Hương vị quê hương: Nghe mưa, nhớ canh bông điên điển

Bắt trúng mạch những khách miền Trung xa ngái rất muốn biết về loại bông này, anh tài xế trẻ vui tính, quê Cà Mau, nói: "Ca dao quê em đây: Canh chua điên điển cá linh/ Ăn chỉ một mình nên chẳng biết ngon. Hay... Điên điển mà đem muối chua/ Ăn cặp cá nướng đến vua cũng thèm".

Điên điển là một loại cây hễ nghe nước nổi là "nổi" lên theo. Lơ lơ mấy tuần không để ý đã thấy điên điển mọc lên mảnh khảnh, phất phơ dọc bờ ruộng bờ mương. Sắc độ của bông điên điển lạ lắm. Nói vàng thắm, vàng mơ, vàng đượm, cái màu vàng vừa dân dã vừa kiêu sa… chắc gì đã đúng. Học giả Vương Hồng Sển từng ví bông điên điển đẹp như cô gái "Miên tân".

Hương vị quê hương: Nghe mưa, nhớ canh bông điên điển- Ảnh 1.

Canh bông điên điển

ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN

Với người miền Tây, bông điên điển không chỉ để ngắm suông mà còn là nguyên liệu chế biến những món ăn ngon, đến mức trở thành niềm tự hào về ẩm thực cho vùng đất Nam bộ. Bông điên điển có thể một mình làm nên món luộc chấm mắm kho quẹt danh bất hư truyền, món dưa chua "đến vua cũng thèm", hoặc tham gia vào nhiều món như canh chua cá linh, gỏi tép đồng, ếch xào, bún riêu cua, bánh xèo…

Đang mạch "thơ ca", tôi phụ họa đôi câu của nhà thơ Thanh Thảo: "Bông điên điển mở cánh vàng nóng hổi. Là nắng chiều đẫm lại giữa lòng tay". Có người thấy "tội" cho bông điên điển, nói bông đẹp và thơ vậy mà xào với luộc… có phũ phàng quá không? Tài xế cãi: "Để nó héo tàn rồi vứt đi còn quá cha phũ phàng. Có thực mới vực được… thơ. Đâu riêng gì bông điên điển, bông bí, bông thiên lý, bông chuối, bông hồng, bông cúc cũng bước vào thơ, rồi cũng ra tấm ra món trên mâm cơm mùa lũ".

Bông điên điển thường được hái lúc trời chạng vạng. Khi đó bông vừa hé nhụy, mũm mĩm, căng tròn, nõn nường, tươi tắn, rực rỡ. Nếu hái vào buổi sáng, thời điểm bông bừng nở quyến rũ, hấp dẫn bầy ong thì chất ngọt thơm tinh túy nhất của bông không còn bao nhiêu nữa.

Canh bông điên điển nấu với chả cá đồng ở một quán ven đường chiều nay để lại trong mỗi người chúng tôi nhiều ấn tượng và cảm xúc. Hòa trong nước canh rồi, màu vàng của bông phai một ít rồi, nhưng vẫn còn "thanh tân" lắm. Nước canh chua chua ngòn ngọt. Bông điên điển cũng ngòn ngọt chua chua thêm chút giòn giòn. Khác với canh chua miền Trung (thường là lá giang, khế, me) chua đậm, canh chua bông điên điển miền Tây mùa nước nổi chua nhẹ, chua thầm, chua lặng lẽ, khẽ khàng nhưng ngấm ngầm lưu lại "cái hậu" trên đầu lưỡi. Nói cách khác, bông điên điển đã "nhập" vào tôi từ món canh thanh khiết này. Tôi ăn nhẩn nha, chầm chậm để vừa cảm biết, vừa nghe thấy, vừa "ghi lại" một món ăn thuần hậu đặc trưng của vùng đồng bằng mang tên dòng sông "chín nhánh".

Giờ Quảng Ngãi đang mùa gió bấc. Những người bạn miền Tây của tôi trong đó chắc không biết có một người ngồi bên thềm nghe mưa và nhớ lắm canh bông điên điển.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao