Nhiều nhà xuất bản chưa bố trí được chức danh lãnh đạo

Đây là một trong những hạn chế của ngành xuất bản được nêu lên tại Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản 2024 do Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT-TT và Hội Xuất bản tổ chức ngày 16.1.

Nhiều nhà xuất bản chưa bố trí được chức danh lãnh đạo- Ảnh 1.

Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản 2024

ẢNH: T.HẰNG

Theo ông Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo T.Ư, năm 2024, ngành xuất bản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, chất lượng các xuất bản phẩm ngày càng được nâng cao. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà xuất bản tiếp tục ổn định và có sự tăng trưởng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản; tăng cường hoạt động xuất bản điện tử, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, tri thức của nhân dân.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành xuất bản. Theo đó, một số cơ quan chủ quản nhà xuất bản chưa thực sự chú trọng tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý.

Kiểm tra, giám sát hoạt động của nhà xuất bản, nhất là trong việc phát hiện, xử lý những vấn đề liên quan tới nội dung các xuất bản phẩm vi phạm, những nội dung có tính nhạy cảm, phức tạp. Khi có xuất bản phẩm sai phạm xảy ra, cơ quan chủ quản thiếu sự phối hợp trong giải quyết, khắc phục hậu quả.

Cạnh đó, công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực nhà xuất bản, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo tại một số nhà xuất bản chưa thực sự được quan tâm, bồi dưỡng. Vì vậy, nhân sự kế cận cho nhà xuất bản chưa có sự chuẩn bị tốt, dẫn đến tình trạng một số nhà xuất bản có thời gian dài chưa bố trí, sắp được các chức danh lãnh đạo, phải kiêm nhiệm, hoặc chưa đủ nhân sự lãnh đạo theo đúng Quy định 100 của Ban Bí thư và theo luật Xuất bản.

Điều này dẫn đến việc khi có cán bộ nghỉ hưu hoặc chuyển công tác thì không có người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm thay thế; đội ngũ cán bộ biên tập viên được trẻ hóa song trình độ lý luận chính trị và nghiệp vụ còn bất cập, hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Cụ thể, Nhà xuất bản Tổng hợp TP. HCM thiếu chức danh giám đốc, tổng biên tập; Nhà xuất bản Thanh Hóa thiếu chức danh tổng biên tập; Nhà xuất bản Khoa học xã hội và Nhà xuất bản Thống kê chỉ được giao quyền giám đốc; Nhà xuất bản Đại học kinh tế quốc dân và Nhà xuất bản Đại học Công nghiệp TP.HCM chỉ được giao phụ trách để điều hành hoạt động của nhà xuất bản; Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM và Nhà xuất bản Đại học Kinh tế TP.HCM chưa có chức danh lãnh đạo mà do lãnh đạo cơ quan chủ quản kiêm nhiệm.

Quy hoạch ngành xuất bản theo hướng tinh gọn

Trong năm 2025, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT-TT và Hội Xuất bản Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng "sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa".

Đối với cơ quan chủ quản nhà xuất bản, Ban Tuyên giáo T.Ư đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống các nhà xuất bản. Quyết tâm thực hiện quy hoạch ngành xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa để xuất bản phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Tăng cường thực hiện nhiệm vụ chủ quản nhà xuất bản; quan tâm công tác cán bộ, có kế hoạch đào tạo, quy hoạch cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao