Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Quan ngự sử từ vàng, không đổi di chiếu

Ngôn quan - Tôi ngay không sợ chết

Vai trò của Ngự sử đài (ty Phong hiến) rất lớn như lời Phan Huy Chú là "giữ phong hóa pháp độ, chức danh rất trọng". Chức năng của Ngự sử đài là trình bày, đàn hặc những việc của thi hành pháp lệnh hà khắc, thuế khóa nặng nề, thưởng phạt không công minh của vua, hiện tượng không giữ phép nước, ăn của đút, nhũng nhiễu làm hại dân của đại thần, quan lại, theo Kiến văn tiểu lục.

Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Quan ngự sử từ vàng, không đổi di chiếu- Ảnh 1.

Tác phẩm Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn đề cập đến chức năng Ngự sử đài

ẢNH: NGỌC NHUẬN

Đô ngự sử Bùi Xương Trạch khẳng định: "Đài này là nơi rường mối của nước, tai mắt mọi người ở đó. Phải vô tư mới bắt bẻ người được, phải giữ mình đúng đắn mới chấp hành hiến pháp".

Cùng Ngự sử đài ở Trung ương, thời Lê sơ còn có Giám sát Ngự sử ở 13 đạo với chức vụ theo Lịch triều hiến chương loại chí là "xét hỏi các vụ kiện do Ngự sử đài duyệt lại lên quan bản đài xét xử, và cuối năm trình bày về chính sự hiện thời". Nhà nước còn đặt Lục khoa từ năm Canh Thìn (1460) theo dõi việc làm của Lục bộ.

Các quan ngự sử, tức ngôn quan, chức trách "phải nói" của họ còn là hặc tội những quan viên tham nhũng, lạm quyền, phạm luật, thiếu năng lực… Chức năng can gián rất nặng nề, như Minh tâm bửu giám ghi: "Dầu thấy rìu búa (phép chém giết mình được) mà cũng dám can gián vua. Dầu thấy vạc dầu sôi đe trước mắt cũng nói cho hết lời can gián vua. Như vậy mới gọi là tôi ngay; tôi ngay thì chẳng có sợ chết, nếu sợ chết thì chẳng phải tôi ngay".

Không phải là đại thần nhưng các ngôn quan được sự bảo vệ của nhà vua để thi hành nhiệm vụ.

Hy sinh cả tính mạng

Thực thi công việc, các ngôn quan đụng chạm những người chức quyền cao hơn mình, nhưng vẫn không kiêng dè. Từ lời hặc tội của Thị ngự sử Đinh Cảnh An và Nguyễn Vĩnh Tích năm Đinh Tỵ (1437) về sự chuyên quyền, lấn át vua Lê Thái Tông của Đại tư đồ Lê Sát mà sau đó Lê Sát bị xử tử, cho thấy tiếng nói của ngôn quan có trọng lượng lớn. Thậm chí năm Giáp Tý (1504), Đô ngự sử Nguyễn Quang Bật khi mẹ nuôi Lê Tuấn (Lê Uy Mục) đút lót vàng để ông thay di chiếu cho Tuấn làm vua thay vì hoàng thái tử Thuần (Lê Túc Tông), đã cứng cỏi không nhận, không làm theo. Lên ngôi năm Ất Sửu (1505), Uy Mục giết hại Quang Bật, cho thấy ngôn quan có lúc phải hy sinh cả tính mạng để bảo vệ kỷ cương phép nước.

Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Quan ngự sử từ vàng, không đổi di chiếu- Ảnh 2.

Tượng Ngự sử Bùi Cầm Hổ trong đền Đô Đài, tỉnh Hà Tĩnh

ẢNH: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THỊ XÃ HỒNG LĨNH

Trong hơn 30 vụ tham nhũng, hối lộ ở 40 năm đầu nhà Lê sơ sử sách ghi lại, ít nhất 6 vụ do các ngôn quan phát hiện: vụ của đầu bếp Nguyễn Chú năm Giáp Dần (1434), vụ Đồng quản lĩnh Lê Trung Xích và vụ Nguyễn Nhữ Soạn năm Đinh Tỵ (1437), vụ Thái úy Lê Thụ năm Mậu Thìn (1448), vụ Kim ngô vệ Lê Quát và vụ Quản lĩnh Nguyễn Nguyên Thông năm Bính Tý (1456).

Nhiều tấm gương các ngôn quan được người đời ngợi khen. Bùi Cầm Hổ (1390 - 1483), ngôn quan phụng sự ba đời vua Lê được Ngự chế Việt sử tổng vịnh nhận xét: "Là một nhân vật cương trực dám nói, không cần né tránh quyền thế". Ông từng tranh biện với Đại tư đồ Lê Sát để không cho Trình Bá Hoành làm quan vì có tính phản trắc, lại thẳng thắn khuyên vua giết Lê Sát không nên bêu thây làm nhục kẻo thiên hạ chê cười. Rồi trường hợp Lương Đăng là hoạn quan được sai chế định nhã nhạc, Lê Chữ là lính bắn nỏ được làm quan, ông đều dâng sớ can ngăn vì thấy không hợp. Vua dù không làm theo nhưng vẫn nể lòng trung của ông.

Năm Mậu Thìn (1448), nhiều quan to trong triều được ban tiền lên biên giới hội khám, họ lấy tiền nhà nước ban mua hàng hóa riêng cho mình, trong đó có cả Trung thừa Hà Lật.

Năm Quý Mùi (1463), vua Lê Thánh Tông dụ cho quan lại: "Nay bọn Lê Cảnh Huy, Nguyễn Như Đổ, Phạm Du khi bàn luận ở triều đình, hay lúc quyết định việc chính trị đều a dua lấy lòng hoặc ngậm miệng không nói". Hà Lật, Phạm Du đều là quan ở Ngự sử đài. Vậy là, đội ngũ ngôn quan được lựa chọn kỹ càng, đa phần là những người ngay thẳng, dám nói nhưng vẫn còn một bộ phận chưa làm tốt được chức trách. (còn tiếp) 

(Lược trích từ tác phẩm Nhà Lê sơ (1428 - 1527) với công cuộc chống nạn "sâu dân, mọt nước", NXB Tổng hợp TP.HCM, có bổ sung tư liệu)

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao