Ít ai biết, người phụ nữ ấy chính là bà Ngô Thị Hiền, 58 tuổi, hiện ở TP. Đà Lạt. Trước đây, bà Hiền từ ngoài Bắc vào đây định cư. Đến năm 1997, bà sinh con gái đầu lòng. Năm 2000 thì sinh người còn gái thứ 2.
Mang bụng bầu ra mộ kể chuyện
Một ngày, bà vô tình đọc được câu chuyện về mối tình của cô Thảo và chú Tâm.
"Lần đầu tiên tôi đọc mà nước mắt cứ lưng tròng. Bởi chú Tâm và cô Thảo yêu nhau chân thành. Cô Thảo vốn mồ côi, đặt hết tình yêu vào chú Tâm, nhưng vì gia đình người yêu cấm cản, nên cô tự vẫn. Đến bây giờ, dù đã kể câu chuyện này không biết bao nhiêu lần, nhưng tôi vẫn rất thương cô Thảo", bà Hiền cho biết.

Người phụ này cũng góp phần tạo nên sự đặc biệt của câu chuyện "Đồi thông hai mộ"
ẢNH: MINH LUÂN
Từ khi đọc xong câu chuyện, bà Hiền ngày ngày tìm đến mộ của chú Tâm và cô Thảo để dọn dẹp.
"Khi xưa, cây cối đường sá còn hoang sơ, trên đồi thông có nhiều mộ lắm. Khách du lịch thường ít người biết 2 ngôi mộ này nằm đâu. Nên tôi ngoài việc dọn dẹp mộ cho sạch sẽ, thì chỉ cho khách biết mộ của chú Tâm và cô Thảo nằm ở dưới đồi. Hồi đó, tôi cũng không nghĩ là mình sẽ kể chuyện tình của cô chú", bà Hiền cho biết thêm.
Có những hôm khách đến mà không có hướng dẫn viên kể lại câu chuyện, bà Hiền chỉ đơn thuần kể lại cho người ta nghe. Rồi dần dà, câu chuyện "Đồi thông hai mộ" như một phần không thể thiếu trong cuộc đời của bà Hiền suốt 27 năm qua.

Gần 30 năm, người phụ nữ này vẫn bền bỉ quét dọn mộ phần mà không chờ ai phải trả công
ẢNH: MINH LUÂN
Bà Hiền kể: "Khi có gia đình, có con, nhiều người cũng giới thiệu việc làm cho tôi, nhưng không hiểu sao, tôi không nhận, mà cứ ra mộ. Đến khi có bầu con gái thứ 2 vào năm 1999, tôi vẫn ra mộ quét dọn và kể chuyện. Lúc sinh con vào năm 2000, con nhỏ quấy khóc, gia đình ngăn cản không cho ra mộ, nhưng bà Hiền vẫn không thể bỏ được việc quét dọn mộ phần chú Tâm – cô Thảo, như một thói quen thường ngày".
Suốt 27 năm, bà Hiền đã làm công việc quét dọn, kể chuyện mà không nhận lương của bất kỳ ai. Nếu ai thương tình, tùy lòng mà gởi bà chút ít tiền, không thì cũng chẳng sao. Gần đây có nhiều người khuyên bà Hiền đem nhang, trà ra mộ, nếu có ai mua thì bán, kiếm thêm thu nhập.
"Tôi ăn chay trường 14 năm rồi. Trong cuộc sống cũng không có mưu cầu gì. Chỉ khi thăm nom, dọn dẹp mộ phần của chú Tâm và cô Thảo là lòng thấy nhẹ nhàng, thanh thản", bà Hiền chia sẻ.
Nhà bà Hiền cách "Đồi thông hai mộ" khoảng 2km. Hiện 2 con gái của bà Hiền đều đã tốt nghiệp đại học. Người con lớn đã lập gia đình. "Trừ những ngày mưa to gió lớn thì ở nhà, còn lại hầu hết tôi đều ra mộ. Có lần bận việc cả tháng không ra, mà trong lòng thấy nhớ thói quen này. Với lại, không ai ra đây ngồi nổi đâu, vì trời lạnh lắm, đó là chưa kể có những ngày mưa lất phất, gió thổi mạnh, càng rét. Chắc tại là duyên, mới có thể ngồi đây mấy chục năm qua", bà kể.
Yêu nhau, đến "Đồi thông hai mộ" là chia tay?
"Có nhiều người đến thắp nhang rồi cũng hỏi tôi, vậy chớ: người ta đồn là nếu yêu nhau, đến "Đồi thông hai mộ" là về chia tay phải không? Nhưng làm gì có chuyện đó. Có những bạn trẻ yêu nhau, tới đây thắp nhang. Rồi sau này cưới nhau, sinh con, lên lại Đà Lạt vẫn tới đây. Rồi họ kể lại hồi trước lên đây như thế nào, năm bao nhiêu… tôi mới biết. Chuyện hợp thành hay chia tay lúc yêu nhau nó có nhiều nguyên nhân, chớ đâu phải "mê tín dị đoan" kiểu như vậy.

Người phụ nữ kể chuyện đồi thông hai mộ
ẢNH: MINH LUÂN
Cũng tại đây, nhiều du khách đến nghe kể chuyện, đến trời tối mịt mới về. Có người còn bỏ quên điện thoại, bóp ví, rồi bà giữ lại, người ta đến tìm thì trả lại.
Những năm 2.000, có nhiều lần ra mộ, ly tách, lư hương, bình bông thờ cúng bị người say rượu, hoặc những thành phần "bất hảo" đập phá, thì bà tự bỏ tiền túi ra mua cái mới cho mộ phần đàng hoàng, tươm tất.
Cũng theo bà Hiền, mộ hồi xưa không được khang trang như bây giờ. Xưa có một thầy giáo dạy tiếng Anh từ TP.HCM đến rồi góp tiền làm lại mộ, lót sàn xi măng. Sau có mấy cô ở Đà Nẵng vào thấy tôi quét dọn sàn xi măng cực quá nên ốp gạch men. Còn đường đi thì là bác tài xế chở khách lên này, rồi phát nguyện xây cái đường xi măng đi vào, chứ xưa là đường đất.
"Trước đây, câu chuyện được bác Lộc (đã mất cách đây nhiều năm), kể ở quán của bác. Sau bác thu âm vào đĩa hát, có khách tới thì mở lên. Khi đó, chỉ có mình bác là kể câu chuyện này. Tôi cũng cám ơn bác, vì đọc sách và nghe bác kể nữa, nên dần biết và kể lại cho người khác nghe.
Đường vào quán Chiều có 2 cây thông tình yêu. Người dân nói 2 cô chú hẹn hò ngày trước. Tự nhiên 2 cây thông ngả vào nhau. Ở Đà Lạt có một cặp này mà nhiều người hay gọi là "cây thông tình yêu".
"Giờ tôi còn khoẻ, còn kể chuyện và ra mộ quét dọn. Đến khi nào không đi nữa thì thôi; khi đó chắc cũng sẽ người khác thực hiện công việc của tôi như bây giờ, có thể đó là người hữu duyên với cô Thảo – chú Tâm, cũng giống như tôi vậy", bà Hiền nói.
Câu chuyện Đồi thông hai mộ qua lời kể của bà Ngô Thị Hiền:
Chuyện về cô Thảo (Lê Thị Thảo) và chú Tâm (Vũ Minh Tâm) là một câu chuyện có thật, xảy ra vào năm 1956. Cô Thảo là giáo viên dạy văn của Trường Bùi Thị Xuân (Đà Lạt). Còn chú Tâm là người Gò Công (Tiền Giang), lên Đà Lạt học. Hai người yêu nhau, nhưng nhà chú Tâm lên thấy cô Thảo là đạo thiên chúa, mồ côi cha mẹ. Trong khi đó gia đình chú Tâm theo đạo phật, con nhà giàu có. Thời bấy giờ hai đạo đối lập, lại bên giàu bên nghèo, nên cha mẹ ép chú Tâm về quê lấy vợ cho môn đăng hộ đối. Trên này cô Thảo nghe tin chú Tâm về quê lấy vợ, nên buồn quá mà quyên sinh.
Chú Tâm sau khi hay tin buồn quá nguyện sau này có mất thì mang về chôn cạnh mộ cô Thảo.
Đến năm 1959, người nhà lên đem hài cốt chú Tâm về quê. Đồi thông khi đó chỉ còn lại một mộ. Nhưng người dân vẫn lập mộ thờ dù không có hài cốt.