Thời điểm cúm lây lan mạnh nhất
Có hai cách lây truyền chính, trong đó dễ lây qua những giọt bắn lớn, khi người bệnh ho hoặc hắt hơi mà không che miệng và mũi của họ (khiến những người trong phạm vi 1 m bị nhiễm bệnh). Do đó, cần che miệng và mũi (tốt nhất là bằng khăn giấy dùng một lần) khi ho hoặc hắt hơi. Các giọt nhỏ hơn ở dạng khí dung, có khả năng bay đi xa nhưng ít có khả năng mang vi rút hơn. Ngoài ra, vi rút cúm có thể lây khi tiếp xúc trực tiếp với màng nhầy ở mũi, miệng và cổ họng (ví dụ trên tay của người bị bệnh chà xát mũi của họ). Do đó, cần vệ sinh tay thường xuyên và sử dụng khăn giấy dùng một lần khi ho, hắt hơi để phòng lây nhiễm cúm.
![Cúm A có nguy hiểm hơn cúm B?- Ảnh 1. Cúm A có nguy hiểm hơn cúm B?- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/10/15a-new-17391913049511283085477.jpg)
Viện Pasteur TP.HCM cho hay những ngày qua số người đến tiêm vắc xin cúm tăng 3 - 4 lần so với trước
ẢNH: T.D
Thông thường, một người lớn bị cúm có thể lây bệnh cho người khác từ thời điểm 1 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng và kéo dài trong khoảng 5 - 7 ngày. Thời điểm lây lan mạnh nhất là 3 - 4 ngày đầu tiên của bệnh. Nguy cơ lây nhiễm cho người khác không giống nhau trong suốt thời gian bị bệnh. Khả năng lây nhiễm tăng lên khi một người bắt đầu cảm thấy không khỏe, đó là lúc họ dễ lây nhiễm sang người khác nhất.
Do đó, điều rất quan trọng là ngay khi một người bắt đầu cảm thấy ốm, họ phải ở nhà trong vài ngày, đặc biệt là trong mùa cúm. Trẻ nhỏ, người suy giảm miễn dịch và những người bị bệnh nặng do cúm có thể thải vi rút cúm trong thời gian dài hơn.
Theo hướng dẫn của các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, khi nhiễm cúm hoặc có triệu chứng cúm (sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho), cần theo dõi sức khỏe, không tự mua thuốc điều trị, đặc biệt không tự mua kháng sinh, thuốc kháng vi rút, vì các thuốc này cần dùng theo đơn, tránh lạm dụng gây kháng thuốc, làm giảm tác dụng điều trị. Cần đến bệnh viện ngay khi sốt cao liên tục, đau tức ngực, ho nhiều, đau đầu, đau cơ, khó thở (nhịp thở nhanh) hoặc bất cứ triệu chứng bất thường nào.Nam Sơn
Đặc tính của cúm A và B
Phân tích thêm về đặc tính của cúm A và B, chuyên gia của Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết cúm A hiện có các chủng phổ biến là A/H1N1, A/H3N2 thường lưu hành ở người. Cúm A được phân chia thành các chủng riêng biệt dựa trên 2 loại protein trên bề mặt vi rút: hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Vi rút cúm A thường xuyên thay đổi cấu trúc kháng nguyên, có tốc độ lây lan nhanh. Trẻ em, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh nền mạn tính, người suy giảm miễn dịch có nguy cơ biến chứng nguy hiểm hơn khi nhiễm cúm A.
![Cúm A có nguy hiểm hơn cúm B?- Ảnh 2. Cúm A có nguy hiểm hơn cúm B?- Ảnh 2.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/10/15b-17391913049762145933850.jpg)
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm theo dõi diễn biến sức khỏe một bệnh nhân nhiễm cúm A biến chứng nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư
ẢNH: THANH ĐẶNG
Trong khi đó, cúm B có một chủng gây bệnh duy nhất và được phân thành 2 dòng phổ biến là B/Victoria và B/Yamagata. Do cúm B có đặc tính ít thay đổi cấu trúc kháng nguyên, chúng biến đổi chậm hơn khoảng 2 - 3 lần so với cúm A.
Chu kỳ dịch 10 - 40 năm
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm A có 15 loại kháng nguyên H (từ H1 - H15) và 9 loại kháng nguyên N (N1 - N9). Trong quá trình lưu hành của vi rút cúm A, 2 kháng nguyên này, đặc biệt kháng nguyên H, luôn biến đổi. Những biến đổi nhỏ liên tục gọi là "trôi" kháng nguyên thường gây nên các vụ dịch vừa và nhỏ. Những biến đổi nhỏ dần tích lại thành những biến đổi lớn, tạo nên phân týp kháng nguyên mới gọi là "thay đổi" kháng nguyên. Đó là do sự tái tổ hợp giữa các chủng vi rút cúm động vật và cúm người. Những phân týp kháng nguyên mới này sẽ gây dịch cúm, hoặc có thể là đại dịch.
Dịch cúm diễn biến phức tạp, người dân có nên tự xét nghiệm?
Các đại dịch cúm xảy ra có tính chu kỳ khoảng từ 10 - 40 năm. Các phân týp kháng nguyên của vi rút cúm A đang lưu hành trên toàn cầu ghi nhận là A/H1N1 và A/H3N2 xen kẽ nhau hoặc một trong hai týp chiếm ưu thế tùy từng nơi. Trong quá khứ từng có các đại dịch do cúm A: đại dịch năm 1918 - 1920 do cúm A/H1N1; 1968 - 1969 do cúm A/H3N2…
Vi rút cúm B biến đổi chậm hơn vi rút cúm A, do đó chỉ có một týp và không gây những vụ dịch lớn. Vi rút cúm C gây ra các trường hợp tản phát với triệu chứng lâm sàng không điển hình và các vụ dịch nhỏ ở địa phương.
Trước thực tế nhiều người lo ngại nhiễm cúm A thì nặng hơn cúm B và tự tìm thuốc điều trị, Th.S - bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), cho hay tùy thuộc vào từng loại khác nhau và tình trạng sức khỏe cá nhân chứ không phải cứ nhiễm cúm A là bệnh nặng.
Theo bác sĩ Khiêm, cúm B là cúm mùa, tỷ lệ tử vong rất thấp. Còn với cúm A, bao gồm cúm đại dịch, về cơ bản, là các chủng lưu hành rộng rãi, hiện độc lực gần như tương đương cúm B. Các cúm A đã lưu hành nhiều năm như cúm A/H3N2 hay H1N1 cũng tương tự cúm B. "Còn cúm A chủng mới như cúm gia cầm A/H5N1 thì độc lực rất mạnh, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50%", bác sĩ Khiêm chia sẻ.
SẼ XỬ PHẠT NẾU BÁN THUỐC KHÁNG VI RÚT KHÔNG THEO KÊ ĐƠN
Trước nhu cầu sử dụng thuốc kháng vi rút (hoạt chất Oseltamivir) điều trị cúm gia tăng, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir hiện vẫn đảm bảo về nguồn cung. Trong đó, với thuốc Tamiflu (hoạt chất Oseltamivir) nhập khẩu, theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000 hộp, sắp tới sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp. Trong nước đã sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện đang có trên 300.000 viên. Giá bán buôn vẫn giữ nguyên.
Cục Quản lý dược lưu ý đây là thuốc kê đơn nên việc mua, bán, sử dụng phải theo chỉ định, kê đơn của bác sĩ. Nếu nhà thuốc bán thuốc kê đơn khi không có đơn của bác sĩ sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, các hành vi lợi dụng, tăng giá bán nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt hành chính (theo khoản 4 điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12.7.2024), mức phạt từ 50 - 80 triệu đồng, đối với cá nhân. Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt tăng gấp 2 lần. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.
Cục Quản lý dược cũng đã có các văn bản yêu cầu các đơn vị chủ động về nguồn cung, không được găm hàng tăng giá.
Nam Sơn
Người dân tiêm vắc xin cúm tăng
Ngày 10.2, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết ghi nhận từ gần 220 trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước, số lượt người chủ động tiêm vắc xin cúm tăng cao, gấp 10 lần so với ngày thường, trung bình 3.000 - 4.000 mũi/ngày tại mỗi trung tâm. Trong đó, trẻ em, người lớn tuổi và người có bệnh nền chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Đây là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh, biến chứng, tăng khả năng nhập viện và tử vong, cần được ưu tiên bảo vệ.
Cùng ngày, Viện Pasteur TP.HCM cho hay, những ngày qua, số người đến tiêm vắc xin cúm tăng 3 - 4 lần so với trước, trung bình 600 mũi/ngày. Viện đảm bảo công tác khám sàng lọc, tiêm an toàn, lượng vắc xin đảm bảo cung ứng đủ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, nhận định bệnh cúm năm nay vẫn là cúm mùa kinh điển nhưng nhiều người mắc và nặng hơn là do thời tiết lạnh hơn mọi năm.
Theo bác sĩ Khanh, biện pháp phòng ngừa chính vẫn là mang khẩu trang nơi công cộng; rửa tay khi cần; tiêm ngừa cho nhóm nguy cơ dễ bị cúm và trở nặng như trẻ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, người trẻ hay bệnh vặt. Cần tiêm ngừa vắc xin cúm hằng năm cho nhóm nguy cơ.
Để tăng cường miễn dịch, bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân cần ngủ đủ giấc, uống đủ nước, ăn đủ chất, tập thể dục thường xuyên… Khi mắc bệnh thì cần đi khám, theo dõi, điều trị theo chỉ định của bác sĩ; không hoang mang nhưng không chủ quan với bệnh.
Sở Y tế TP.HCM cho biết có 20 trường hợp cúm đang điều trị nội trú tại các bệnh viện, đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện bất thường trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm.
Duy Tính