Năng lực giới hạn có nên chọn nghề y?

Phải tự chịu quyết định khi chọn nghề

Chia sẻ với những học sinh tham dự sự kiện "Một ngày là sinh viên Trường đại học Y Hà Nội" được tổ chức hôm nay 19.4, TS Nguyễn Thị Mai Hương, giảng viên ngành tâm lý học Trường đại học Y Hà Nội, cho rằng có căn cứ khoa học cho thấy người ta có nhiều cơ hội thành công khi chọn nghề mình yêu thích.

Năng lực giới hạn có nên chọn nghề yêu thích trong ngành Y? - Ảnh 1.

TS Nguyễn Thị Mai Hương, chuyên gia tâm lý Trường đại học Y Hà Nội, cho biết tư duy phát triển giúp học sinh dám dấn thân trong các quá trình học tập cũng như lựa chọn nghề

ẢNH: HỮU LINH

Tại sự kiện nói trên, TS Nguyễn Thị Mai Hương đã thể hiện sự đồng cảm với hơn 600 học sinh đến từ nhiều trường THPT về sự khó khăn khi chọn nghề ở tuổi 18.

Đây là lứa tuổi mà thùy trán của não bộ người (chịu trách nhiệm cho suy nghĩ, phán đoán, lên kế hoạch, điều tiết cảm xúc, hành vi bốc đồng) chưa phát triển đầy đủ, đang trải qua quá trình tái cấu trúc và mở rộng quy mô.

Quá trình tái cấu trúc này cần một thời gian khá dài để hoàn thiện (nữ khoảng 24 tuổi, nam khoảng 30 tuổi), điều này đã lý giải vì sao tuổi teen thường có cảm xúc mạnh, lấn át lý trí, nhiều khi lại có cách hành xử khó hiểu. Bộ não tuổi teen mang đến những lợi thế vượt trội trong học tập nhờ vào tính mềm dẻo, song cũng chứa đựng những yếu tố dễ tổn thương.

Theo TS Nguyễn Thị Mai Hương, yếu tố ảnh hưởng đầu tiên tới việc chọn nghề của mỗi học sinh là gia đình. Sau đó là bạn bè, rồi môi trường xã hội… Nhưng cũng theo khoa học tâm lý, học sinh lớp 12 đã có sự trưởng thành sâu sắc hơn về khả năng tự nhận thức bản thân. Ví dụ như đã có thể biết mình có những điểm mạnh, những hạn chế gì, học được cách tôn trọng và yêu thương bản thân mình như thế nào.

Điều đó củng cố và xây dựng cho các bạn học sinh lòng tự tin, lòng tự trọng, có khả năng quyết định và tự chịu trách nhiệm cao nhất cho quyết định đó. Đây là một bước "chuyển mình", giúp người học đạt được sự trưởng thành về kỹ năng giải quyết vấn đề trong bậc học cao hơn.

"Chúng ta lưu ý là không chọn nghề theo phong trào, hay dựa vào những ý kiến chủ quan của người khác. Có thể tham khảo ý kiến của người khác, nhưng cần đặc biệt tôn trọng quyết định của mình, chịu trách nhiệm với quyết định của mình", TS Nguyễn Thị Mai Hương khuyến cáo.

Đừng tự giới hạn lựa chọn của bản thân

Theo TS Nguyễn Thị Mai Hương, con đường dẫn tới thành công là sự lựa chọn xuất phát từ trái tim, từ tình yêu và sự chân thành của chúng ta với chính bản thân mình, với những người thân yêu. Điều đó sẽ giúp chúng ta có được những cống hiến hữu ích nhất, lành mạnh nhất cho bản thân, cho gia đình và xã hội.

Với ngành y, yếu tố này vô cùng quan trọng. "Sinh viên Trường đại học Y Hà Nội có câu slogan: "Học tốt, mơ nhiều, yêu say đắm". Yêu ở đây không phải về một mối quan hệ lãng mạn mà là nói về niềm khát khao, về lý tưởng, về thứ tạo cho chúng ta cái động lực bên trong để vượt qua hành trình học tập cực kỳ gian nan", TS Nguyễn Thị Mai Hương giải thích.

Năng lực giới hạn có nên chọn nghề yêu thích trong ngành Y? - Ảnh 2.

Các học sinh trong hoạt động trải nghiệm "Một ngày ở Trường đại học Y Hà Nội" ngày 19.4

ẢNH: HỮU LINH

Nhiều bạn lo lắng có nên lựa chọn theo "tình yêu" nhưng khả năng mình không đáp ứng được yêu cầu của ngành học, của nhà trường, nhất là những ngành lấy điểm chuẩn cao như ngành y khoa. Nhưng tâm lý học cho thấy động cơ bên trong sẽ giúp người học tiến bộ hơn. Động cơ bên trong là thứ khiến người ta nỗ lực vì giá trị, vì lợi ích của chính mình, giúp họ biết chịu trách nhiệm, biết kiên trì khi đối diện với những thử thách.

Mặt khác, thuyết tư duy cho thấy bên cạnh tư duy cố định có tư duy phát triển. Tư duy phát triển giúp người ta có niềm tin năng lực và tài năng có thể phát triển qua thời gian, một người có thể học được những điều mới mẻ nếu có nỗ lực, tin rằng thất bại là một phần của quá trình học tập.

Tư duy phát triển kích thích con người bước ra khỏi vùng an toàn, tăng cường cơ hội, thay đổi bản thân. Giúp người ta dám dấn thân trong các quá trình học tập cũng như lựa chọn nghề nghiệp. Tuy mỗi người cần biết giới hạn của mình nhưng không có nghĩa là luôn đặt mình vào kiểu tư duy cố định. Khi thấy kết quả thi thử tốt nghiệp THPT của mình thấp thế thì kỳ thi thật sắp tới sẽ chẳng ra gì, cách nghĩ này khiến chúng ta giảm động lực học tập.

"Hơn nữa, mỗi người nên mở ra cho mình nhiều cơ hội, tiếp tục khám phá bản thân để nhận ra các chỉ dấu tin cậy trong việc lựa chọn hướng đi phù hợp. Có thể có những bạn thích nghề y, nhưng nếu thấy năng lực của mình không phù hợp thì có thể xem xét những nghề khác ngay trong trường y.

Chẳng hạn Trường đại học Y Hà Nội đang hướng tới đào tạo đa ngành (năm 2024 nhà trường tuyển sinh 17 mã ngành), nên các bạn học sinh có rất nhiều cơ hội phù hợp với năng lực mà các bạn đang có. Với tư duy phát triển, chúng ta sẽ có cơ hội để phát triển bản thân ngày một tốt hơn khi được đặt vào một môi trường lành mạnh và tích cực", TS Nguyễn Thị Mai Hương chia sẻ.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao