Hôm nay 11.2, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã làm việc với Trường đại học Giao thông vận tải về một số nội dung phục vụ thẩm tra dự án luật Đường sắt sửa đổi.
Điểm nhấn của buổi làm việc là các vấn đề liên quan tới đào tạo nhân lực cho ngành đường sắt, đặc biệt là nhân lực để chuẩn bị cho các dự án lớn của đường sắt quốc gia như đại dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đường sắt Hải Phòng - Lào Cai…
![Cần 2.000 tỉ đồng để đào tạo nhân lực chất lượng cho đường sắt tốc độ cao- Ảnh 1. Cần 2.000 tỉ đồng để đào tạo nhân lực chất lượng cho đường sắt tốc độ cao- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/11/mr-tranthiencanh-1739269477307270736610.jpg)
Theo ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Nhà nước cần bố trí 2.000 tỉ đồng để nâng cao chất lượng đào tạo ngành đường sắt
ẢNH: QUÝ HIÊN
Những trường nào đào tạo nhân lực ngành đường sắt?
Theo Trường đại học Giao thông vận tải, hiện nay, hoạt động đào tạo nhân lực đường sắt ở Việt Nam được thực hiện ở 2 cấp độ chính. Đào tạo công nhân kỹ thuật (lái tàu, bảo dưỡng - sửa chữa phương tiện, hạ tầng cầu, đường, thông tin - tín hiệu) chủ yếu do Trường cao đẳng Đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đảm nhiệm.
Còn đào tạo từ bậc đại học trở lên có 3 cơ sở chính tham gia: Trường đại học Giao thông vận tải, Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, Trường đại học Công nghệ giao thông vận tải. Ngoài ra, Trường đại học Xây dựng, Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Trường đại học Thủy lợi cũng đang nghiên cứu mở một số chuyên ngành về đường sắt.
Tuy nhiên, đây là ngành học kém hấp dẫn, không được quan tâm đầu tư, nên nhân lực chất lượng cao đang rất thiếu. Ngay tại Trường đại học Giao thông vận tải, trong số 90 tiến sĩ về kỹ thuật xây dựng công trình giao thông của trường chỉ có 5 tiến sĩ chuyên ngành đường sắt.
Nhiều vị trí quan trọng trong lĩnh vực kỹ thuật, quản lý vận hành, an toàn đường sắt chưa có đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị. Số lượng sinh viên chọn học tiếp cao học, tiến sĩ rất hạn chế.
"Dù nhu cầu nguồn nhân lực và làm chủ công nghệ lõi trong lĩnh vực đường sắt hiện đại hiện nay là rất lớn, nhưng so với các ngành kỹ thuật, kinh tế khác, sức hút của ngành này với xã hội vẫn còn hạn chế. Phần lớn sinh viên theo học ngành đường sắt tại các cơ sở đào tạo về đường sắt lựa chọn các chương trình đào tạo bằng hai, tại chức hoặc đào tạo ngắn hạn", PGS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải, chia sẻ.
Cần 4.000 suất học bổng cho người giỏi
Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cũng nhận định, nguồn nhân lực đường sắt hiện nay của Việt Nam mới chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản của hệ thống đường sắt hiện hữu. Với nhu cầu phát triển của ngành đường sắt trong thời gian tới, Nhà nước cần có các chính sách phù hợp để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, ở nhiều mảng hoạt động: quản lý, xây dựng, khai thác - vận hành…
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, riêng khối nhân lực khai thác vận hành (vận hành chạy tàu và bảo trì hệ thống, từ năm 2035 - 2036) chúng ta cần khoảng 13.880 lao động, trong đó khoảng 20% có trình độ đại học trở lên, phần còn lại là lao động có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng.
Trong vài năm tới, khối nhân lực quản lý dự án cần khoảng 500 người, khối tư vấn cần 1.200 - 1.300 người.
Khối xây dựng là nhóm có nhu cầu nhân lực lớn nhất, lên tới 220.000 - 240.000 người. Tại thời kỳ cao điểm, khối này cần tới 18.000 - 20.000 kỹ sư, với 20 - 30% trong số đó là kỹ sư chuyên ngành xây dựng đường sắt (hạ tầng, phương tiện đường sắt).
Theo ông Cảnh, toàn bộ nhân lực xây dựng, vận hành các tuyến đường sắt mới, đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đều phải qua đào tạo cơ bản, tức là 20.000 - 25.000 nhân sự trình độ đại học trở lên. Hiện tại, năng lực của các trường đại học trong nước đáp ứng được yêu cầu nhân lực cho dự án. Tuy nhiên, vấn đề là chất lượng đào tạo.
"Để thu hút được người học chất lượng đăng ký các chuyên ngành phục vụ đường sắt tốc độ cao, ngân sách nhà nước cần bố trí khoảng 2.000 tỉ đồng (tương đương 80 triệu USD) để ngành học này trở nên hấp dẫn hơn.
Đây là khoản tiền để chi cho các việc: đào tạo cán bộ giảng dạy, đặc biệt là chuyên ngành chuyên sâu đường sắt tốc độ cao (dự kiến 100 thạc sĩ và 10 tiến sĩ ở nước ngoài); cung cấp 4.000 suất học bổng để thu hút người giỏi; trang bị phòng thí nghiệm, trang thiết bị mô phỏng thực hành", ông Cảnh nói.