Dạo bước vườn văn xứ Nẫu

Sống và viết ngay trên quê hương xứ Nẫu, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Xuân Toàn đã chọn Bình Định làm không gian nghiên cứu để từ đó anh có hàng trăm bài báo, bài tham luận về văn hóa, văn nghệ dân gian Bình Định được công bố trong hàng chục năm qua. Trên cơ sở đó, anh đã tập hợp, biên soạn, chỉnh lý để cho ra cuốn Dạo bước vườn văn xứ Nẫu dày 530 trang (NXB Dân trí ấn hành tháng 12.2024). Đây là một thành quả đáng kể của Trần Xuân Toàn trên con đường nghiên cứu và sưu tầm văn hóa, văn chương xứ Nẫu - Bình Định, vùng đất được xem là văn võ song toàn.

Dạo bước vườn văn xứ Nẫu- Ảnh 1.

Sách Dạo bước vườn văn xứ Nẫu của tác giả Trần Xuân Toàn

ẢNH: HTS

Cuốn sách gồm hai phần. Phần I: Hương sắc dân gian Bình Định gồm những bài viết liên quan đến chủ đề văn hóa, văn nghệ dân gian trên dải đất Bình Định. Phần II: Chân dung và tác phẩm,  những bài viết chân dung văn học về các tác giả, tác phẩm, các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian gắn kết với Bình Định từ xưa đến nay. Với bố cục đó, tác giả Trần Xuân Toàn khiêm tốn xem mình như một lữ khách dạo bước qua vườn văn xứ Nẫu, Bình Định. Nhưng trên thực tế, đây đều là những tiểu luận nghiên cứu đầy đủ và sâu sắc về tác giả, tác phẩm tạo nên một diện mạo đầy đủ và nghiêm túc về một vùng văn hóa và văn học. Thực sự đó là một vườn hoa nhiều hương sắc về vùng đất võ, xứ văn chương Bình Định.

Bình Định như một Việt Nam thu nhỏ về sự đa dạng của văn hóa và văn học từ dân gian đến hiện đại. Lịch sử hình thành và phát triển của xứ Nẫu, Bình Định gắn với lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển của văn hóa, văn học địa phương này trong sự thống nhất và đa dạng. Đó là tiền đề để tác giả Trần Xuân Toàn dày công nghiên cứu và cho ra tác phẩm Dạo bước vườn văn xứ Nẫu

Với công trình này, tác giả muốn gửi đến bạn đọc thông điệp: "Cũng như con người, văn hóa và văn chương luôn mang đậm tính vùng miền như một thuộc tính tất yếu". Chính thuộc tính ấy tạo nên sự đa dạng, đa sắc và cá tính với tất cả sự hấp dẫn của nó. Với con mắt của nhà nghiên cứu, tác giả đã chỉ ra được sự khác biệt, sự đặc sắc và đa dạng của văn hóa, văn học Bình Định.

Chẳng hạn khi nói về văn học dân gian miền biển Bình Định, anh đã khẳng định: "Ở đâu có con người ở đó sẽ ra đời một nền văn học dân gian". Cư dân miền biển Bình Định cũng vậy, suốt một dải bờ biển dài hàng trăm km từ Hoài Nhơn vào đến Quy Nhơn, nơi đâu cũng dày đặc những làng chài với những con người ngày ngày bám biển để sống, để làm giàu từ biển. Cũng từ đó, các làng chài Bình Định hình thành nên một nền văn hóa, văn nghệ dân gian độc đáo và đa dạng như con người vùng biển nơi đây - mộc mạc mà thắm thiết, chân tình mà mãnh liệt. Chỉ có người con gái biển Bình Định mới bộc lộ tình yêu với chàng trai biển bằng nỗi lo đau đáu mỗi khi người yêu dong buồm ra khơi đánh cá:

"Nồm nam, bấc chướng sóng lượn ba đào

Anh đi câu. Biết chừng nào anh vô"

Đó là câu ca dao ở vùng biển Bình Định mà Trần Xuân Toàn đã sưu tầm được trong những chuyến anh đi điền dã.

Dạo bước vườn văn xứ Nẫu- Ảnh 2.

ẢNH: HTS

Quy Nhơn - Bình Định: Nơi khởi nguồn của Thơ mới và mạch nguồn dòng chảy của văn học hiện đại

Các kết quả nghiên cứu văn học hiện đại của Trần Xuân Toàn trong Dạo bước vườn văn xứ Nẫu đã chỉ ra rằng, phong trào Thơ mới có nhiều thi nhân nổi tiếng bắt đầu từ phố biển Quy Nhơn. Lưu Trọng Lư, tác giả của bài thơ Tiếng thu nổi tiếng, từng diễn thuyết cổ xúy cho phong trào Thơ mới tại nhà Học hội Quy Nhơn từ tháng 6.1934. Trong số 45 tác giả có tên trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân thì Bình Định đóng góp đến 5 gương mặt trong đó nổi bật là Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn...

Ngoài Thơ mới, cuốn sách Trần Xuân Toàn cũng cho độc giả biết Quy Nhơn - Bình Định còn là vùng đất quê hương của hàng trăm văn nhân, thi sĩ, nghệ sĩ đang sinh sống và hoạt động nghệ thuật trên khắp mọi miền đất nước. Đồng thời, đó cũng là vùng đất mà rất nhiều văn nhân, thi sĩ trên khắp cả nước đã tìm đến với rất nhiều cảm hứng sáng tạo để từ đó kết thành duyên nợ văn chương với Quy Nhơn. Và đó là niềm tự hào của người xứ Nẫu, Bình Định được tác giả đề cập khá nhiều trong cuốn Dạo bước vườn văn xứ Nẫu. Anh xem đó là một thành tựu lớn của văn hóa, văn học Bình Định.

Với Trần Xuân Toàn, nghiên cứu về văn hóa, văn học Bình Định xưa và nay là một trong những hướng tiếp cận mà anh dành nhiều tâm huyết. Từ những trang viết của anh trong Dạo bước vườn văn xứ Nẫu, những gương mặt văn chương Bình Định thời hiện đại và đương đại thêm một lần được tỏa sáng. Đó là các văn nhân, nghệ sĩ nổi danh sống và viết trên đất Bình Định như Yến Lan, Vương Linh, Lệ Thu, Cao Duy Thảo, Thanh Thảo, Thu Hoài, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Thanh Hiện, Đinh Xăng Hiền, Từ Quốc Hoài, Hà Giao, Lê Văn Ngăn… Đó còn là những cây bút trẻ sung sức với sức sáng tạo mãnh liệt và rất thành công như Nguyễn Thị Tư, Cao Chư, Trần Thị Huyền Trang, Nguyễn Thanh Mừng, Nguyễn Đăng Vũ, Phạm Đương, Mai Thìn… Đó là một nền văn học đương đại mà như Trần Xuân Toàn nói là "tràn căng sức trẻ". Phản ánh một cách sinh động về những tác giả và tác phẩm văn chương Bình Định thời đương đại như trên cũng là một thành công lớn của Dạo bước vườn văn xứ Nẫu.

Là một nhà nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian đồng thời cũng là một giảng viên văn học dân gian của Trường đại học Quy Nhơn, Trần Xuân Toàn đã viết các tiểu luận và cảm nhận văn học trong Dạo bước vườn văn xứ Nẫu một cách nghiêm túc, điềm đạm. Các luận chứng, luận điểm anh đưa ra đều dựa trên thực tiễn điền dã với đầy đủ các chứng cứ và ngữ liệu. Viết về văn chương nhưng văn chương của Trần Xuân Toàn rất thật thà và giản dị bởi anh là một nhà giáo dạy văn làm nghiên cứu văn học. Điều đó đã mang đến sự thành công của anh qua Dạo bước vườn văn xứ Nẫu.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao