Theo Đại Nam nhất thống chí, nơi đây ngày trước là rừng, năm 1843, thiền sư Nhất Định dựng am An Dưỡng để tu tập và nuôi dưỡng mẹ già. Mẹ bệnh nặng, mỗi ngày ngoài lo thuốc thang, ông còn băng rừng xuống chợ cách đó hơn 5 km mua thịt cá tẩm bổ cho mẹ. Cảm phục tấm lòng hiếu thảo của ông, vua Tự Đức ban cho biển đề "Từ Hiếu Tự".
Khoảng năm 1848, thái giám Châu Phước Năng kêu gọi các thái giám khác trong triều đình quyên góp tu sửa, mở rộng am thành ngôi chùa khang trang làm nơi quy y và an dưỡng về già cho những thái giám không có gia đình, người thân, làm nơi thờ tự hương khói khi họ qua đời.
Qua nhiều lần xây dựng, tu sửa, hiện tại chùa Từ Hiếu có cổng tam quan (hai tầng, phía trên thờ tượng Hộ pháp). Kế đến là hồ bán nguyệt thả sen súng, từ đây dẫn đến chánh điện xây kiểu nhà truyền thống ba gian hai chái (gian giữa thờ Phật tổ). Dãy nhà hậu (Quảng Hiếu Đường) là nơi thờ tả quân Lê Văn Duyệt, các vị thần, thái giám…
Bên phải chùa là khu nghĩa trang (khoảng 1.000 m2, có tường bảo vệ) của 25 thái giám triều Nguyễn, có bia ghi lại công lao của các thái giám. Vào ngày rằm tháng 11 âm lịch hằng năm, chùa tổ chức một ngày giỗ chung cho những người đã mất.
Chùa Từ Hiếu cũng là nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh từng tu học và năm 2018 trở về sống những ngày cuối đời tại đây.