Nghệ sĩ đa tài của làng cá

DẠT DÀO LỜI CA LÀNG BIỂN

Trung tuần tháng 7.2024, tại lễ kỷ niệm 195 năm ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại (1829 - 2024) do UBND Q.Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) tổ chức, nghệ nhân ưu tú Thanh Châu đã đưa hàng trăm khán giả bước vào không gian âm nhạc tha thiết khi trình diễn ca khúc dân ca Sơn Trà yêu thương. "Nhà chồ xưa cũ ngổn ngang/Đến nay thay đổi thành nhà xây/Bao cây cầu bắc qua đây/Càng thêm thu hút, dựng xây công trình… Sơn Trà ơi! Sơn Trà cảnh đẹp thiết tha/Như vần thơ ai viết, câu ca ân tình…", giọng nghệ sĩ Thanh Châu ngân vang. Nhiều khán giả "thắc mắc" về tác giả ca từ vừa khái quát lại vừa sinh động, và họ thêm trân quý khi biết "cha đẻ" là một ngư dân dạn dày sóng gió. Ông là Cao Văn Minh (59 tuổi).

Ông Minh sinh ra và lớn lên ở làng cá Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà), địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất Đà Nẵng. Từ nhỏ, ông đã lênh đênh sóng nước, theo các tàu cá vùng vẫy khắp ngư trường, bám giữ Biển Đông. Sau những giờ vất vả đánh bắt, ngư dân lấy câu ca tiếng hò làm vui. Những giai điệu thân quen của dân ca Liên khu 5 cứ thế ngấm vào ông một cách tự nhiên. Ông tự nhận mình là người "không nhiều chữ nghĩa gì" nhưng được cái nhớ lâu, yêu âm nhạc truyền thống, yêu biển cả. Ở tuổi ngũ tuần, khi không đủ sức khỏe theo nghề biển nữa, ông lui về bờ sáng tác kịch, dân ca…

Nghệ sĩ đa tài của làng cá- Ảnh 1.

Nhật ký sáng tác của ông Cao Văn Minh ghi lại những ca khúc, kịch bản dân ca đặc sắc miền núi

ẢNH: HOÀNG SƠN

Sơn Trà yêu thương chỉ là một trong nhiều ca khúc dân ca ông viết về mảnh đất nuôi dưỡng mình. Ông còn có những tác phẩm không chỉ được biểu diễn ở quy mô hội diễn phường xã mà còn vươn tầm thành phố, trung ương như: Nại Hiên Đông quê tôi, Vân Dương ngày mới, Đà Nẵng trong ta, Hương tình Đà Nẵng… Trong đó, Đà Nẵng trong ta đã được trình diễn tại chương trình nghệ thuật hoành tráng nhân kỷ niệm 25 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc trung ương năm 2022. Đặc biệt, bài Hương tình Đà Nẵng với những ca từ giàu hình ảnh cùng giai điệu dân ca thân quen đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

Sáng tác tháng 8.2021, đến tháng 12 cùng năm ca khúc này của ông Cao Văn Minh đoạt huy chương bạc tại Hội diễn toàn quốc đàn, hát dân ca 3 miền do Bộ VH-TT-DL tổ chức ở Lâm Đồng. "Quê ta như một điệu hò/Lúc trầm lúc bổng giọng hò ngân nga/Anh theo em về phố biển Sơn Trà/Lặng nghe sóng biển khơi xa vọng về…", nghệ nhân Huyền Tân ngâm điệu cổ bản trong Hương tình Đà Nẵng rồi nhận định: "Dù là người không chuyên nhưng ông Cao Văn Minh là một ngư dân có lòng yêu biển tha thiết. Bởi vậy, khi viết dân ca, ca khúc của ông khi nào cũng dung dị, đầy trải nghiệm, lời ca mang nhiều đặc trưng miền biển hơn những tác giả khác. Đáng nể hơn, ông là người ngoại đạo trong âm nhạc nhưng bằng tài năng, sự chịu khó học hỏi đã viết nên những làn điệu chuẩn xác".

"TỔNG ĐẠO DIỄN" LỄ CẦU NGƯ

Nghệ nhân Huyền Tân cùng nghệ nhân Thanh Châu cũng là cặp đôi được ông Cao Văn Minh mời đến để trình diễn dân ca, bài chòi… dịp lễ hội cầu ngư của địa phương. Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND Q.Sơn Trà, bày tỏ cảm phục trước sự đóng góp của ông Minh trong mỗi kỳ lễ hội. "Anh Minh tuy chưa phải là bậc bô lão nhưng là một ngư dân can trường, một người am hiểu, tâm huyết với bản sắc của làng biển. Những kỳ lễ hội cầu ngư, bằng uy tín của mình, anh đã đóng góp tích cực trong gìn giữ, phát huy các giá trị đặc trưng của di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này", ông Hùng nói.

Nghệ sĩ đa tài của làng cá- Ảnh 2.

Lễ hội cầu ngư lớn nhất TP.Đà Nẵng đậm dấu ấn cá nhân ông Cao Văn Minh

ẢNH: HOÀNG SƠN

Quy mô lễ hội càng lớn, đòi hỏi người tổng chỉ huy lễ hội phải có tầm mới hiệu triệu được người dân tham gia, phải am hiểu văn hóa miền biển để thực hiện các nghi thức tâm linh bài bản. Ở Đà Nẵng, cứ vào dịp đầu năm, nhiều nơi lại tổ chức lễ cầu ngư, thế nhưng có nhiều nghi thức chỉ mang tính tái hiện. Riêng tại địa bàn Nại Hiên Đông, lễ hội do ông Cao Văn Minh chỉ đạo chung, quy mô có thể nói là lớn nhất Đà Nẵng với chuỗi hoạt động thực hành di sản chứ không chỉ biểu diễn. "Trải qua thời gian, những lễ hội cầu ngư nơi hải khẩu đã bị lai căng. Để lời thỉnh cầu của ngư dân ứng nghiệm thì lễ hội phải chuẩn xác, có lớp có lang", ông Minh nói.

Chính bởi suy nghĩ đó mà ông Cao Văn Minh dày công nghiên cứu, "cắt bỏ cái sai, đắp cao cái đúng" cho lễ hội cầu ngư. Ba tháng trước khi diễn ra, bất kể ngày đêm, ông Minh cùng các ngư dân đã chuẩn bị các nghi thức cúng tế, các buổi diễn văn nghệ, thể thao… Ông cũng là người chấp bút những bản văn tế, viết những câu đối, soạn dựng các vở chèo, hát bả trạo, dân ca miền biển… Trong 3 đêm 4 ngày, ngư dân có rất nhiều nghi thức phải thực hiện, như cáo thần cửa sông, lễ đăng đàn thượng phan, khai kinh cúng Phật, lễ cầu an, cầu mùa, lễ tống long chu, lễ tạ cô tứ chánh vạn…

Nghệ sĩ đa tài của làng cá- Ảnh 3.

Giải đua thuyền truyền thống Nại Hiên Đông là giải đua lớn nhất tại TP.Đà Nẵng

ẢNH: HOÀNG SƠN

"Quan trọng nhất là các nghi thức trong lễ thỉnh sắc Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần. Các công đoạn phải đúng, chân xác mới mong có được sự phò trợ. Lễ này cũng khởi phát nhiều hoạt động văn hóa phi vật thể đậm chất miền biển. Đặc biệt, từ lễ này mà hình thành hội đua thuyền truyền thống - môn thể thao vua trên sông nước. Lễ hội cầu ngư mà không có đua thuyền là không hoàn chỉnh", ông Minh chia sẻ. Nhờ đưa giải đua thuyền truyền thống thành thương hiệu của quận và thành phố, đầu tháng 11.2024 ông Cao Văn Minh được giao làm Chủ nhiệm CLB đua thuyền để chuẩn bị cho đội đua vào tháng 3.2025 nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng TP.Đà Nẵng.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Minh khá mệt vì vừa mới xuất viện sau ca mổ tim. Dẫu vậy, ông bảo còn sức còn cống hiến, để gìn giữ bản sắc làng chài quê mình. "Tui sẵn lòng góp sức, làm biên kịch không công nếu lãnh đạo thành phố muốn nâng tầm lễ hội cầu ngư thành sản phẩm du lịch quy mô lớn. Sau thành công của kịch bản dân ca Hồn biển, tôi ấp ủ viết Ký ức làng chài Nại Hiên và cuốn sách Nét văn hóa làng cá Nại Hiên để truyền lại cho thế hệ sau những nét tinh hoa văn hóa làng biển", ông Minh trải lòng.

Kinh ngạc với kịch bản Hồn biển

Tại lễ hội cầu ngư năm 2024, nhiều ngư dân xúc động vì thấy mình, thấy đời ngư phủ trong vở kịch dân ca Hồn biển. Tác giả Cao Văn Minh đã đưa người xem đến nhiều cung bậc cảm xúc khi được nghe dân ca, được xem những đoạn cao trào. Hồn biển đầy đủ các nhân vật như chủ tàu, người đi biển, cán bộ thủy sản, thần Nam Hải... Tác phẩm gợi lên cho người xem tình yêu biển đảo, thấm thía câu chuyện ngư dân sống dựa vào biển phải yêu biển, bảo vệ biển thì được biển đãi. Một biên kịch tay ngang như ông Cao Văn Minh đã khiến người xem kinh ngạc với kịch bản dân ca dài 2 tiếng đồng hồ với 3 phần, 13 cảnh...

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao