Thị trường sôi động
Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B dịp Tết Nguyên đán 2025 vừa qua công diễn vở Cây bút thần, phóng tác từ câu chuyện dân gian quen thuộc. Vở kịch thiếu nhi này quy tụ dàn diễn viên gồm: NSND Mỹ Uyên, Huỳnh Nhu, Huỳnh Ngân, Hồng Đào, Kỳ Thiên Cảnh… Ngoài lồng ghép thông điệp vào tác phẩm, sân khấu còn chú trọng tạo hiệu ứng thông qua những màn tương tác với khán giả nhí, biến tấu các điệu hò, lý, cải lương… gây thích thú cho người xem. Trước đó, NSND Mỹ Uyên và các cộng sự đã tạo được ấn tượng tốt với các vở Trạm cứu hộ động vật, Đại náo long cung…
![Kịch thiếu nhi vượt khó- Ảnh 1. Kịch thiếu nhi vượt khó- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/11/ban-mai-173928337031688485948.jpg)
Vở nhạc kịch Tết ơi tết à dành cho gia đình được trình làng trong dịp tết vừa qua
Ảnh: Sân khấu Ban Mai
Nếu trước đây Ngày xửa ngày xưa của Idecaf gần như "một mình một cõi" ở thị trường kịch thiếu nhi thì những năm gần đây, các sân khấu khác cũng chú trọng đến khán giả nhí. Điển hình là hè 2024, sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh giới thiệu vở diễn Mễ Cốc phiêu lưu ký, quy tụ dàn diễn viên: NSƯT Minh Nhí, Việt Hương, Hứa Minh Đạt, Quỳnh Lam… Nghệ sĩ Việt Hương tiết lộ vở diễn hoành tráng này được đầu tư 1 tỉ đồng, có số lượng phục trang nhiều nhất so với các vở diễn khác của sân khấu. Từ khi công diễn, Mễ Cốc phiêu lưu ký đã nhận được những đánh giá tích cực từ khán giả, liên tục cháy vé trong đợt hè, cho thấy sức hút của kịch thiếu nhi nếu được đầu tư bài bản, chỉn chu.
Một tín hiệu đáng mừng cho thị trường kịch thiếu nhi chính là sự ra đời của sân khấu Ban Mai, có sự cộng tác của dàn diễn viên đình đám như Phi Phụng, NSND Trịnh Kim Chi, Phương Dung, Phương Bình… Với tôn chỉ nuôi dưỡng trí tưởng tượng và ước mơ của trẻ nhỏ, sân khấu đặt mục tiêu mang đến những tác phẩm kịch lấy chất liệu từ văn hóa, nghệ thuật và lịch sử VN. Sân khấu Ban Mai đã mang đến nhiều vở diễn, trong đó phải kể đến Rago - Hành trình đầu tiên, Colora - Xứ sở rực rỡ, Tết ơi tết à (trình làng trong dịp Tết Nguyên đán 2025).
Trong khi đó, sân khấu Hồng Hạc cũng kịp tạo dấu ấn với vở Thiên thần nhỏ của tôi - chuyển thể từ truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh, trình làng trong dịp hè 2024. Nghệ sĩ Quốc Thảo và các học trò đã để lại dấu ấn với khán giả nhí trong vở diễn Đảo muôn màu - Cuộc thử thách sinh tồn.
Từng "độc chiếm" thị trường kịch thiếu nhi song việc các sân khấu khác trình làng những vở diễn dành cho trẻ em không làm Ngày xửa ngày xưa của Idecaf mất đi sức hút. Bằng chứng là thời điểm ra mắt những vở diễn mới, sân khấu này vẫn trong tình trạng "cháy vé". Thậm chí, nhiều người sẵn sàng "săn lùng" vé chợ đen để có cơ hội theo dõi Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Huyền thoại mắt thần.
Nghệ sĩ Đình Toàn từng chia sẻ trong một chương trình rằng Ngày xửa ngày xưa duy trì sự hấp dẫn với cả nhóm khán giả lớn tuổi không chỉ bởi những kỷ niệm tươi đẹp mà còn có sự đổi mới và sáng tạo không ngừng. "Chúng tôi phải viết những kịch bản mới, hấp dẫn hơn, dày hơn và nhiều tình tiết hơn", anh nói.
![Kịch thiếu nhi vượt khó- Ảnh 2. Kịch thiếu nhi vượt khó- Ảnh 2.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/11/ban-mai1-1739283370505277609623.jpg)
![Kịch thiếu nhi vượt khó- Ảnh 3. Kịch thiếu nhi vượt khó- Ảnh 3.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/11/me-coc-17392833705201259974610.jpg)
Vở Mễ Cốc phiêu lưu ký
Ảnh: Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh
Nỗ lực vượt thách thức
Việc thực hiện các vở kịch thiếu nhi hiện nay là cơ hội lớn cho các sân khấu. Khi mà những địa điểm vui chơi dành cho các bé không còn nhiều, phụ huynh lo ngại về việc con em sa đà vào các thiết bị công nghệ thì chính các vở diễn là nơi giúp các bạn nhỏ giao lưu trực tiếp, bày tỏ quan điểm của mình cùng với các tình huống xảy ra trong tác phẩm. Song để có thể "kéo" khán giả nhí ra rạp lại là một bài toán không đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực của các sân khấu.
Hiểu được điều này, các vở diễn ngoài đầu tư về phục trang, âm thanh hay lồng ghép thông điệp còn chú trọng vào việc tạo sự tương tác với khán giả nhí. Nghệ sĩ Quốc Thảo nói ở sân khấu, ông cùng các học trò còn tổ chức các hoạt động mang tính chất giải trí để thu hút người xem. "Nếu chỉ nghĩ đến chuyện lời lỗ, chắc sẽ khó làm kịch thiếu nhi. Tác phẩm này chỉ diễn theo mùa, trong khi chi phí đầu tư lớn. Nhưng đây là cơ hội để các diễn viên tiếp cận với các bé và có được nhiều bài học về diễn xuất, đặc biệt là kỹ năng giao lưu với khán giả", nghệ sĩ Quốc Thảo cho hay.
Bàn về những khó khăn, nghệ sĩ Quốc Thảo cũng thừa nhận các vở diễn dành cho thiếu nhi đòi hỏi hình thức hấp dẫn. Điều đó đặt ra bài toán cho sân khấu về việc đầu tư trang phục, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng… Ông chia sẻ thêm: "Nếu chúng ta đầu tư sơ sài thì các em nhìn vào sẽ cảm thấy chán, không tạo được sức hút với các em và phản tác dụng".
Là đạo diễn các vở kịch ở sân khấu Ban Mai, Bảo Chu nói một trong những "cái khó" của đơn vị là việc tạo ra một tác phẩm phục vụ các em nhỏ nhưng không làm các bậc phụ huynh cảm thấy nhàm chán. Theo đạo diễn, để dung hòa điều đó không phải chuyện đơn giản. "Trong một năm qua, sân khấu chúng tôi đã thử rất nhiều cách, phải thay đổi nhiều hình thức nắm bắt thị hiếu của khán giả. Chúng tôi chỉ có 90 phút để giúp các bé rời xa điện thoại, hòa mình vào vở kịch. Điều đó đòi hỏi diễn viên phải làm việc hết mình. Kịch thiếu nhi cái gì cũng phải hành động nên tốn rất nhiều sức", anh cho hay.
So với những sân khấu khác, đạo diễn Bảo Chu cho biết sân khấu Ban Mai hiện tại vẫn còn phải thuê địa điểm. Do đó, anh còn phụ thuộc vào không gian sân khấu để dàn dựng vở sao cho phù hợp. Trên hết, đạo diễn tin rằng kịch bản là yếu tố then chốt.
"Mình phải lồng ghép yếu tố giáo dục vào bên trong tác phẩm để mang đến những bài học, trải nghiệm cho các em nhỏ. Năm 2025, chúng tôi bắt đầu có hướng đi mới khi thực hiện những vở diễn lịch sử, hy vọng có thể đến gần hơn với các em nhỏ thông qua sự kết nối với nhà trường", Bảo Chu chia sẻ.