Những cầu nối hấp dẫn
Trung tuần tháng 12, hai đêm Music Symphony trình diễn nhạc của các bộ phim Hollywood nổi tiếng như Xứ cát, Harry Potter, Nhiệm vụ bất khả thi, Cướp biển vùng Caribe… với dàn giao hưởng gồm hơn 60 nhạc công và nhạc trưởng Izzy Getzov tài danh đến từ Mỹ đã diễn ra thành công tại TP.HCM. Lượng lớn khán giả trẻ đến với đêm nhạc chứng minh cho sự khởi sắc của thể loại này.
Một sự kiện khác cũng gây chú ý mới đây là Rock Symphony được tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội, trình diễn những bản nhạc rock quốc tế kinh điển kết hợp với dàn nhạc giao hưởng Cam Philharmonic. Với sự xuất hiện của đa dạng giọng ca thuộc nhiều thế hệ như NSND Thanh Lam, Việt James - giọng ca chính của ban nhạc Thủy Triều Đỏ, Đỗ Hoàng Hiệp - cựu giọng ca chính của nhóm Ngũ Cung, Thỏ Trauma… chương trình thu hút nhiều sự quan tâm, trong đó có các bạn trẻ yêu nhạc.
Ngoài ra xuyên suốt trong năm qua, nhiều đêm diễn tái hiện các bản nhạc phim của xưởng hoạt hình Ghibli nổi tiếng Nhật Bản cũng gây chú ý. Đây là mô hình áp dụng từ nhiều năm trước, nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của đa số khán giả, nhất là khán giả trẻ, nên các chủ đề này trở lại ngày càng nhiều hơn, dần trở thành thói quen đặc biệt của không ít người từ đam mê điện ảnh chuyển sang yêu thích giao hưởng.
Chia sẻ với Thanh Niên, bà Nguyễn Thanh Lâm Thi, người đồng sáng lập thương hiệu La - A different way of music, đơn vị tổ chức 2 đêm Movie Symphony, cho biết: "Những thể loại như giao hưởng hay thính phòng không quá dễ tiếp cận với đa số khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Với mong muốn tạo cầu nối để dù có là ai thì mọi người đều sẽ thấy được vẻ đẹp của nhạc giao hưởng, chúng tôi đã xây dựng nên chương trình này. Ban đầu, chúng tôi nhờ một loại hình khác như điện ảnh trở thành đòn bẩy, từ đó bắc cầu sang trình diễn các bản nhạc phim đình đám mà không ít khán giả đã thuộc nằm lòng. Ngược lại, với những khán giả chưa xem qua các phim này, thì với những giai điệu tuyệt đẹp cùng sự hoành tráng khi được chơi trực tiếp bởi dàn giao hưởng, chúng tôi hy vọng không chỉ người trẻ mà thế hệ trước cũng sẽ kết nối được với tác phẩm".
Cách tiếp cận thú vị
Nhìn vào sự đón nhận vừa qua, có thể thấy đây là cách làm hợp lý và đã chạm được đến đa số khán giả. Thành công là bởi nhà tổ chức đã rất nhạy bén để có thể thay đổi quan điểm gần như mặc định rằng nhạc cổ điển không dễ nghe, từ đó mang đến trải nghiệm thú vị và mới mẻ hơn, cũng như đặt được nền móng cho những chương trình lý thú và đặc sắc hơn trong tương lai gần. Chia sẻ với Thanh Niên, nhạc trưởng Izzy Getzov cho biết: "Ai cũng có thể kết nối với điện ảnh và nhạc phim, do đó có thể coi đây là cơ hội hoàn hảo để đưa khán giả trẻ đến gần hơn với nhạc giao hưởng". Ông cũng cho biết bản thân cảm thấy nguồn năng lượng tuyệt vời khi đứng trên sân khấu, bởi khán giả VN rất cởi mở, hứng thú và không ngại thể hiện cảm xúc theo từng phần trình diễn.
Để xóa bỏ quan điểm quen thuộc về sự nghiêm cẩn của thể loại này, kịch bản chương trình của những đêm diễn vừa qua được thay đổi sao cho hài hòa và phù hợp hơn với thế hệ mới. Chẳng hạn ở Movie Symphony, khi trình diễn nhạc phim Công viên kỷ Jura, những nhân vật hóa trang thành khủng long xuất hiện một cách bất ngờ khiến khán giả thích thú. Ngoài ra, nhạc phim Harry Potter từng gây sốt trên mạng xã hội cũng được dàn nhạc chơi lại một cách dí dỏm. Hay ở Rock Symphony, khán giả được khuyến khích cùng cất tiếng hát với nghệ sĩ cũng như dàn nhạc thông qua màn hình có chiếu lời hát của những ca khúc bất hủ…
Khi được hỏi yếu tố nào có thể giúp thể loại này có sức sống dài lâu và được khán giả trẻ quan tâm hơn nữa, nhạc trưởng Getzov cho biết đó là chất lượng chương trình và trải nghiệm phải thật thú vị - nơi khán giả không chỉ ngồi và nghe, dàn nhạc không chỉ ngồi và đánh, mà cả hai phía nên tương tác nhiều hơn. Bà Lâm Thi nói rõ hơn: "Định hướng chung nhất của chúng tôi là mang đến những buổi hòa nhạc thật sự chất lượng, dù là cổ điển hoặc trình diễn tác phẩm mới. Chất lượng luôn là ưu tiên hàng đầu để giữ chân khán giả, từ đó khiến họ mở lòng nhiều hơn với thể loại hàn lâm như cổ điển. Trên nền tảng đó, sau này chúng tôi có chơi thể loại nào đi nữa thì người nghe nói chung sẽ không còn kén hay thấy xa lạ".
Riêng về thị trường VN, bà Lâm Thi khẳng định: "Từ góc độ cá nhân, tôi nghĩ thính phòng nói riêng và giao hưởng nói chung sẽ có tương lai rộng mở trong những năm tới".