25 - 28 triệu đồng nhưng vẫn không tiết kiệm được.

"Cuối năm 2021, tôi về quê sống, mở một quán cà phê và bán thêm đặc sản online. Nhờ vậy mà cuộc sống trở nên thong thả hơn, tiết kiệm được nhiều hơn", chị Hà chia sẻ và thổ lộ đã mua được mảnh đất ở xã lân cận để làm vốn, khi cưới chồng sẽ xây nhà.

Làm việc ở đâu cũng có thể mua xe, mua nhà, nếu…

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến ngược lại. Minh chứng là nhiều người trẻ chọn TP.HCM, Đà Nẵng để làm việc, vẫn mua được nhà, ô tô…

Lập nghiệp ở quê dễ mua xe, có nhà?- Ảnh 2.

Có nhiều người rời quê để đến thành phố, và lập nghiệp, mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau cùng ước mơ mua được nhà, mua được xe

Ảnh: Lê Lâm

"Đồng ý là sống ở quê dễ tích lũy tiền bạc, của cải hơn so với lập nghiệp ở thành phố. Bởi ở quê mức sống thấp, 100.000 đồng có thể đi chợ mua thức ăn một ngày cho cả gia đình 3 người. Những chi phí khác cũng vừa phải. Nhờ vậy giúp dễ tiết kiệm hơn. Thế nhưng nếu sống ở thành phố, biết cách tiết kiệm, vẫn có thể mua nhà, mua xe", chị Nguyễn Thị Thùy Kim (36 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH kỹ thuật Tiêu Điểm, KCN Tân Bình (TP.HCM), nói và kể thêm: "Tôi có rất nhiều người bạn thành công trong cuộc sống".

Theo anh Đào Thanh Nhật (37 tuổi), làm việc ở Công ty phần mềm ứng dụng Đà Nẵng (TP.Đà Nẵng), mỗi người có lựa chọn khác nhau trong cuộc sống. Có người thích làm việc ở thành phố và ngược lại, có nhiều người chỉ muốn sống ở quê; miễn sao sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu, mong muốn của họ.

"Tôi nghĩ dù làm việc, lập nghiệp ở đâu thì đều có cơ hội thực hiện mơ ước của bản thân, không phân biệt là thành phố hay quê. Điều quan trọng là phải biết dành dụm, không tiêu xài quá đà", anh Nhật nói.

Khi đề cập quan điểm cho rằng lập nghiệp ở quê dễ mua xe, có nhà hơn là làm việc ở thành phố, thạc sĩ Hoàng Thanh Tùng, giảng viên Trường ĐH Tài chính - Kế toán (Quảng Ngãi), cho hay: "Cho dù lựa chọn làm việc ở đâu đi chăng nữa, nếu có mục đích sống, kế hoạch chinh phục những mong muốn một cách chỉn chu, bên cạnh đó nếu biết sống tiết kiệm… thì vẫn có cơ hội mua nhà, mua xe".

"Nếu làm việc ở thành phố với mức lương 25 - 30 triệu đồng mỗi tháng nhưng "làm đồng nào xài đồng đó" thì không thể có khoản dư, gửi tiết kiệm nhằm phục vụ cho những dự định trong tương lai. Ngược lại, nếu làm việc với mức lương 8 - 10 triệu đồng mỗi tháng, mà có kế hoạch chi tiêu hợp lý, nỗ lực thực hiện bằng được những mong cầu, cố gắng mỗi tháng để dành một khoản tiền… thì vẫn có thể mua nhà, mua ô tô", ông Tùng nói thêm.

Chuyên gia này cho rằng: "Làm việc, lập nghiệp ở đâu, hay lương mỗi tháng bao nhiêu không phải là điều quá quan trọng trong việc làm giàu. Quan trọng là mỗi tháng tiết kiệm được bao nhiêu tiền, cần lập kế hoạch chi tiêu cá nhân hợp lý, tiết kiệm".

Bà Trần Thị Diệu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Skill Media, TP.Thủ Đức (TP.HCM), chia sẻ: "Để có sự ổn định về tài chính, người trẻ, nhất là những ai đã đi làm, có gia đình, cần biết cách lập kế hoạch chi tiêu hiệu quả. Qua đó quản lý tài chính cá nhân, không rơi vào tình trạng tiêu xài quá đà dẫn đến lãng phí, không thể tiết kiệm".

Theo bà Hiền, mỗi tháng cần liệt kê tất cả các khoản thu, chi rõ ràng, chi tiết. Chẳng hạn, khoản thu sẽ là: tiền lương, lợi nhuận từ kinh doanh, đầu tư. Khoản chi gồm cả chi phí cố định (học phí cho con, chi phí cho cuộc sống, tiền thuê trọ…) cũng như những khoản có thể phát sinh (mua sắm, giải trí…). Sau đó, dự trù để phân bổ ngân sách cho từng khoản chi một cách hợp lý và đừng quên chừa một phần để tiết kiệm.

"Có thể áp dụng quy tắc 50/30/20 để phân bổ ngân sách. Trong đó 50% dành cho việc chi đối với những nhu cầu thiết yếu, 30% cho chi tiêu cá nhân, và 20% cho tiết kiệm. Ví dụ như một tháng nếu có mức lương 20 triệu đồng, thì dành chi tiêu cho những nhu cầu cần thiết là 10 triệu đồng, 6 triệu đồng để chi tiêu phát sinh và tiết kiệm 4 triệu đồng", bà Hiền cho hay.

Bà Hiền chia sẻ thêm: "Cuối ngày, có thể ghi chép lại các khoản chi tiêu để theo dõi tình hình tài chính. Việc này sẽ tạo thành thói quen chi tiêu phù hợp. Ngoài ra, đừng bao giờ "vung tay quá trán" khi có nhu cầu mua sắm và cần thay đổi những thói quen đã từng lãng phí. Ngoài ra, cũng nên tham khảo những mẹo tiết kiệm từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp để có thể ứng dụng".

"Nếu lập kế hoạch chi tiêu hiệu quả và thực hiện đúng sẽ giúp tăng cao khả năng đạt được mục tiêu tài chính dài hạn một cách hiệu quả. Từ đó người trẻ có thể hiện thực hóa giấc mơ mua ô tô, xây nhà…", bà Hiền nói. 

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao