Đồng thời, nghệ sĩ cũng phải có biện pháp kịp thời nếu hình ảnh của mình bị cắt ghép trong những clip để trục lợi.
Cần có trách nhiệm khi nhận quảng cáo
Ở bài trước, Thanh Niên đề cập đến thực trạng nhiều nghệ sĩ xuất hiện trong các clip được cho là quảng cáo bài bạc. Sự việc khiến họ nhận không ít chỉ trích từ mạng xã hội, phải lên tiếng đính chính. Cả ca sĩ Khánh Phương và Châu Khải Phong đều nhận mình là nạn nhân của hành vi cắt ghép, vu khống gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh dự. Hai nghệ sĩ này cũng lên tiếng cảnh tỉnh khán giả để tránh bị kẻ xấu lừa đảo, trục lợi.
Từ vụ việc, nhiều người đặt ra vấn đề về trách nhiệm của người nghệ sĩ khi nhận quảng cáo. Bởi thực tế, công việc này mang lại cho họ nguồn thu không hề nhỏ. Thậm chí, tên tuổi càng được quan tâm thì mức cát sê cũng càng tỷ lệ thuận. Song đi kèm với lợi ích, nghệ sĩ cũng cần có trách nhiệm, đặt ra những nguyên tắc riêng khi nhận lời quảng cáo cho một mặt hàng, một dịch vụ nào đó. Điều này không chỉ giúp họ tránh được việc quảng cáo sản phẩm kém chất lượng hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, điển hình là cờ bạc.
Trong bài đính chính của mình, Châu Khải Phong cho biết: "Là một nghệ sĩ, từ xưa đến giờ tôi rất kỹ; khi nhận hợp đồng quảng cáo, tôi phải xem trước nội dung để biết câu chuyện của mình có làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh hay không, có lành mạnh hay không". Nam ca sĩ cũng thừa nhận đây là sai sót của mình, khẳng định sẽ cẩn trọng hơn khi làm việc để tránh những ồn ào tương tự.
Trao đổi với Thanh Niên, thượng tá Đỗ Minh Kim, Phó trưởng Phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), cho biết chơi cờ bạc, cá độ trên mạng là hành vi vi phạm pháp luật, thế nhưng hoạt động này lại đang được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội một cách ngang nhiên. Theo ông Kim, hoạt động quảng cáo nhằm mục đích lôi kéo người chơi cờ bạc trực tuyến, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các hoạt động vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Theo quy định của pháp luật, hành vi cá độ bóng đá là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm thực hiện dưới mọi hình thức, và cũng cấm quảng cáo theo khoản 1 điều 7 luật Quảng cáo. Thượng tá Đỗ Minh Kim phân tích, việc quảng cáo trực tuyến trái phép nói trên vẫn diễn ra một phần do thiếu sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng; từ đó dẫn đến việc xuất hiện nhiều video, hình ảnh quảng cáo cho các hoạt động vi phạm pháp luật, điển hình là quảng cáo cờ bạc, cá độ bóng đá. Chưa kể, việc đăng tải các nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật như vậy có nguy cơ bị lợi dụng, tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước. Vì vậy, thượng tá Kim cho rằng người nổi tiếng, nghệ sĩ hay bất kỳ ai khi nhận quảng cáo nên tìm hiểu về sản phẩm, bởi một khi không hiểu rõ về nó có thể gây hậu quả khôn lường.
Chủ động xử lý để bảo vệ mình
Riêng với vụ việc của Châu Khải Phong hay Khánh Phương, dân mạng đặt vấn đề cần có động thái mạnh mẽ, quyết liệt nếu rơi vào trường hợp bị kẻ xấu cắt ghép clip nhằm trục lợi. Bởi hành động này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh dự của người nghệ sĩ, bằng chứng là họ đã nhận phải làn sóng phản ứng gay gắt từ người dùng mạng xã hội. Vậy cần làm gì để bảo vệ mình nếu hình ảnh bị cắt ghép nhằm trục lợi?
Theo luật sư Nguyễn Đăng Tư (Đoàn luật sư TP.HCM), các nghệ sĩ là những người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng. Vì vậy, khi nhận thấy hình ảnh mình bị cắt ghép, cần phải lên tiếng đính chính thông tin trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng để mọi người cảnh giác, đồng thời trình báo sự việc lên cơ quan công an gần nhất để được bảo vệ quyền lợi.
Đồng quan điểm, luật sư Hà Thị Kim Liên (Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam) cho biết việc lợi dụng, cắt ghép, chỉnh sửa trái phép hình ảnh của nghệ sĩ để quảng cáo cho các hoạt động phi pháp là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền nhân thân của cá nhân, cụ thể là quyền được bảo vệ hình ảnh theo quy định tại điều 32, bộ luật Dân sự 2015. "Hành vi này không chỉ vi phạm quy định pháp luật mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín và đời sống cá nhân của nghệ sĩ. Do đó, nghệ sĩ nên chủ động thực hiện những biện pháp xử lý nghiêm minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình", luật sư Hà Thị Kim Liên phản hồi.
Ông bà ta có câu "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng", việc vướng phải điều tiếng quảng cáo cờ bạc khiến nghệ sĩ bị khán giả quay lưng và phải đối diện với nhiều hậu quả khôn lường khác. Do đó, theo luật sư Hà Thị Kim Liên, nghệ sĩ khi phát hiện bị cắt ghép hình ảnh cho mục đích quảng cáo cờ bạc cần chủ động hoặc ủy quyền cho các đơn vị pháp lý liên hệ với đơn vị đã sử dụng hình ảnh của mình để yêu cầu gỡ bỏ, khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại.
"Trường hợp đơn vị vi phạm không có động thái khắc phục, nghệ sĩ có quyền áp dụng các biện pháp công nghệ kết hợp biện pháp pháp lý, như báo cáo, gỡ bỏ clip vi phạm trên mạng xã hội, website và trình báo, gửi đơn khiếu nại cho cơ quan chức năng hay khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại, buộc đối phương chấm dứt hành vi vi phạm và xin lỗi công khai", luật sư Hà Thị Kim Liên chia sẻ thêm.