Bất ngờ với sáng kiến loại bỏ cặn bẩn bồn chứa nước

Giải quyết vấn đề mà người dân thường e ngại về bồn chứa nước

"Bộ hút cặn bẩn trong bồn chứa nước" là sáng kiến của nhóm sinh viên ĐH Đà Nẵng gồm: Nguyễn Thanh Phúc, Hồ Thị Thu Hằng, Hoàng Anh Sơn (cùng học Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) và Huỳnh Quỳnh Anh (Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng).

Theo Hoàng Anh Sơn, qua khảo sát thực tế, đã nghe người dân chia sẻ lý do chẳng quan tâm, không đoái hoài đến việc vệ sinh bồn chứa nước bởi vì nhiều lý do như: không có thời gian, vị trí lắp đặt bồn nước ở nơi khó khăn cho việc vệ sinh, cọ rửa… "Và từ những lời kể ấy, chúng mình cho ra đời thiết bị sẽ giải quyết được những vấn đề mà người dân e ngại", Sơn nói.

Bất ngờ với sáng kiến giúp loại cặn bẩn bồn chứa nước - Ảnh 1.

Nhóm sinh viên của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng và Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng đã cùng nhau nghiên cứu bộ hút cặn bẩn trong bồn chứa nước

ẢNH: HỮU TÙNG

Trưởng nhóm Nguyễn Thanh Phúc cho hay các bộ phận trên thiết bị được chế tạo dựa trên việc phân tích cấu tạo của bồn chứa nước. Thiết bị sẽ gồm nhiều bộ phận như: hệ thống đầu phun đẩy cặn, bộ hút cặn, thiết bị điện, phần mềm kết nối với điện thoại…

"Thiết bị hoạt động hoàn toàn dựa trên các nguyên tắc vật lý. Hệ thống đầu phun đẩy cặn sử dụng nguồn nước cấp vào bồn chứa dẫn ống xả xuống đáy bồn để đẩy cặn bẩn tập trung về vị trí bộ hút. Chúng mình đã thực nghiệm thiết bị tại một số hộ gia đình. Kết quả nhận lại hết sức khả quan. Nhờ thấy thiết bị loại cặn bẩn bồn nước rất hiệu quả nên người dân đã phản hồi tích cực. Đồng thời họ cũng mong muốn được sử dụng sản phẩm của nhóm", Phúc kể.

Cũng theo Phúc, trước khi có những thành công bước đầu đó, cả nhóm đã trải qua không ít khó khăn.

Phúc chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất là nhóm phải đi đến rất nhiều hộ gia đình để đi xin mẫu nước và lắp đặt thiết bị. Không phải ai cũng đồng ý cho phép nhóm nghiên cứu. Rồi chưa kể có rất nhiều lần nhóm gặp phải thất bại trong quá trình nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm sản phẩm", Phúc nhớ lại.

Bất ngờ với sáng kiến giúp loại cặn bẩn bồn chứa nước - Ảnh 2.

Các thành viên trong nhóm cho biết thời gian tới sẽ thương mại hóa sản phẩm

ẢNH: HỮU TÙNG

Giúp hạn chế những ảnh hưởng không tốt đến cơ thể con người từ nguồn nước

Huỳnh Quỳnh Anh chia sẻ: "Thời gian sắp tới, nhóm sẽ thương mại hóa sản phẩm hút cặn bẩn trong bồn chứa nước có ưu điểm là giải pháp xử lý trực tiếp cặn bẩn mà không tốn sức người hay sử dụng hóa chất này. Để qua đó có thể đưa thiết bị hữu dụng này đến với nhiều người dùng, chung tay nâng cao sức khỏe của người dân. Khi đưa ra thị trường, thiết bị này sẽ có giá bán khoảng 5 triệu đồng".

Nói về định hướng trong thời gian sắp tới, Sơn cho biết: "Chúng mình sẽ nghiên cứu lắp cho thiết bị một bộ cảm biến độ đục để có thể tự động hóa hoàn toàn cho bộ lọc (hiện nay là lọc theo định kì được thiết lập). Hiện nay, nhóm đang thử nghiệm một ứng dụng riêng để theo dõi các thông số nước tại từng hộ gia đình. Tuy nhiên vẫn muốn thiết bị "đẹp không tì vết", hoàn thiện hơn nữa".

PGS.TS Lê Thị Xuân Thùy, giảng viên Khoa Môi trường (Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng), đánh giá: "Đây là nghiên cứu có ý nghĩa rất lớn và rất thiết thực với cộng đồng, gần gũi với cuộc sống. Hãy thử trèo lên xem đáy của bồn chứa nước của nhà mình, mọi người sẽ hiểu được sự cần thiết của một thiết bị hút bùn cặn mà không sử dụng bất kỳ thiết bị lọc hay vật liệu lọc gì. Sản phẩm cho thấy khả năng ứng dụng thực tế rất cao và rất tiện lợi. Với khả năng thiết lập tự hoạt động và giá thành thấp, thiết bị này sẽ là giải pháp kinh tế, cũng như vấn đề về thời gian, nhân lực vệ sinh… cho nhiều gia đình. Quan trọng nhất, là hạn chế những ảnh hưởng không tốt đến cơ thể con người từ nguồn nước".

Theo PGS.TS Võ Tuấn Minh, Phó trưởng phòng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng): "Nghiên cứu bộ hút cặn bẩn trong bồn chứa nước của nhóm sinh viên là nghiên cứu có tính hữu ích rất cao và khả năng áp dụng vào thực tế hoàn toàn khả thi. Hiện nay, có thể nói hầu hết các bồn nước của hộ gia đình đều chủ yếu được để nguyên qua thời gian dài và ít được chùi rửa do thường đặt ở vị trí cao, khó tiếp cận. Do vậy, cặn nước sẽ lắng xuống và thấm vào nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến chất lượng nước cũng như cũng có thể làm hư các thiết bị nước nóng lạnh. Vì vậy, nghiên cứu này của nhóm sinh viên những tưởng không mang nhiều tính công nghệ cao nhưng lại rất thực tiễn, có thể được áp dụng ngay nếu nâng hiệu suất lọc".

PGS.TS Võ Tuấn Minh cũng cho biết nghiên cứu này cũng chỉ rõ các phát minh, sáng kiến mới hoàn toàn không nhất thiết phải dựa vào những công nghệ tối tân. Mà là sự quan sát xung quanh kết hợp với những kiến thức được học để đưa ra ý tưởng.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao